Bác tài công nghệ: Thêm trân quý những cuốc xe trong những ngày “bình thường mới”

ĐS | 14-01-2022 - 19:18 PM

(Tổ Quốc) - Một năm mới lại tới, các chuyến xe công nghệ tấp nập khắp phố phường, cửa hàng quán xá lại đông đúc trở lại, hàng hoá lại được đều đặn giao đi.

Nhưng mấy ai biết được rằng vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp tại TP.HCM, những chuyến xe công nghệ đó đã phải tạm dừng và những bác tài xế đã gặp nhiều khó khăn như thế nào.

Nhìn lại những ngày cao điểm dịch bệnh tại TP.HCM

Thu nhập của các tài xế công nghệ mỗi ngày đều đến từ những cuốc xe. Chính vì thế, dịch bệnh COVID-19 ập đến đã để lại những ảnh hưởng nặng nề về mọi mặt, đặc biệt là tài chính của của các bác tài.

Anh Phan Văn Tuấn (sinh năm 1984) sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh. Không chỉ là hộ nghèo, gia đình anh Tuấn còn có mẹ già khuyết tật hai chân và chị gái khiếm thị, bởi vậy kinh tế gia đình gần như trông chờ vào những cuốc xe công nghệ của anh. Trong những ngày giãn cách xã hội vào tháng 7, anh Tuấn bị mắc kẹt ở quê, gia đình ba người chỉ biết cầm cự qua ngày. "Trồng được cái gì thì ăn cái nấy", anh Tuấn nhớ lại.

Cũng là đối tác tài xế Grab và gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, anh Nguyễn Văn Biết (sinh năm 1986, quê ở Bến Tre) sống cùng vợ và năm đứa con trong một căn phòng thuê 10m2 ở TP.HCM. Những ngày trước dịch, anh Biết và vợ đã phải chật vật lắm mới đủ sống qua ngày, nên khi dịch bệnh ập đến thì hoàn cảnh hai vợ chồng còn khó khăn hơn.

Dịch diễn biến phức tạp tại TP.HCM khiến công việc của anh Tuấn, anh Biết, cùng nhiều tài xế công nghệ khác chịu nhiều ảnh hưởng. "Những ngày vừa rồi vất vả quá! Lúc chưa dịch, tôi toàn chạy vào buổi tối đến sáng rồi tranh thủ về nhà chăm con, thay ca cho vợ đi làm. Đến đợt khu tôi sống bị phong toả 14 ngày, cả gia đình chen chúc trong căn phòng chật chội. Vợ không đi làm phụ hồ được, tôi cũng không ra ngoài chạy xe được, phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền trọ," anh Biết ngậm ngùi. "Được cái chị chủ tốt bụng cũng cho khất nợ mấy bữa, các đơn vị thiện nguyện và phường giúp đỡ bó rau, cân gạo, nên gia đình vẫn ổn."

Vượt qua khó khăn nhờ sự đồng hành của Grab

Khi các dịch vụ của Grab được phép hoạt động trở lại ở TP.HCM vào tháng 10/2021, các bác tài cũng nhanh chóng khởi động lại những chuyến xe, mong mỏi được "tiếp sức" để thành phố trở lại cuộc sống "bình thường mới".

Anh Biết tâm sự: "Từ ngày biết tin dịch vụ GrabBike được hoạt động trở lại, tôi vui lắm. Trong khi nhiều người lao động bị giảm lương, mất việc, mình vẫn còn được chạy Grab đã là một may mắn rồi. Trước đó, tôi cũng chủ động chia sẻ hoàn cảnh với Grab nên nhận được hỗ trợ từ chương trình ‘Chia sẻ yêu thương’. Giữa lúc khó khăn, có thêm đồng nào đáng quý đồng ấy".

Bác tài công nghệ: Thêm trân quý những cuốc xe trong những ngày “bình thường mới” - Ảnh 1.

Anh Biết vui mừng khi được quay trở lại với công việc.

TP.HCM chuyển sang những ngày "bình thường mới", thói quen của anh Biết khi chạy xe cũng có nhiều cái mới. Lúc nào anh cũng sẵn sàng bình xịt khử khuẩn, đeo khẩu trang và găng tay, khai báo đầy đủ. Trong quá trình chạy xe, anh Biết cũng nhận được đầy đủ hướng dẫn, cập nhật quy định từ Grab để đảm bảo an toàn cho bản thân, hành khách và cho cộng đồng.

Bác tài công nghệ: Thêm trân quý những cuốc xe trong những ngày “bình thường mới” - Ảnh 2.

Sát khuẩn là bước không thể thiếu của anh Biết để đảm bảo sức khoẻ cho hành khách và chính mình.

Với anh Tuấn, dù đang ở Hà Tĩnh nhưng anh đã dự định sẽ sớm quay lại TP.HCM để tiếp tục chạy xe Grab. Trong thời gian khó khăn, anh Tuấn cũng nhận được sự hỗ trợ của Grab: "Mình thấy có chương trình "Chia sẻ Yêu thương" nên cũng đăng ký vì đợt dịch này ở nhà không đi làm được. Bất ngờ là hồ sơ mình được duyệt và nhận được hỗ trợ vào tháng 8 vừa rồi. Lúc ấy cả nhà đang ăn cơm, có chị nhân viên Grab gọi đến mình mới biết. Cả nhà mừng lắm".

Từ tháng 8/2021, Grab đã mở rộng chương trình "Chia sẻ yêu thương" nhằm hỗ trợ và san sẻ cùng các đối tác tài xế và đối tác nhà hàng gặp khó khăn. Một trong số đó, anh Tuấn và anh Biết là đối tác được Grab vinh danh trong chương trình này. Sự hỗ trợ của Grab cũng là minh chứng cho tinh thần "không một ai bị bỏ lại phía sau" trong thời gian diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vừa qua.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM