Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ bài viết của “nguyên trung tướng” chống dịch về 6 KHÔNG ĐÚNG khi điều trị Covid-19: Sửa sớm trước khi bệnh nặng thêm

Tú Khê | 26-02-2022 - 21:34 PM

(Tổ Quốc) - Hiện tại, nhiều người vẫn còn giữ những quan niệm sai lầm về việc điều trị bệnh.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số lượng F0 đang điều trị tại nhà ngày càng nhiều. Bên cạnh sự trợ giúp của nhân viên y tế, người dân cũng chia sẻ cho nhau những lời khuyên, phương thức điều trị tại nhà. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số quan niệm sai lầm, có thể khiến bệnh tình của người dân nghiêm trọng hơn và để lại hậu quả sau này.

Mới đây, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội - đã chia sẻ trên trang cá nhân bài viết của bác sĩ Nguyễn Phương Mai về những lầm tưởng trong quá trình điều trị Covid-19. Bác sĩ Mai hiện đang sống tại Anh, từng tốt nghiệp ngành Khoa học Tự nhiên tại ĐH Cambridge và ngành Y tại ĐH Nottingham.

"Quá nhiều câu hỏi gửi đến nhân viên y tế mà câu trả lời là KHÔNG ĐÚNG. Tôi xin chia sẻ phần giải đáp của bạn Mai Nguyen, bác sĩ đang làm việc tại UK và ‘nguyên trung tướng’ chống dịch của chúng tôi", PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu viết.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ bài viết của “nguyên trung tướng” chống dịch về 6 KHÔNG ĐÚNG khi điều trị Covid-19: Sửa sớm trước khi bệnh nặng thêm - Ảnh 1.

Dưới đây là 6 quan niệm sai lầm mà mọi người thường mắc phải được bác sĩ Nguyễn Phương Mai tổng hợp lại và đăng tải trên trang cá nhân của mình.

1. Nhiễm SARS-CoV-2 đồng nghĩa bị bệnh Covid-19: KHÔNG ĐÚNG

Nhiễm SARS-CoV-2 đơn giản là virus vào cơ thể. Bệnh Covid-19 là khi miễn dịch của cơ thể gây phản ứng quá mẫn dẫn đến tổn thương phổi và nặng hơn là các cơ quan khác. Để nhận định dấu hiệu tổn thương phổi cần theo dõi nồng độ oxy (SpO2).

Miễn dịch quá mẫn nếu có thường xảy ra ngày 5-10 từ khi có triệu chứng. Vì vậy, thời gian theo dõi sức khỏe là 10 ngày từ khởi phát triệu chứng.

2. Nhiễm SARS-CoV-2 phải vào viện điều trị: KHÔNG ĐÚNG

Nếu đã tiêm vaccine thì 99% triệu chứng nhẹ và ko chuyển thành bệnh Covid-19 theo định nghĩa ở điều (1). Không có bệnh thì không cần điều trị/chữa cũng không cần vào viện, miễn là ở nhà kiên trì theo dõi SpO2. Người bị bệnh tiểu đường thì cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn bình thường.

3. Bệnh Covid-19 có thể điều trị tại nhà: KHÔNG ĐÚNG

Bệnh Covid-19 có nghĩa là đã có tổn thương phổi (biểu hiện ra là khó thở, tụt oxy) hoặc biến chứng khác. Một khi đã có bệnh thì phải vào viện, vì còn cần nhiều biện pháp theo dõi/thuốc khác chỉ dùng được ở viện, hoặc có các biến chứng chỉ chẩn đoán/điều trị được ở viện.

4. Test nhanh âm tính là khỏi bệnh: KHÔNG ĐÚNG

Test nhanh âm tính là nguy cơ lây thấp vì còn ít/ ko còn virus ở đường hô hấp trên. Cái này không liên quan đến bệnh Covid-19 (ở phổi). Chính khi lượng virus xuống là khi miễn dịch lên và có thể thành quá mẫn và chuyển thành bệnh Covid-19.

Ví dụ: ngày thứ 5 test nhanh âm tính thì không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi SpO2 đủ 10 ngày.

5. Test PCR dương tính tức là vẫn còn bệnh: KHÔNG ĐÚNG

Thứ nhất, như điều (1), không phải ai nhiễm SARS-CoV-2 cũng có bệnh Covid-19.

Thứ hai, xét nghiệm PCR nhận định đoạn gien của virus, không phân biệt được virus đó sống hay chết.

Nếu một người có miễn dịch bình thường (ví dụ: không uống thuốc ức chế miễn dịch hay bị ung thư máu...), qua 10 ngày theo dõi và khỏe nhưng PCR vẫn dương tính, thì đó là xác virus - không có khả năng lây bệnh hay gây bệnh.

Nhìn chung, test lại PCR ở đa số F0 không có nghĩa lý gì cả, chỉ tốn tiền. Test lại PCR âm hay dương cũng không liên quan gì đến nguy cơ hậu covid cả…

6. Cứ có thuốc uống là tốt: KHÔNG ĐÚNG

Cần đính chính lại: Có thuốc ĐÚNG và uống ĐÚNG thời điểm là tốt. Các thuốc ĐÚNG có thể dùng ở cộng đồng, theo độ quan trọng:

- Vaccine

Thời điểm đúng: Sớm nhất có thể ở người lớn và trẻ trên 12 tuổi. Loại vaccine thì khó bàn vì là chính sách.

- Corticoid

Thời điểm đúng: Khi bắt đầu có dấu hiệu tụt SpO2.

Lý do cần đúng thời điểm: Dùng sớm quá lúc virus đang nhân chia nguy cơ gây bùng phát nặng hơn. Dùng muộn quá (ví dụ: do chủ quan ko theo dõi SpO2) thì lỡ thời cơ ngăn chặn tổn thương phổi tiến triển. Dùng 1 liều sau đó xin mời vào viện theo dõi và điều trị tiếp.

- Molnupiravir có nguồn gốc tin cậy

Thời điểm đúng: Trước ngày thứ 5 của triệu chứng. Thuốc này dân bảo "như thần", uống vào test âm rất nhanh, nhưng đọc lại điều (4) thì thấy là test âm rồi vẫn phải theo dõi đủ 10 ngày. Không dùng được cho phụ nữ có thai. Và mình thì khuyên là nam nữ trẻ tuổi cũng không dùng.

Phân loại các thuốc và "thuốc" còn lại như sau:

- Thuốc chữa triệu chứng dù không thay đổi lộ trình bệnh (paracetamol để hạ sốt, oresol bù điện giải)

- Thuốc đã chứng minh không có tác dụng với Covid-19 và thậm chí có hại: aspirin, hydroxychloroquine, ivermectin, azithromycin, thuốc xanh đỏ,...

- "Thuốc" bổ không thay đổi lộ trình bệnh (vitamin C, thymomodulin, các thể loại thực phẩm chức năng). Hơi oái oăm là như giải thích ở điều (1), bệnh Covid-19 là bệnh do miễn dịch quá mẫn, thuốc điều trị hiệu quả đều là thuốc ức chế miễn dịch. Vậy mà người ta cứ hô hào nhau uống vitamin C để "tăng sức đề kháng". Nói nhỏ là: vitamin C ko tăng sức đề kháng đâu, nên thôi thích thì uống cũng được.

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Mai, bác sĩ chữa Covid-19 có tâm không phải bác sĩ viết đơn thuốc dài, mà là người biết cách theo dõi và chọn thời điểm để dùng thuốc hay vào viện.

"Bác sĩ có tâm suốt ngày chỉ hỏi đi hỏi lại SpO2 bao nhiêu như cái đài bị hỏng, nhưng đã tính trước mấy bước nếu SpO2 tụt thì làm gì rồi, nên xin hãy chịu khó nghe đài hỏng 10 ngày. Hãy bình tĩnh, không nghe các anh hùng bàn phím và anh hùng kê đơn, không uống đủ các thể loại 'thuốc' vào rồi mang vạ vào thân", chị viết.

Bác sĩ Nguyễn Phương Mai cũng lạc quan chia sẻ thêm, cuộc sống ở Anh đã trở về hoàn toàn bình thường sau 2-3 tuần khó khăn do dịch Omicron đạt đỉnh. Chị cũng tin rằng với tỷ lệ tiêm mũi 3 như ở Việt Nam, người dân chỉ cần cố gắng thêm một thời gian nữa thì dịch bệnh sẽ sớm qua mau.

(Nguồn: FB Mai Nguyen, FB Nguyen Lan Hieu)

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ bài viết của “nguyên trung tướng” chống dịch về 6 KHÔNG ĐÚNG khi điều trị Covid-19: Sửa sớm trước khi bệnh nặng thêm - Ảnh 3.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Có một nơi chốn lưu giữ hàng triệu nụ cười Việt Nam!

Nụ cười giòn tan bên bạn bè, nụ cười e ấp của buổi hẹn hò đầu tiên, ánh mắt lấp lánh của đứa trẻ được mẹ đưa đi khu vui chơi hay nụ cười đoàn viên của các gia đình bên nhau - Bao nhiêu ký ức rực rỡ của chúng ta đã được lưu giữ trọn vẹn ở Vincom suốt 20 năm qua...