Bác sĩ khoa Thận nhắc bạn 6 điều quan trọng giúp thận khoẻ, tránh được các bệnh về thận

Ngọc Anh | 09-06-2020 - 20:07 PM

(Tổ Quốc) - Bệnh thận mãn tính là một mối quan tâm lớn về sức khỏe của cộng đồng. Bệnh thường không được phát hiện cho đến khi nó tiến triển phức tạp có thể phải ghép thận hoặc lọc máu chu kỳ.

Theo bác sĩ Trần Đình Nghĩa – Khoa Nội thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM, bệnh thận nếu được chẩn đoán sớm chỉ bằng một số xét nghiệm đơn giản, tiến triển của bệnh thận mạn sẽ được làm chậm lại hoặc thậm chí dừng lại. Xét nghiệm định kỳ cho mọi người là rất quan trọng, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ.

Bác sĩ Nghĩa cho biết mọi người nếu làm theo 6 bước sau giúp bạn hiểu biết thêm về bệnh thận, yếu tố nguy cơ của chính mình và cách để phòng tránh bệnh thận:

Bước 1. Phải hiểu vai trò của thận

Thận có chức năng trong cơ thể đó là điều hòa lượng dịch của cơ thể, lọc bỏ những chất thải và độc chất ra khỏi máu, giải phóng hóc-môn để điều hòa huyết áp, hoạt hóa Vitamin D để giúp duy trì xương chắc khỏe, giải phóng hóc-môn để giúp tạo máu (hồng cầu).

Bác sĩ khoa Thận nhắc bạn 6 điều quan trọng giúp thận khoẻ, tránh được các bệnh về thận - Ảnh 1.

Thận có vai trò loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thế

Thận giúp các khoáng chất trong máu ổn định, cân bằng (natri, kali, phốt pho).

Nếu thận mắc bệnh thì sẽ gây ra các bệnh lý tim mạch, đau tim và đột quỵ, tăng huyết áp, yếu xương, tổn thương não bộ, suy chức năng thận dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối, thiếu máu và tử vong.

Bước 2: Có nằm trong nhóm nguy cơ không?

Những người có các yếu tố nguy cơ như người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận hoặc tiểu đường hoặc tăng huyết áp.

Ngoài ra, những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận cao như người lớn hơn 60 tuổi, béo phì, cân nặng lúc sinh thấp, sử dụng kéo dài các loại thuốc chống viêm, giảm đau. Người mắc Lupus và các bệnh tự miễn khác. nhiễm trùng đường tiểu mạn tính, sỏi thận… có nguy cơ mắc các bệnh thận mãn tính nhiều hơn.

Bước 3. Nhận biết các triệu chứng

Những người có bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, đó là lý do tại sao xét nghiệm từ sớm rất quan trọng. Khi các triệu chứng xuất hiện, bệnh thận mạn có lẽ đã tiến triển phức tạp và có một số triệu chứng không được nhận biết.

Bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh mọi người hãy chú ý những triệu chứng mệt mỏi, tiểu khó, gắt buốt, tiểu có bọt, nước tiểu có màu hồng hoặc sậm màu (tiểu máu), tăng khát nước, tiểu nhiều lần (đặc biệt vào ban đêm), sưng mắt, phù mặt, tay, bụng, mắt cá chân, bàn chân.

Bước 4. Xét nghiệm

Nếu bạn hoặc người thân nằm trong nhóm nguy cơ cao, hãy hỏi bác sĩ của bạn về những xét nghiệm nên làm, tiếp theo bác sĩ có thể sẽ cho bạn làm thêm các xét nghiệm khác nếu cần thiết.

Huyết áp: Tăng huyết áp có thể gây hại cho các mạch máu nhỏ (cầu thận) trong quả thận. Đây là nguyên nhân thứ 2 gây suy thận sau đái tháo đường. Huyết áp dưới 140/90 (mmHg) tốt cho hầu hết mọi người, dưới 130/80 mmHg sẽ tốt hơn cho bệnh nhân bệnh thận mạn và tốt nhất là dưới 120/80 mmHg.

Bác sĩ khoa Thận nhắc bạn 6 điều quan trọng giúp thận khoẻ, tránh được các bệnh về thận - Ảnh 2.

Những thực phẩm hại thận

Đạm trong nước tiểu: tiểu đạm hay tiểu albumin là những dấu hiệu sớm của bệnh thận mạn. Tiểu đạm hoặc tiểu albumin dai dẳng chỉ ra rằng thận đang bị tổn thương. Xét nghiệm bình thường là khi trong nước tiểu có ít hơn 30mg albumin tương ứng với mỗi gam creatinin (<30mg/g).

Creatinin trong máu: bình thường thận thải được creatinine (một sản phẩm của việc vận động cơ) có trong máu. Khi chức năng thận suy giảm, mức creatinine sẽ tăng cao trong máu. Xét nghiệm bình thường khi creatinine máu ở mức 0.6 đến 1.2 mg/dl và còn phụ thuộc vào vài yếu tố khác.

Độ lọc cầu thận (GFR): đây là thông số nhạy và chính xác nhất của chức năng thận. Bác sĩ cho đo mức creatinine máu sau đó thực hiện phép tính dựa trên tuổi, chủng tộc, giới tính. Mức GFR trên 90 là tốt, 60-89 nên được theo dõi, nhỏ hơn 60 trong kéo dài trên 3 tháng chỉ ra rằng có bệnh thận mạn.

Bước 5. Giữ gìn bảo vệ thận

Đây là một bước cực kỳ quan trọng. Nếu bạn bị tăng huyết áp cần kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết.

Trong việc ăn uống cần hạn chế ăn muối, ăn đạm vừa phải, tránh dùng các thuốc chống viêm, giảm đau.

Ngoài ra, mọi người cũng nên tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng.

Có chế độ ăn cân đối, bỏ hút thuốc lá, uống rượu có chừng mực, uống đủ nước, theo dõi mỡ máu, khám sức khỏe hàng năm.

Bước 6. Bạn cần kiểm tra chức năng thận thường xuyên 

Bác sĩ Nghĩa cho rằng bất cứ ai cũng nên kiểm tra thường xuyên chức năng của thận. Nếu bạn là một trong những người có yếu tố nguy cơ như trên thì nên chủ động kiểm tra thận hàng năm để phát hiện sớm "sức khoẻ" của thận, tránh các bệnh thận nặng, mãn tính.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM