Bác sĩ chỉ ra 7 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ trẻ tuổi

BS Phạm Thị Hằng | 12-11-2023 - 12:01 PM

(Tổ Quốc) - Bệnh tim mạch, bao gồm các bệnh của tim (suy tim, bệnh van tim…) và bệnh của mạch máu (xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim,…) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ.

Thống kê của Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cập nhật năm 2023 cho thấy, gần 45% phụ nữ từ 20 tuổi trở lên mắc một số loại bệnh tim mạch.

Các yếu tố nguy cơ đặc trưng thường gặp ở phụ nữ trẻ bao gồm:

Quá trình mang thai

Khi mang thai, lượng máu của người mẹ tăng từ 45%, thậm chí 50% - 60% vào 3 tháng cuối của thai kỳ, để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Điều đó, là tăng gánh nặng cho tim, khiến tim phải làm việc vất vả hơn để bơm một lượng máu lớn. Quá trình chuyển dạ và sinh nở cũng gây căng thẳng cho tim khi nó gây ra những thay đổi lớn về lưu lượng máu và áp lực. Từ đó, khiến cho các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn hoặc có sẵn của người mẹ tiến triển nặng nề hơn.

 Các bệnh lý liên quan đến thai kỳ như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp khi mang thai… có thể gây bệnh lý tim mạch về sau.

Bác sĩ chỉ ra 7 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ trẻ tuổi. - Ảnh 1.

Chu kỳ kinh nguyệt

Nghiên cứu cho thấy thời điểm kinh nguyệt đầu tiên ở bé gái có thể dự đoán phần nào nguy cơ mắc bệnh tim mạch. So với những phụ nữ có kinh nguyệt ở tuổi 13, thì những người có kinh nguyệt sớm trước 10 tuổi hoặc muộn sau 17 tuổi, có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn 27% và nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 16%.

Đau bụng kinh nguyệt cũng được chỉ ra là một yếu tố dự báo, khi kết quả 1 nghiên cứu ở 55.000 phụ nữ dưới 50 tuổi ở Mỹ cho thấy: những người bị đau bụng kinh nguyệt nghiêm trọng, có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim (bao gồm đau thắt ngực, đau tim,…) cao gấp đôi so với người không mắc. Cơn đau bụng kinh thông thường kéo dài 1-2 ngày, thường đau nhẹ. Tuy nhiên, một số người có cơn đau nghiêm trọng,  khiến họ không thể thực hiện các hoạt động thường ngày, trong vài ngày.

Tiến sĩ Alleva – tác giả nghiên cứu, cho biết đau bụng kinh liên quan đến tình trạng viêm và căng thẳng tăng cao, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.

Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết

Thuốc tránh thai có chứa hàm lượng Estrogen liều cao, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt ở nhòm nhụ nữ có nhiều yếu tố nguy cơ như béo phì, hút thuốc lá, đái tháo đường nhiều năm…. Cục máu động có thể dẫn tới tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim hoặc tắc động mạch chi, gây thiếu máu cấp tính hoặc  tắc động mạch não gây đột quỵ nhồi máu não... Estrogen có trong các sản phẩm như thuốc viên, miếng dán, cấy ghép, vòng âm đạo hoặc thuốc tiêm.

Bác sĩ chỉ ra 7 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ trẻ tuổi - Ảnh 2.


Hóa trị hoặc xạ trị trong ung thư vú 

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố khoa học đặc biệt về bệnh tim mạch và ung thư vú, trong đó nhấn mạnh những người sống sót sau ung thư vú, có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn nguy cơ tử vong vì ung thư vú. Nguyên nhân là do một số phương pháp điều trị ung thư vú gây tổn thương tim, làm tăng nguy cơ bị suy tim cấp trong 5 năm đầu gấp 3 lần so với người bình thường.

Hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ gây ra tăng huyết áp ở bé gái tuổi teen 

Đây là bệnh lý liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có sự hình thành các nang nhỏ trong buồng trứng.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây với 170.000 bé gái ở Mỹ, từ 13 đến 17 tuổi, cho thấy nguy cơ bị huyết áp cao (huyết áp 130/80 mm Hg trở lên) ở những bé gái mắc hội chứng buồng trứng đa nang cao hơn 30% so với những bé không mắc bệnh này.

Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi huyết áp thường xuyên và điều chỉnh lối sống ở thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang, để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh cao huyết áp.

Rối loạn tự miễn dịch

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh lý do rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ cao gấp đôi so với nam giới, do chứa nhiễm sắc thể X thứ hai – chứa hầu hết các gen liên quan đến điều chỉnh miễn dịch.

Các bệnh lý tự miễn làm tăng quá trình tích tụ các mảng xơ vữa động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ bị bệnh lý mạch máu.

Trầm cảm và rối loạn căng thẳng

Bác sĩ chỉ ra 7 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ trẻ tuổi - Ảnh 3.


Căng thẳng gia tăng và kéo dài khiến cơ thể liên tục sản xuất hormon Cortisol – một hormon do tuyến thượng thận tiết ra có tác dụng chống lại căng thẳng. Tuy nhiên, nó cũng gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim và tăng gánh nặng cho tim, có thể dẫn tới suy tim về sau.

Mặt khác, căng thẳng kéo dài cũng làm tăng tình trạng viêm và tổn thương mạch máu, dẫn tới thúc đẩy tích tụ các mảng bám ở thành động mạch.

Với những đặc điểm riêng biệt trên, mỗi phụ nữ như trên cần chủ động nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của bản thân, kiểm tra sức khỏe định kỳ và liên lạc với bác sĩ khi gặp vấn đề bất thường. Đó là cách tốt nhất để phụ nữ bảo vệ sức khỏe cho chính mình.  

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.