Bác sĩ Yến Phi: “Ăn không cân đối có thể làm cơ thể phải làm việc nặng nhọc hơn để chuyển hóa thức ăn”

| 20-08-2022 - 07:52 AM

(Tổ Quốc) - Gần đây, có nhiều người chuyển chế độ ăn giàu đạm thực vật thay cho đạm động vật với mục tiêu là giữ gìn sức khỏe. Hãy cùng trao đổi với TS.BS Đào Thị Yến Phi – Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM để làm sáng tỏ hơn về vấn đề này.

Bác sĩ Yến Phi: “Ăn không cân đối có thể làm cơ thể phải làm việc nặng nhọc hơn để chuyển hóa thức ăn” - Ảnh 1.

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi: "Một chế độ ăn tốt phải cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể". Ảnh: NVCC

Thưa bác sĩ, người tiêu dùng gần đây đã cập nhật rất nhiều xu hướng ăn uống trên thế giới, bao gồm cả dinh dưỡng thực vật, giảm thịt, tăng rau củ quả… Dưới góc độ khoa học, bác sĩ có lời khuyên nào về chế độ ăn uống để có được sức khỏe tốt?

Nguyên tắc quan trọng nhất khi áp dụng một chế độ ăn có lợi cho sức khỏe là cách ăn uống đó phải hoàn toàn phù hợp với sinh lý tự nhiên của con người và phải phù hợp với từng cá nhân. Một chế độ ăn tốt là bắt buộc phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để xây dựng từng tế bào của cơ thể, cung cấp nguyên liệu cho cơ thể hoạt động hàng ngày, nhưng không bắt các cơ quan trong cơ thể như gan, thận, tim… làm việc nặng nhọc hơn, không tăng tạo các chất chuyển hóa có hại cho cơ thể, không gây ứ đọng các chất độc trong máu hay trong tế bào.

Mỗi người khác nhau sẽ có cấu trúc cơ thể khác nhau, hoạt động khác nhau, nên mỗi người phải tìm hiểu khẩu phần ăn tốt nhất cho chính mình là thế nào. Ví dụ một thanh niên trẻ lao động ngoài trời có tập thể lực tốt thì phải ăn tỉ lệ đạm cao và tỉ lệ béo thấp, nhưng một người trưởng thành có bệnh lý ảnh hưởng trên thận như cao huyết áp thì lại phải giảm tổng lượng chất đạm hàng ngày chẳng hạn.

Xin bác sĩ cho biết tầm quan trọng của đạm thực vật và đạm động vật ra sao?

Con người với mức độ tiến hóa tự nhiên được coi là động vật ăn tạp, tức là có thể tiêu hóa và sử dụng cả thức ăn động vật lẫn thức ăn thực vật để cung cấp chất dinh dưỡng cho mình. Riêng với chất đạm, thì dù ăn thức ăn động vật hay thực vật, chất đạm phải được tiêu hóa thành các axit amin rồi mới được hấp thu vào máu và sử dụng trong cơ thể được. Trong tự nhiên có 20 loại axit amin, đạm động vật có đủ 20 loại axit amin này, trong khi đạm thực vật thiếu 4-8 loại axit amin thiết yếu (tùy theo thực phẩm thực vật là gì).

Do vậy khi đeo đuổi bất cứ chế độ dinh dưỡng nào, người dùng cần lưu ý cân bằng giữa đạm thực vật và đạm động vật.

Vì sao người lớn tuổi cần bổ sung đạm thực vật? 

Người lớn tuổi cần giảm chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, trong khi các thức ăn động vật thì có nhiều chất béo bão hòa, nên chế độ ăn của người cao tuổi thường được thiết kế giảm thức ăn động vật và tăng bù bằng thức ăn thực vật, chứ không phải ăn giống như giai đoạn trẻ hơn và bổ sung thêm đạm thực vật.

Cần lưu ý là ở người cao tuổi, do chức năng của hệ tiêu hóa giảm đi, nên hấp thu các chất dinh dưỡng giảm, trong khi các tế bào lại cần thêm axit amin thiết yếu để sửa chữa các tổn thương, nên cần chú ý đến chất lượng của chất đạm nữa.

photo-1

Thực phẩm từ thực vật giúp dễ tiêu hóa, phù hợp cho mọi người, nhất là những người lớn tuổi. Ảnh: ST

Gần đây nhiều người bị tim mạch, huyết áp... được khuyên nên hạn chế ăn đạm động vật. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng ăn đạm thực vật thiếu chất, liệu có đúng không?

Trong 20 loại axit amin trong tự nhiên, thì có đến 8 loại là axit amin thiết yếu mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, mà phải được cung cấp từ thức ăn.

Với những người ăn thuần thực vật vì lý do tôn giáo, hoặc hạn chế ăn đạm động vật vì bệnh lý, thì nên bổ sung thêm các nguồn đạm có giá trị sinh học cao như trứng, sữa… trong khẩu phần, nhất là ở một số tình trạng đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ em trong độ tuổi trưởng thành, đặc biệt là dưới 2 tuổi và giai đoạn dậy thì.

Bác sĩ Yến Phi: “Ăn không cân đối có thể làm cơ thể phải làm việc nặng nhọc hơn để chuyển hóa thức ăn” - Ảnh 3.

Sữa đậu nành nên được thêm vào khẩu phần ăn mỗi ngày cho mọi người đa dạng dinh dưỡng. Ảnh: TL

Nam giới và nữ giới dùng sữa đậu nành như thế nào có lợi cho sức khỏe? Phải chăng nữ giới mới cần uống sữa đậu nành nhiều hơn?

Trong đậu nành có một flavonoid gọi là phytoestrogen, có tác dụng tương tự như nội tiết tố nữ, nên sữa đậu nành thường được khuyến nghị sử dụng lượng cao hơn ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, với lượng sử dụng thông thường 200-400ml mỗi ngày, các nghiên cứu khoa học cho đến nay đều không ghi nhận được tác dụng "nữ hóa" của đậu nành trên nam giới, hoặc trên thai phụ mang thai trẻ trai.

Nhìn chung, sữa đậu nành có thể được thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày của tất cả mọi người như là một loại thực phẩm bổ sung tốt để cung cấp thêm các chất đạm đa dạng. Cần lưu ý lựa chọn các loại sữa có nguồn gốc nguyên liệu tốt, quá trình chế biến và bảo quản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, không nhiều đường và các phụ gia bảo quản.

Xin cảm ơn bác sĩ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM