"Về thôi!". Người bạn ngồi cạnh hô lớn rồi khoác vai dược sĩ K.Vũ (trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Anh bất giác thốt lên: "Sao nhanh vậy nhờ". Anh đặt chân đến Sài Gòn vào cuối tháng 8, trong giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh. 77 ngày đêm, anh đã cùng đồng đội căng mình "chiến đấu", nỗ lực hỗ trợ bệnh nhân Covid-19.
Anh gấp lại quần áo, kiểm tra các vật dụng, nhét vào vali những món quà từ Sài Gòn, bắt tay các đồng đội rồi nói lời chào tạm biệt.
"Mình về nhé, sẽ rất nhớ Sài Gòn đấy".
Các nhân viên y tế gói ghém hành lý để chuẩn bị rời khỏi TP.HCM
Ngày 15/10 là ngày làm việc cuối cùng của các nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tại TP.HCM. Từ sáng sớm, hàng dài xe container xếp hàng trong khuôn viên của Bệnh viện Dã chiến số 16 để chờ chuyển hàng hóa. Suốt 2,3 ngày liền, hàng chục tấn hàng hóa đã được bốc dỡ để vận chuyển.
Hàng tấn hàng hóa gồm thuốc men, thiết bị y tế đã được các nhân viên bệnh viện, đội hậu cần gấp rút vận chuyển
"Lúc vào, chúng tôi đã chuẩn bị từng chiếc bàn, chiếc ghế, chiếc tủ lạnh, thuốc men... Sài Gòn đang dần khỏe mạnh, anh em vui lắm. Vài ngày nay, mọi người đã cùng nhau chất hàng hóa, dán nhãn từng thùng hàng để không bị thất lạc. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã có thể vẫy tay chào tạm biệt Sài Gòn khi thành phố đang dần khỏe mạnh", dược sĩ Ngọc Sơn nói.
Được biết, chuyến bay sẽ cất cánh lúc 17 giờ ngày 15/10. Vì thế, công tác vận chuyển hàng hóa được triển khai khá nhanh chóng.
Trung tâm Hồi sức được Bộ Y tế điều động Bệnh viện Bạch Mai thiết lập trên địa bàn TPHCM và đưa vào hoạt động ngày 11/8 ngay trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19.
Trung tâm đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân nặng phải dùng ECMO, bệnh nhân phải lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ Cytokine, thở khí NO...
Sau khi tiếp nhận chuyển giao, Sở Y tế sẽ chuyển Trung tâm sang mô hình bệnh viện 3 tầng với nòng cốt nhân lực chuyên môn từ các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố.
Trong hơn 2 tháng qua, Trung tâm dã chiến này đã tiếp nhận trên 1.300 ca bệnh nặng và nguy kịch. Trong đó có 363 ca đã được điều trị qua cơn nguy kịch, 213 ca được ra viện trong niềm vui và hạnh phúc.
Anh Ngọc Sơn chia sẻ thêm: "Chúng tôi đã từng hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang, Hà Nam... Lúc mới vào Sài Gòn, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vẫn cảm thấy choáng ngợp với khối lượng công việc. Bệnh nhân vào nhiều, chúng tôi trực 2 ngày liền, 48 tiếng và được nghỉ một buổi tối kế tiếp.
Có nhiều đồng đội của tôi đã ngất trong phòng bệnh vì quá sức. Mặc áo bảo hộ vào 5 phút, mồ hôi trong người tuôn ra như tắm. Gia đình tôi cũng rất lo lắng, cứ gọi điện thoại hỏi thăm suốt thôi.
Nhưng rồi chúng tôi cũng quen với guồng quay công việc. Chính tôi cũng không nghĩ 77 ngày lại trôi qua nhanh đến như thế. Ở Sài Gòn, tôi cảm nhận được tình cảm, sự nồng hậu, chân thành của mọi người dành cho các nhân viên y tế".
Bên cạnh đó, có gần 1.000 thầy cô, sinh viên trường Cao đẳng y tế Bạch Mai đã tỏa xuống 10 quận huyện của thành phố, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Các nhân viên y tế chụp ảnh kỉ niệm cùng nhau trước khi rời khỏi Sài Gòn
"Sáng nay, khi bọn chị đi làm, qua các cung đường cũ. Bọn chị thấy ánh nắng Sài Gòn rất đẹp, hy vọng một ngày mới lại đến với thành phố này. Ngày cuối cùng, trong lòng chị có nhiều cảm xúc để tạm biệt nơi này.
Chúng ta là anh em, Bệnh viện Bạch Mai đã mang vào Sài Gòn sự chân thành và ấm áp. Tình hình đã ổn định, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 cũng đã giảm nhiều. Đây là lúc chúng ta có thể nói lời chào tạm biệt nhau. Tạm biệt TP.HCM, mình sẽ rất nhớ các bạn", TS.BS Thu Trà xúc động nói.
Được biết, đội chi viện của Bệnh viện Bạch Mai gồm các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, sinh viên... Họ đã cùng nhau nỗ lực trong suốt 77 ngày đêm tại TP.HCM
Tại buổi lễ tổng kết, TS.BS Đỗ Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bạch Mai tại TP.HCM cho biết song song với hoạt động lâm sàng, Khoa xét nghiệm đã thực hiện 163.856 xét nghiệm, đảm bảo tính chính xác, kịp thời phục vụ công tác điều trị.
Việc hỗ trợ người bệnh và thân nhân cũng rất được quan tâm. Bệnh viện đã chủ động thông báo ngày giờ tử vong của bệnh nhân cho người nhà, trả lời thông tin người bệnh, tiếp nhận các cuộc gọi và trực tiếp cầm Hotline 24/7. Bệnh viện cũng đã phối hợp với các phòng ban chức năng xác minh, lập danh sách, chủ động gọi đến thân nhân người bệnh đã mất, trao lại các kỷ vật.
TS.BS Đỗ Ngọc Sơn phát biểu tại buổi lễ tổng kết bàn giao
Tại buổi lễ bàn giao, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18, chúng tôi quay lại để đánh giá hoạt động đóng góp của các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai và các Bệnh viện Trung ương khác trên địa bàn thành phố.
Nhiều ngày qua, chúng tôi nhận thấy tín hiệu đáng mừng, số lượng bệnh nhân ngày càng giảm xuống, đặc biệt trường hợp trở nặng, nguy kịch. Theo báo cáo của Sở Y tế, số lượng ca tử vong đã giảm đi rất nhiều.
Đây chính là sự nỗ lực của các đồng nghiệp trên cả nước, đặc biệt là đội hỗ trợ từ các địa phương cùng nhau vào TP.HCM, chung sức cùng ngành y tế, người dân thàn phố để đạt được kết quả ngày hôm nay".
Kết thúc buổi lễ, PGS- BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc của ngành y tế và nhân dân Thành phố trước sự hỗ trợ kịp thời và tận tụy của tập thể cán bộ y bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai.