Màu nước tiểu phản ánh chức năng thận
Do thận là nơi bài tiết nước tiểu, tất cả bất thường về màu sắc nước tiểu có thể phản ánh chức năng và tổn thương của cơ thể. Ví dụ, nước tiểu có màu đỏ có thể là do người bệnh tiểu ra máu. Nước tiểu quá đục kèm mùi hôi, tanh có thể là do bệnh nhân bị nhiễm trùng được tiết niệu. Hoặc nước tiểu đục, lắng cặn có thể người bệnh tiểu ra phốt phát (phosphate), đái ra dưỡng chấp. Nước tiểu vàng sậm có thể gợi ý mắc bệnh lý về gan.
Bác sĩ Liên cho biết để nhận biết một quả thận hoạt động tốt cần phải dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có khám lâm sàng, kết quả cận lâm sàng. Tuy nhiên, đối với người có chức năng thận tốt, màu sắc nước tiểu thường có màu vàng nhạt.
Ngoài màu sắc, lượng nước tiểu đi trong ngày cũng có thể phản ánh thận đang có tổn thương hay không. Theo đó, một người bình thường khỏe mạnh một ngày sẽ đi tiểu khoảng 1,5 lít/ngày. Nếu đi tiểu quá ít, dưới 100ml/ngày có thể là vô niệu, từ 100-400ml là thiểu niệu.
Đối với các trường hợp đi tiểu quá nhiều, trên 2 lít một ngày, cũng cần phải "dè chừng" bệnh đa niệu, cần phải đi khám.
Uống đủ nước để bảo vệ thận
Bác sĩ Liên phân tích: "Để bảo vệ cho 2 quả thận, việc đơn giản ai cũng làm được chính là uống đủ nước. Vì nước là thành phần chất dung môi giúp cho tất cả các tế bào trong cơ thể hoạt động. Mỗi một tế bào, cơ quan lại cần lượng nước khác nhau.
Thận có vai trò điều hòa điện giải và lượng nước trong cơ thể. Do vậy, uống nước đúng và đủ là rất tốt giúp cho chức năng thận hoạt động tốt".
Tuy nhiên, theo chuyên gia, uống quá nhiều hay quá ít nước đều ảnh hưởng tới chức năng trong cơ thể, trong đó có thận. Do vậy, việc uống nước sẽ phải phù hợp với mức độ hoạt động của cơ thể, chế độ ăn, thể trạng cơ thể, tuổi tác, công việc… Thông thường, một người cần uống từ 1,5l – 2 lít nước/ngày và căn cứ vào nhu cầu của cơ thể.
Bác sĩ Liên đưa ra ví dụ, với người lao động nặng ra nhiều mồ hôi mất điện giải sẽ phải uống nước nhiều hơn. Đối với người làm trong văn phòng ít ra mồ hôi thì lượng nước theo nhu cầu cơ thể sẽ ít hơn so với người lao động thể lực.
Ngoài ra, nhu cầu uống nước còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Một số bệnh lý khiến cho bệnh nhân uống ít nước như bàng quang tăng hoạt, tắc nghẽn đường tiểu dưới, viêm hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt gây tiểu đêm, tiểu nhiều lần khiến bệnh nhân ngại uống nước.
Ăn uống không giữ gìn khiến chức năng thận suy teo
Ngoài uống đủ nước thì việc bảo về chức năng thận có liên quan tới nhiều yếu tố khác.
Do thận là cơ quan đào thải chất độc hại cho cơ thể nên ăn uống cũng góp phần bảo vệ thận. Ăn quá mặn ảnh hưởng tới chức năng thận và cả huyết áp. Ăn quá nhiều thức ăn độc hại, chứa chất bảo quản không được phép, sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ định... đều ảnh hưởng tới chức năng của thận.
Một số bệnh lý ảnh hưởng tới chức năng thận như đái tháo đường ảnh hưởng tới mạch máu nuôi thận, tế bào thận làm suy giảm chức năng thận.
Thận, niệu quản hoặc bàng quang có sỏi cũng có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu, ứ nước thận và gây suy giảm chức năng thận nhanh chóng hơn.
"Cái gì bổ đến mấy, tốt như thế nào cũng chỉ nên dùng đủ. Vì ăn uống thiếu tiết chế không chỉ ảnh hưởng tới thận mà còn các cơ quan khác như gan, tim mạch", bác sĩ Liên khuyến cáo.
Cũng theo chuyên gia, để bảo vệ tốt cho chức năng thận, chúng ta cần ăn lành mạnh đủ lượng, cân bằng dưỡng chất, tránh xa các thực phẩm không tốt cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, người dân khi thấy có bất cứ bất thường về màu sắc nước tiểu, đau vùng thắt lưng nên đi khám chuyên khoa sớm.