Lo sợ ung thư không được tiêm vaccine Covid-19?
Giải đáp về những thắc mắc này, PGS. Tiến sĩ Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Bệnh Viện Đại Học Y đã đưa ra lời khuyên hữu ích.
Theo bà, trong trường hợp của những người cao tuổi đang điều trị ung thư, đặc biệt là với người sử dụng phương pháp xạ trị, cơ thể còn đang rất yếu và không sinh ra được kháng thể dự phòng.
Do đó, có thể tạm hoãn việc tiêm vaccine Covid-19. Tốt nhất, những người thuộc nhóm này nên đợi đến hết liệu trình, ít nhất là vài tháng. Sau đó, họ vẫn nên đến gặp trực tiếp bác sĩ điều trị để kiểm tra xem bản thân đã đủ điều kiện tiêm chưa.
PGS. Tiến sĩ Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Bệnh Viện Đại Học Y.
Ngoài ra, cần lưu ý hạn chế tiếp xúc với người ngoài và bổ sung thêm chất dinh dưỡng để sớm ngày cải thiện sức khỏe.
PGS. Tiến sĩ Hồ Thị Kim Thanh chia sẻ: "Trong trường hợp đã điều trị ung thư xong, bệnh nền đã ổn định thì việc tiêm chủng vaccine Covid-19 là rất cần thiết. Vì cơ thể còn yếu, mà thể trạng kém thì khả năng chống đỡ khi nhiễm bệnh cũng kém hơn. Những người trong nhóm này nên đi tiêm càng sớm càng tốt và tiêm loại vaccine nào cũng tốt như nhau."
Chuyên gia cũng cho biết, với những người có bệnh lý nền đang ở giai đoạn ổn định, khi đi tiêm, nên mang theo các giấy tờ theo dõi sức khỏe để chứng minh mình đủ điều kiện tiêm vaccine.
Đối với bệnh nhân có bệnh nền, cần tiêm ở các cơ sở y tế có trang thiết bị để hồi sức cấp cứu. Vì ở người cao tuổi, nguy cơ phản ứng thuốc sẽ xảy ra nhiều và nặng nề hơn người trẻ. Tiêm ở những nơi có phương tiện cấp cứu sẽ an toàn hơn.
Những lưu ý sau khi tiêm vaccine Covid-19 đối với người bị ung thư
Sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, các bác sĩ đều cảnh báo, tuyệt đối không nên chủ quan. Vaccine chỉ có thể giảm nhẹ các triệu chứng chứ không thể chống lại virus Covid hoàn toàn. Với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng kém, họ vẫn có thể mắc bệnh sau khi tiêm chủng.
Khi ra đường, ông bà và bố mẹ vẫn cần phải đảm bảo quy tắc phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khai báo y tế, không đưa tay lên mắt mũi miệng, giữ khoảng cách… Ngoài ra còn cần phun khử khuẩn, vệ sinh nơi ở để giảm khả năng bị nhiễm.
BS Phạm Văn Tú, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyến cáo gia đình cần theo dõi các phản ứng sau tiêm xem có sốt không.
"Nếu sốt trên 38 độ thì dùng thuốc hạ sốt vì sau khi tiêm xong, mình có thể dùng thuốc này bình thường. Gia đình theo dõi nếu có hiện tượng khó thở tăng lên thì đưa ông bà, cha mẹ đến các cơ sở ý tế gần nhất. Tại đây, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm thăm dò nhằm loại trừ các biến chứng nặng nề của tiêm vaccine Covid-19," bác sĩ Tú chia sẻ.
Sau khi tiêm, nên chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ, đặc biệt là nhóm các loại rau xanh và trái cây.
ThS. BSNT. Vũ Ngọc Hà cho biết: "Hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy sử dụng thực phẩm sau khi tiêm vaccine Covid cần kiêng khem".
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng, không nên uống rượu, bia sau tiêm vì chúng có thể làm ức chế hệ thống miễn dịch, suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng, khó khăn khi xác định phản ứng phụ của vaccine và phản ứng của rượu bia.
Chuyên gia cho biết, các loại thực phẩm có chất béo không bão hòa như thức ăn nhanh, chiên nướng xào dùng mỡ động vật cũng nên hạn chế vì chất béo không bão hòa sẽ làm tăng quá trình viêm của chúng ta lên.