Diễn giả Vivian James Rigney đã chiến thắng chính mình để chinh phục không chỉ một, mà là bảy đỉnh núi cao nhất thế giới, trong đó có đỉnh Everest.
Vivian James Rigney không phải là một khách du hành bình thường.
Huấn luyện viên và diễn giả này đã ghé thăm hơn 80 quốc gia và sống ở 3 lục địa trên Trái Đất.
Ông cũng đã chinh phục 7 ngọn núi cao nhất trên tất cả các lục địa trên toàn cầu. Đó là một kỳ tích mất tới 14 năm để thực hiện - một kỳ tích mà ông ước tính là chưa đến 1.000 người có thể hoàn thành.
Và Rigney đã làm điều đó mặc dù bản thân “sợ độ cao”, theo chia sẻ của chính ông.
Trong một cuộc phỏng vấn, Rigney thẳng thắn chia sẻ về số tiền ông phải bỏ ra và những gì ông đã học được để chinh phục được những địa điểm cao nhất trên địa cầu.
Những chuyến phiêu lưu không hề rẻ
Rigney ước tính ông đã phải chi tổng cộng từ 170.000 -180.000 USD để leo hết 7 ngọn núi cao nhất 7 lục địa.
“Tính đến nay, chuyến chinh phục Everest là tốn kém nhất,” Rigney chia sẻ. Ông cũng cho biết thêm rằng bản thân đã phải tiêu khoảng 80.000 USD khi leo đỉnh núi này vào năm 2010.
“Bạn phải tiết kiệm và xây dựng kế hoạch,” ông nói. “Đó là lý do tôi mất nhiều năm trời. Tôi bắt đầu, sau đó đi học trường kinh doanh, tất cả tiền của tôi lại đổ vào đó, sau đó tôi bắt đầu lại, kiếm một công việc mới … Từng chút một, cuối cùng tôi cũng làm được”.
Ngoài tiền bạc, chuyến đi cũng đòi hỏi ở ông một thứ khác - thời gian nghỉ làm. May mắn thay, Rigney nói rằng các sếp luôn ủng hộ mục tiêu của ông.
“Nếu bạn có một ông chủ tốt, họ có thể coi mục tiêu của từng cá nhân là thứ có thể giúp nâng cao tinh thần làm việc của cả công ty.”
Từ "dễ dàng" đến "khó xơi"
Qua lời kể của Rigney, ngoài chi phí, 7 ngọn núi còn khác nhau đáng kể về mức độ khó để chinh phục.
Ông cho biết Núi Kilimanjaro của Châu Phi là “dễ trèo”, coi nó “về mặt kỹ thuật không có gì thách thức cả”. Nhưng nó vẫn đủ cao để gây ra chứng say độ cao, điều này cũng khiến một số người leo núi không thể lên tới đỉnh.
Theo chia sẻ của Rigney, núi Kilimanjaro có thể được chinh phục chỉ trong 1 tuần. Núi Vinson ở Nam Cực có thể mất 2 tuần - “nếu bạn may mắn” - và núi Denali của Bắc Mỹ mất từ 3-4 tuần.
Nhưng đỉnh Everest là một "hành trình mất tới khoảng 2 tháng”, ông nói. Ông cho biết, tính đến nay, đây là lần leo núi khó khăn và nguy hiểm nhất, gọi đây là trải nghiệm “cực kỳ khó khăn, vất vả”.
“Mọi tế bào trong cơ thể đều như nói rằng bạn không nên ở đây,” Rigney bồi hồi nhớ lại. "Trực giác cũng sẽ trở nên tồi tệ."
Rigney nói rằng khi đến nơi, cơ thể ông "phồng rộp và hao mòn." Mặc dù bổ sung tới 7.000 - 8.000 calo mỗi ngày - chủ yếu là từ khoai tây, mì ống và thức ăn khô – Rigney vẫn bị giảm tới 20 pound trong quá trình leo Everest.
Theo Rigney, việc giữ ấm cần rất nhiều năng lượng. Và mọi thứ đều đóng băng, kể cả màn hình máy ảnh LCD.
“Chúng tôi thậm chí phải sử dụng chính nước tiểu của mình để giữ ấm. Bạn đi tiểu trong túi tiểu, sau đó dán kín nó lại và bỏ cái đó vào túi ngủ cùng mình vì nó ấm."
Trong mùa leo núi, chỉ có khoảng 3-5 ngày là thời điểm mà những người leo núi có thể lên đến đỉnh Everest. Rigney nói nếu họ làm được thì đó là một chiến thắng đầy tự hào.
Từ leo núi đến huấn luyện và diễn thuyết
Rigney hiện là một huấn luyện viên điều hành và một diễn giả, chuyên chia sẻ những bài học mà ông học được từ việc thúc đẩy bản thân, cả về mặt tinh thần và thể chất, đến giới hạn.
Ông cũng là tác giả của “Naked at the Knife’s Edge”, một cuốn sách nói về cách ông đã học từ những khoảnh khắc khó khăn nhất trong chuyến chinh phục Everest để đạt được thành công trong nghề nghiệp.
Rigney giúp “những người làm việc quá mức” đạt được sự cân bằng và phá bỏ các thói quen kéo họ theo một cách máy móc, thụ động. Ví dụ như nỗi sợ hãi - cho dù là sợ nói trước đám đông hay sợ độ cao như chính Rigney từng mắc - có thể được khắc phục bằng cách sử dụng các thủ thuật của tâm trí.
Và các nhà lãnh đạo cũng phải học cách chấp nhận những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, có thể là những tai nạn bất ngờ hoặc một đại dịch toàn cầu.
Cho đến nay, Rigney vẫn thường mỉm cười khi nghĩ về câu chuyện xảy ra khi ông di chuyển đến một nhà chứa máy bay nhỏ ở Kathmandu một giờ trước khi bay đến chân núi của dãy Himalaya.
“Tôi nhớ đã nói chuyện với một người đàn ông, và tôi đã hỏi: “Này, anh nghĩ chúng ta sẽ rời đi lúc mấy giờ?” Rigney nói.“Người kia trả lời bâng quơ: "Có thể là hôm nay, hy vọng là vào ngày mai, nhiều khả năng là vào cuối tuần. "
Mười phút sau, một người leo núi khác, khi nhận được câu trả lời tương tự, đã tức giận điên người.
“Khi anh chàng kia phát điên lên, mặt đỏ tía tai, chúng tôi chỉ cùng cười ầm lên. Tôi nghĩ đó cũng là lúc tôi học được một bài học thực tế về thời tiết ở Himalayas, cũng là một bài học về những thứ chúng ta có thể kiểm soát và những thứ chúng ta không thể.”
Theo CNBC