Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng chỉ cách cải thiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ, bố mẹ chớ chủ quan

Lam Anh | 11-06-2021 - 11:21 AM

(Tổ Quốc) - Trong bài viết này, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng sẽ giải đáp cho các bố mẹ về các vấn đề liên quan tới tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ.

Thiếu máu thiếu sắt là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ, song tình trạng này lại có thể làm cho các bé xuất hiện một số triệu chứng như: quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu khiến các bố mẹ hết sức lo lắng. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp thiếu máu đều có thể điều trị dễ dàng nếu biết cách.

Để giải quyết tình trạng này ở trẻ, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2 đã nêu rõ tất cả những vấn đề mà bố mẹ cần biết về thiếu máu thiếu sắt ở trẻ.

BS. Hoàng Quốc Tưởng - Ảnh 1.

Bố mẹ có biết cơ thể của con có thể hấp thu sắt từ những nguồn nào?

Theo bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng, có hai nguồn giúp cơ thể con hấp thu sắt chính là: 

- Nguồn thứ nhất, từ những hồng cầu già vỡ đi.

- Nguồn thứ hai, từ thức ăn.

Nhu cầu của trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi thì cần từ 5-7mg sắt từ thức ăn.

Cũng theo bác sĩ, nếu trẻ được ăn 3 cữ chính mà trong đó ăn những thức ăn có chứa nhiều chất sắt thì nguy cơ bị thiếu sắt sẽ giảm đi.

Vậy, những loại thực phẩm nào có chứa sắt mà bố mẹ có thể cho ăn con? - "Gan bò, gan heo, thịt bò, trứng,… Đó là những loại thức ăn có nhiều chất sắt. Trong một số loại thực phẩm như nấm, rau, củ cũng có chất sắt" - BS. Hoàng Quốc Tưởng cho biết.

Vậy những đối tượng nào dễ bị thiếu máu thiếu sắt?

Tình trạng thiếu máu có thể xảy ra ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, BS. Hoàng Quốc Tưởng cho biết, các đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ em còn lại bao gồm:

- Những em bé bị suy dinh dưỡng, béo phì.

- Những em bé bú sữa quá nhiều, bởi vì trong sữa có những chất sẽ cản trở sự hấp thu sắt. Do đó nếu uống trên 600ml/ngày và ăn dặm ít hơn 3 cữ 1 ngày thì chắc chắn là sẽ tăng nguy cơ bị thiếu sắt.

- Những em bé không được xổ giun định kỳ, bởi vì nếu bị nhiễm giun móc thì nguy cơ bị tình trạng thiếu máu thiếu sắt rất cao.

- Những em bé có bệnh lý nhiễm trùng, ví dụ như nhiễm trùng mãn tính, hoặc helicobacter pylori hoặc bị hội chứng ruột ngắn hoặc bị hội chứng viêm ruột kéo dài mãn tính, gây ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt.

Đồng thời, cũng theo BS. Hoàng Quốc Tưởng, nếu hai chỉ số Hb và Ferritine đều giảm có nghĩa là trẻ bị thiếu máu thiếu sắt.

Ví dụ, đối với trẻ dưới 5 tuổi thì Ferritine phải giảm dưới 12ng/ml.

Trong trường hợp này, các bố mẹ cần phải bổ sung bằng thuốc để điều trị cải thiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ, với liều lượng là 4 - 6mg/kg/ngày.

Ví dụ: em bé 10kg thì sẽ dùng khoảng 50mg/ngày và sẽ dùng kéo dài.

BS. Hoàng Quốc Tưởng - Ảnh 2.

Thiếu máu thiếu sắt là một tình trạng dễ xảy ra ở trẻ nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, có rất nhiều bố mẹ lo lắng về việc dùng thuốc để bổ sung có thể gây rối loạn đường tiêu hóa của trẻ.

Để giải đáp vấn đề này, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng nói: "Đáng lẽ ra phải dùng cách xa bữa ăn, nhưng nếu như bị tình trạng rối loạn tiêu hóa thì bố mẹ có thể cho trẻ dùng trong bữa ăn nhưng tăng liều lên một chút, có nghĩa là tăng lên khoảng 30%".

Có thể thấy, thiếu máu thiếu sắt là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Thiếu sắt trong máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng, chẳng hạn như thiếu máu không đảm bảo cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào của cơ thể hoạt động bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến suy giảm thể chất hoặc suy giảm nhận thức của trẻ. Vì vậy bố mẹ chớ nên chủ quan mà hãy nhớ cải thiện ngay lập tức để tránh những tác hại không đáng có có thể ảnh hưởng đến trẻ.

Theo báo cáo được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 ngày 15/4/2021 vừa qua, trong 25 năm (1995 – 2020), tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt đã giảm đáng kể, ở cả 3 nhóm đối tượng có nguy cơ cao là phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Trong đó, tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi trên cả nước là 19,6%, tỷ lệ này vẫn cao nhất ở miền núi phía Bắc (23,4%) và Tây Nguyên (26,3%). Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em trong độ tuổi 5-9 tuổi là 9,2%; ở trẻ em trong độ tuổi 10-14 tuổi là 8,4%.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM