Một trong những bí quyết thành công của Buffett đó là nhờ học học từ Tom Murphy, một trong những "người hùng" của Buffett và là một nhà điều hành kinh doanh xuất chúng, người đã dạy Buffett cách để lãnh đạo và điều hành công ty.
Trong cuốn sách Getting There: A Book of Mentors, Buffett chia sẻ một bài học "không thể thiếu" mà Murphy đã dạy cho ông, bài học này liên quan đến trí tuệ cảm xúc của bạn:
“Bốn mươi năm trước, Tom đã cho tôi một trong những lời khuyên tốt nhất mà tôi từng nhận được. Anh ấy nói, "Warren, anh luôn có thể bảo ai đó hãy xuống địa ngục vào ngày mai, nhưng anh đừng bộc phát điều này trong lúc tức giận nhất thời".
Trong những năm đầu xây dựng nền tảng kinh doanh mà bây giờ được mọi người biết đến là Berkshire Hathaway, Buffett thừa nhận ông không có các kỹ năng xã hội tương xứng với trí tuệ của mình. Ông có thể là người bảo người khác hãy xuống địa ngục trong lúc nóng nảy, và sau này ông vô cùng hối hận vì quyết định lúc đó của mình.
Tuy nhiên, cũng như bao nhà lãnh đạo vĩ đại khác, Buffett đã dần phát triển khả năng tự nhận thức của mình - một kỹ năng thiết yếu và có lẽ là kỹ năng quan trọng nhất mà ông cần thành thạo nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo.
Tom Murphy là người rất thành thạo với kỹ năng này. Buffett chia sẻ trong cuốn sách rằng Murphy "không cần phải la hét hay có bất cứ hành động gì tương tự. Ông ấy có thể làm mọi thứ với tinh thần rất thoải mái."
Nó không có nghĩa là bạn phải kìm nén đi cảm xúc của mình khi bạn làm sai điều gì đó. Điều mà ông muốn truyền tải đó là bằng sự tự nhận thức của chính mình, bạn có thể thấu hiểu được cảm xúc của chính mình trong bất kì tình huống cụ thể nào và có sự suy nghĩ thấu đáo hơn trước khi bộc phát nên câu nói không phải trong cơn tức giận.
Theo ông, đây là chìa khóa để bạn có một cách ứng xử phù hợp trong mọi tình huống.
Quản lý cảm xúc của bạn một cách đúng đắn
Khả năng làm chủ cảm xúc là vô cùng quan trọng và việc biết lý do vì sao tâm trạng bạn trở nên như vậy là một điều vô cùng cần thiết. Để nâng cao nhận thức về bản thân hơn nữa, hãy sử dụng những gì bạn biết về cảm giác của mình để điều chỉnh bản thân.
Ví dụ, khi cảm thấy tức giận hoặc thất vọng, bạn hãy tìm hiểu các yếu tố khiến cảm xúc bạn trở nên như vậy để việc quản lý cảm xúc của bạn có những kết quả tích cực. Và bạn nên cân nhắc vấn đề này: Đôi khi hành động tốt nhất tại một thời điểm nhất định nào đó là không làm gì cả và tuân theo nguyên tắc “im lặng là vàng”.
Nhà tâm lý học và tác giả sách bán chạy nhất Daniel Goleman đưa ra điều này về những người quản lý tốt cảm xúc của họ: “Những người lý trí là những người duy trì sự kiểm soát tốt đối với cảm xúc của họ. Họ cũng là những người có thể tạo nên một môi trường an toàn, công bằng và lành mạnh.”
Việc duy trì cảm xúc ổn định chưa bao giờ là việc dễ dàng. Vì vậy, vào lần tới, khi bạn bị “vùi dập” bằng những lời chỉ trích gay gắt và không đáng có từ đồng nghiệp hoặc sếp, bạn hãy thử ngay những việc làm dưới đây để bạn cảm thấy tích cực hơn:
1. Hãy hít thở thật sâu
Hãy dành một chút thời gian để hít thở sâu để bạn có thể bình tĩnh lại. Đây là bước đầu tiên mà bạn luôn phải nhớ.
2. Tự đánh giá một cách trung thực
Điều thứ hai mà bạn nên làm đó chính là tự đánh giá cảm xúc của bạn một cách trung thực. Chuyện gì trong vấn đề đó khiến bạn cảm thấy như vậy? Hãy đi sâu vào tìm hiểu cho đến khi bạn hiểu được nguồn gốc của vấn đề.
Sự tức giận của bạn có thể chỉ là một cảm xúc thứ cấp đối với một nguyên nhân khác sâu xa hơn nhiều, và có thể đó là nguồn gốc của sự tức giận và oán giận đang bùng phát trong bạn.
3. Đương đầu với cảm xúc đó
Một khi bạn đã tìm được nguyên nhân sâu xa của sự tức giận của mình, hãy tìm cách phù hợp nhất đối với bạn để đối mặt với nó..
Chẳng hạn như bạn có thể cho người kia biết rằng bạn đang cần có thời gian để suy nghĩ và đánh giá những gì đã nói một cách tường tận và sau đó bạn sẽ quay lại sau để giải quyết vấn đề khi bạn đang ở một trạng thái tốt hơn. Hoặc, bạn có thể thừa nhận rằng bạn đang rất tức giận và tìm người mà bạn tin tưởng để trò chuyện nhằm có một góc nhìn khác tốt hơn.
4. Biến đổi cảm xúc sang hướng tích cực hơn
Hãy nỗ lực để chuyển cảm xúc của bạn sang hướng tích cực. Ví dụ, thay vì trả thù người đã có hành vi sai trái với bạn, bạn có thể thử suy nghĩ theo một khía cạnh khác thông qua việc tưởng tượng những hoàn cảnh khó khăn mà họ đang gặp phải.
Từ việc suy xét và đồng cảm với người khác trong xung đột, bạn có thể hiểu được nỗi thất vọng của người khác, biết trong tâm trí của người đó đang phải có những cảm xúc gì. Việc hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác sẽ là chìa khóa giúp bạn phát triển cảm xúc của mình và mở ra cho bạn những điều tích cực hơn trong cuộc sống.
Theo INC