Ung thư dạ dày là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến gặp ở đường tiêu hoá, đang có xu hướng tăng. Năm 2018, tại Việt Nam có khoảng 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, và tỉ lệ tử vong là hơn 15.000 ca, căn bệnh này hiện ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
TS.BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K cho hay, ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân có thể có một số triệu chứng mơ hồ sau:
- Đau vùng thượng vị một cách mơ hồ.
- Đau có thể lan ra sau lưng kèm theo bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi
- Chán ăn
- Cảm giác nóng rát dạ dày
Khi bệnh ung thư tiến triển có thể có thêm những dấu hiệu rõ ràng hơn như: Có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày; Đau nhiều, buồn nôn; Thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút.
Theo TS.BS Bình, để phòng ngừa được bệnh ung thư dạ dày cần phải hiểu về các yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh. Trong đó, có 4 nhóm yếu tố nguy cơ được nhắc tới nhiều đó là:
- Yếu tố nhiễm khuẩn (vi khuẩn HP) làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Độ tuổi, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng lớn hơn, từ 40-50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người trẻ. Ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung có xu hướng trẻ hóa.
- Chế độ ăn uống, ăn nhiều chất cay, nhiều đồ ăn nướng, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít vận động cũng là một trong những nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Ung thư dạ dày có những yếu tố nguy cơ khác như: yếu tố gia đình. Trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày thì nhóm người trong gia đình này có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
- Một số nghiên cứu gần đây chứng minh nguy cơ mắc bệnh này có liên quan đến đột biến gen.
- Do bệnh lành tính lâu năm có thể tác động bởi biến đổi về mặt sinh lý trong dạ dày thay đổi, gây nên ung thư dạ dày.
Một số yếu tố nguy cơ khác nữa ví dụ như là nhóm máu, người nhóm máu A có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những nhóm máu khác…
Thói quen phòng tránh ung thư dạ dày
Để chẩn đoán sớm ung thư dạ dày phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là phương pháp nội soi dạ dày bằng ống mềm. Người dân cần lưu ý đi thăm khám sớm khi có dấu hiệu bất thường, khám định kỳ 6 tháng/lần.
"Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu trên bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời", TS Bình nói.
TS. Bình khuyến cáo, để phòng tránh căn bệnh ung thư dạ dày cần duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.
Hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư; Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.
Ngoài ra, cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích; Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.
Ung thư là một bệnh cần phải điều trị đa mô thức nói chung và đặc biệt là ung thư dạ dày cũng không nằm ngoài đặc điểm chung đó, điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức, phẫu thuật, hóa chất, xạ trị.
Trong đó phẫu thuật đã, đang và vẫn đóng vai trò quan trọng nhất mang tính chất triệt căn. Trong phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày có 2 phương pháp, một là phẫu thuật kinh điển mổ cắt toàn bộ hoặc gần toàn bộ, nạo vét hạch trong ung thư dạ dày.
Phương pháp thứ 2 là phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi là cách tiếp cận để cắt dạ dày bằng nội soi ổ bụng, từ nội soi 2D đến nội soi 3D và cuối cùng là phẫu thuật nội soi Robot, đó là phẫu thuật có tính thừa kế, phát triển, hoàn thiện ở mức độ cao hơn.