Kể từ hôm nay, Việt Nam sẽ bước vào 2 tuần quyết định trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, sau khi một lượng lớn công dân và kiều bào từ nước ngoài trở về quê nhà. Đây cũng chính là lúc mà người dân cần phải thận trọng nhất nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Mới đây, bác sĩ Trần Quốc Khánh - hiện đang công tác tại Bệnh viện Việt Đức - đã lên tiếng nhắc nhở về 20 sai lầm mà mọi người thường gặp phải trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
1. Thường xuyên tụ tập chỗ đông người
Khi đến đám cưới, đám ma, tiệc tùng, sự kiện, siêu thị…, bạn không thể đảm bảo ở đó không có người nhiễm Covid-19. Trong thời gian này, mọi người nên hạn chế đến những nơi trên.
2. Thường xuyên đưa tay lên mặt, mắt, mũi, miệng
Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, bàn tay là nơi chứa rất nhiều bụi bẩn, khi đưa lên mặt sẽ vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus xâm nhập qua mắt, mũi, miệng. Đây cũng chính là một trong những con đường lây lan Covid-19.
Anh khuyên mọi người nên rửa tay thật sạch trước khi định đưa tay lên mặt, cũng như tuyệt đối không được dùng tay sửa khẩu trang nếu không muốn mọi biện pháp chống Covid-19 trở nên công cốc.
3. Ho, khạc, nhổ bừa bãi
Khi ở nơi công cộng, mọi người cần lấy tay hoặc khăn giấy để che miệng mỗi khi hắt hơi hoặc ho. Sau đó, hãy vo khăn giấy lại, ném vào thùng rác và vệ sinh bàn tay thật sạch.
4. Khi gặp nhau, vẫn bắt tay và ngồi nói chuyện, tiếp xúc với khoảng cách khá gần
Thời gian này mọi người tuyệt đối không nên bắt tay nhau; nếu đứng gần nhau phải đảm bảo khoảng cách 1,8 m theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
5. Thói quen dùng chung trong ăn uống
Người Việt Nam thường có thói quen gắp đồ ăn cho nhau, hoặc dùng chung bát canh, bát nước chấm. Chúng ta cần hạn chế điều này trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay.
6. Dễ dàng để bàn tay tiếp xúc trực tiếp với mọi thứ
Theo bác sĩ Khánh, có 7 bề mặt vô cùng bẩn mà con người thường xuyên chạm vào nơi công cộng: nút bấm thang máy, máy ATM, tay vịn thang cuốn, tay vịn các loại xe, tay đẩy xe trong siêu thị hoặc sân bay, tay nắm cửa. Ngoài ra, tiền - thứ chúng ta vẫn dùng hàng ngày - cũng không khác gì một ổ vi khuẩn, mà lại không thể vệ sinh. Thế nhưng, mọi người ít khi vệ sinh tay sau khi chạm vào những thứ trên.
7. Lười tập thể dục và thức quá khuya
Bác sĩ Khánh cho biết, tập thể dục là một trong những phương pháp cốt lõi để tăng cường sức đề kháng, nhất là trong bối cảnh bệnh Covid-19 chưa có vaccine hay thuốc đặc trị. Ngủ đủ 6 tiếng/ngày cũng là điều nên làm trong thời gian này.
8. Chưa có thói quen vệ sinh bề mặt thường xuyên sử dụng hàng ngày
Đồng hồ, điện thoại, chùm chìa khóa, ví tiền, laptop, vô lăng ô tô hoặc tay lái xe máy, kính… là những thứ chúng ta cần tăng cường vệ sinh trong giai đoạn này.
9. Chưa hình thành thói quen rửa tay
Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyên mọi người nên rửa tay thường xuyên hàng ngày, tối đa là 3 tiếng/lần. Những thời điểm quan trọng cần phải rửa tay bao gồm trước khi ăn uống, trước khi đưa tay lên mặt, trước khi chăm sóc con cái, sau khi đi làm về và sau khi đi vệ sinh.
10. Vẫn duy trì thói quen ăn tái, gỏi, ăn thú rừng
Theo bác sĩ Khánh, thú rừng là loại vật chủ chứa rất nhiều loại virus gây bệnh cho người.
11. Lan truyền thông tin giả trên mạng xã hội
Việc mọi người ấn thích, bình luận và chia sẻ những bài viết sai sự thật này sẽ gây hoang mang cho cộng đồng, nhất là trong thời điểm nhạy cảm này.
12. Thực hành, sử dụng những "bài thuốc chống Covid-19" chưa được kiểm chứng
Bác sĩ Khánh cho biết, gần đây mọi người thường sử dụng và lan truyền những bài thuốc được cho là "gia truyền" để phòng Covid-19, ví dụ như dùng dầu gió, dầu tràm, tỏi, nước sôi, vòng đeo cổ… Đây là những thông tin chưa được kiểm chứng, dễ khiến mọi người "tiền mất tiền mang".
Giải pháp tốt nhất lúc này là thực hành dự phòng lây nhiễm và dinh dưỡng nâng cao thể trạng.
13. Trốn cách ly, không chủ động khai báo sức khỏe, yếu tố dịch tễ
Theo bác sĩ Khánh, hành động này chỉ làm ảnh hưởng chính bản thân mình - người có nguy cơ bị nhiễm - đồng thời đẩy người thân, bạn bè xung quanh vào vòng nguy hiểm. Vì thế, những người thuộc diện cách ly cần tuân thủ đủ 14 ngày.
14. Nghĩ rằng Covid-19 chừa trẻ em
Bác sĩ Khánh cho biết, đây là điều mà rất nhiều người đang hiểu lầm. Trên thực tế, bất cứ ai cũng có thể nhiễm Covid-19, kể cả trẻ em và thanh niên chứ không chỉ có mỗi người già.
15. Nghĩ rằng Covid-19 có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh
Bác sĩ Khánh khẳng định rằng kháng sinh chỉ có thể diệt được vi khuẩn, không thể diệt được virus.
16. Nghĩ rằng Covid-19 có thể lây qua ánh mắt
Virus không thể lây qua ánh mắt, mà chỉ có thể lây qua các giọt bắn khi nói chuyện, tiếp xúc với nhau.
17. Nghĩ rằng cứ ho, sốt, cảm cúm… là dương tính với Covid-19
Bác sĩ Khánh cho biết, các triệu chứng như ho, sốt, cảm cúm… có thể được gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Bạn chỉ có thể biết mình có nhiễm Covid-19 hay không bằng việc xét nghiệm.
18. Nghĩ rằng CHẠM hoặc TIẾP XÚC với người nhiễm Covid-19 là sẽ bị nhiễm virus
Điều này không đúng. Tỷ lệ lây nhiễm của một người dương tính với Covid-19 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tiếp xúc với bao nhiêu người, gần hay xa, có dùng chung đồ hay không…
19. Ở trong nhà hoàn toàn
Bác sĩ Khánh khuyên mọi người không nên ở trong nhà hoàn toàn. Làm như vậy sẽ khiến chúng ta bị stress, không có cơ hội tập thể dục và tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên, dễ dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch. Chưa kể, ở nhà quá nhiều làm mọi người chỉ biết đọc tin trên mạng, đa phần là tin tiêu cực, khiến bản thân bị ám thị và hoang mang thêm.
Vì thế, bạn nên ra những nơi thoáng khí, ít người để tập thể dục và đi bộ, khi đi phải đeo khẩu trang.
20. Tiêm vaccine phòng ngừa viêm phổi, cúm… có tác dụng giúp chống Covid-19
Điều này là không đúng. Việc tiêm phòng vaccine trong giai đoạn này hoặc hàng năm là để phòng ngừa cúm, ho gà, lao, bạch hầu... và các bệnh truyền nhiễm kéo theo sau đó. Đây là những bệnh khiến hệ miễn dịch suy giảm, làm cơ thể dễ mắc Covid-19.