“Bác sĩ bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ bị não úng thủy

Lê Hoàng | 27-02-2021 - 11:05 AM

(Tổ Quốc) - 7 năm theo nghiệp điều trị bệnh lý thần kinh cho trẻ nhỏ, nam bác sĩ không ít lần chứng kiến lằn ranh sinh tử chỉ cách nhau bằng một mũi kim. Cũng có khi chính anh trở thành nạn nhân phía sau phòng mổ.

Buổi chiều cuối tháng 2, tôi đến khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) tìm gặp bác sĩ Lê Quang Mỹ.

Thời điểm này anh đang thăm khám cho các bệnh nhi nội trú ở một phòng bệnh. Cô cậu bé nào cũng được nam bác sĩ ẵm bồng, xem xét kỹ càng. Và hầu hết trẻ trên tay anh đều có chiếc đầu rất to.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Quang Mỹ.

Chiếc xe tải của cha chở ước mơ làm bác sĩ

Căn phòng ấy là nơi các trẻ mắc căn bệnh não úng thủy quái ác điều trị. Và cũng nơi bác sĩ Lê Quang Mỹ gắn bó nhiều nhất kể từ khi bước vào nghiệp thầy thuốc.

Bác sĩ Mỹ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Đắk Lắk. Cha mẹ và hầu hết bà con họ hàng đều làm nông nên chuyện bỏ núi rừng xuống phố phồn hoa là điều quá xa vời với anh ngày còn nhỏ.

Nhưng càng lớn sức học của anh càng tốt. Mọi người thấy bản tính anh hiền lành, lại học giỏi nên chẳng biết từ lúc nào lại khuyên hãy thử thi trường Y.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 2.

Nam bác sĩ đến với ngành y một cách rất tình cờ.

Vậy là học xong cấp 3, anh cũng xuống Sài Gòn chọn vào ngôi trường có điểm đầu vào cao chót vót với giấc mộng làm bác sĩ.

Sợ con trai say xe lại lạ nước lạ cái, trước ngày thi, người cha lái luôn chiếc xe tải mưu sinh hàng ngày đưa con trai từ Đắk Lắk xuống Sài Gòn, còn mẹ cũng khăn gói theo để lo ăn uống.

"Thi thử" mà đậu thật. Chiếc xe tải đã chở đứa con Tây Nguyên đỗ đại học rồi vượt một mạch qua 6 năm y đa khoa thuận lợi.

Năm 2014 sau khi ra trường, bác sĩ Lê Quang Mỹ chọn thi vào BV Nhi đồng 2 với suy nghĩ đơn giản là vì thích con nít.

Sau khi ra trường, bác sĩ Lê Quang Mỹ chọn thi vào BV Nhi đồng 2 với suy nghĩ đơn giản là vì thích con nít.

Bác sĩ Mỹ thừa nhận, ban đầu khi vào Ngoại Thần kinh anh giống như tờ giấy trắng nên có phần bị… ngộp.

Những lần đầu tiên phụ các phẫu thuật viên chính khâu da, tay chân anh run lẩy bẩy. Nhưng rồi, mưa dầm thấm lâu, thao tác trong phòng mổ của nam bác sĩ được tinh luyện hơn từng ngày.

Và cũng đến ngày để anh được trải nghiệm cảm giác được thực hiện ca mổ chính đầu tiên.

"Đó là ca đặt dẫn lưu não thất màng bụng cho trẻ bị não úng thủy. Lần đầu nên hồi hộp lắm. Trước khi mổ mình hỏi thăm bệnh nhân liên tục, tra cứu hết hồ sơ bệnh án rồi mà vẫn sợ bệnh nhân không tỉnh, ăn không được, mổ xong không hồi phục. Rồi mọi thứ cũng suôn sẻ.

Cái cảm giác thấy bệnh nhân hồi phục, xuất viện trở về rất sung sướng và hạnh phúc. Nhẹ nhõm hết trong lòng" – bác sĩ Mỹ kể lại.

Ít lâu sau, nam bác sĩ tìm được cơ hội đi nước ngoài du học. Nhờ vậy, anh có dịp tiếp cận với các kiến thức, kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị bệnh lý về Thần kinh ở các nước phát triển.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 4.

Bác sĩ Lê Quang Mỹ thời điểm đi học ở Hoa Kỳ.

Những ca mổ sinh – tử, nhớ đời

Tháng 1/2019, bác sĩ Lê Quang Mỹ về nước sau khi kết thúc khóa học ở Hoa Kỳ. Ngay lập tức, anh tiếp nhận một trường hợp đặc biệt.

Đó là một cậu bé 12 tuổi, người Campuchia bị não úng thủy và lao màng não, đã cầu cứu nhiều BV từ quê nhà đến Việt Nam nhưng không có kết quả.

Khi vào BV Nhi đồng 2, bệnh nhi xơ xác, không còn chút sức sống nào. Cha mẹ của bé cũng cạn kiệt niềm tin.

"Lúc đó chắc là vừa về nước nên năng lượng mình còn cao lắm. Mình cố thuyết phục người nhà hãy ráng thêm một cơ hội nữa.

Vì bé và gia đình không biết tiếng Việt nên mỗi lần thăm khám, mình phải vừa nhờ người dịch, vừa phải tra từ trên mạng để giao tiếp với bệnh nhân" – bác sĩ nhớ lại.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 5.

Nhiều lần vị bác sĩ trải qua những ca mổ nhớ đời.

Lần mổ đầu tiên thành công. Sang lần thứ 2, cậu bé bỗng hôn mê. Người nhà bắt đầu hoài nghi, bác sĩ điều trị thì vô cùng lo lắng.

Mãi đến lần thứ 4, bé mới chính thức ổn định sức khỏe. Nhưng vấn đề lại xuất hiện khi cha mẹ em cạn tiền.

Vậy là bác sĩ lại liên hệ phòng Công tác xã hội tìm cách để hỗ trợ tiền xe, dinh dưỡng, tiền thuốc kháng lao cho bé.

"Ngày em về nước, mình gởi theo mấy chục lon sữa để em đủ dùng trong 3 tháng. Rồi sau đó lại phải tìm cách liên lạc để hỗ trợ điều trị từ xa.

Mình chỉ nghĩ ngày còn điều trị trực tiếp, mỗi lần bé đau đều gồng lên như nhìn mình cầu cứu nên không thể nào bỏ được. Bây giờ thì bé đã khỏe mạnh rồi" – bác sĩ Mỹ khép lại kỷ niệm thú vị.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 6.

Bác sĩ nhớ lại những ca mổ mà lằn ranh sinh tử rất mong manh.

Liền sau đó là một ca bệnh mà mọi thứ tưởng như bất lực, chỉ còn vài phần của giây là bệnh nhi mất mạng.

Nửa đêm tháng 3/2019, một bé gái 3 tháng tuổi được người nhà hốt hoảng đưa vào viện sau khi bị điện thoại rơi trúng đầu.

Thời điểm tiếp nhận bé đã sốc, mất máu rất nhiều, điểm tri giác chỉ còn khoảng 5/6 (trên thang điểm 15), tiên lượng tử vong cao.

"Nghe giải thích, ba mẹ bé khóc rất nhiều. Dù luôn trong tâm thế cố gắng hết sức nhưng kinh nghiệm của mình cho thấy ca này khó có thể kiểm soát.

1 tiếng sau khi vào phòng mổ, máu bé chảy ồ ạt, huyết áp thấp, máu truyền bên ngoài vào không kịp.

Khi mình đã định bỏ cuộc thì bác sĩ hồi sức phía sau nói bên tai: Em cứ cố gắng cầm máu thì mọi thứ khác anh sẽ lo được!

Câu nói này như động lực để mình quyết tâm tìm mọi cách cầm máu, từ khâu lại đến dùng keo sinh học.

Điều kỳ diệu xuất hiện giữa đêm. Máu trên đầu bé ngừng chảy.

Lúc khâu mũi da cuối cùng, mạch và huyết áp bé vẫn còn. Ngước lên đồng hồ đã hơn 4h sáng, cơ thể mình mệt rã rời. Ra khỏi phòng thì mình cũng thiếp đi.

Đến 7h sáng sực tỉnh, mình vội chạy xuống phòng mổ thấy da niêm mạc đã hồng. Bé sống thật kỳ tích" – nam bác sĩ chia sẻ.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 7.

Có những lần bác sĩ mất bệnh nhân ngay trước mặt. (Ảnh minh họa)

Nhưng cuộc đời không chỉ màu hồng. Cũng có lần vị bác sĩ mất bệnh nhân ngay trước mặt khi chỉ cần một tiếng hô là ca mổ hoàn tất.

"Cậu bé 14 tuổi ở Đắk Nông đêm đó bị xuất huyết não sau tai nạn.

Dù tình trạng bé nặng nhưng tiếp nhận rất nhiều trường hợp rồi nên mình khá tự tin. 

Mọi thứ đều bình thường. Khi đặt mũi kim cuối xuống, chuẩn bị thông báo mọi người ca mổ thành công thì bất ngờ não bé phù lên. Máu trong não chảy ra, đồng nghĩa với các mạch máu đã đứt. Lúc đó anh em ai cũng hụt hẫng, biến sắc vì biết đã mất bệnh nhân.

Tinh thần dù đã rất buồn nhưng vẫn phải cố gắng thông báo cho người nhà. Vì trước đó đã nói rõ các nguy cơ, cha mẹ bé cũng hiểu và chuẩn bị tinh thần đối mặt.

Ngày hôm sau, mình phải lên các khoa, hỏi các đàn anh vì sao bệnh nhân bất ngờ bị như vậy, có sai sót gì không. Sang chấn tâm lý và sự nặng nề kéo dài đến vài tuần, thậm chí vài tháng" – bác sĩ Mỹ trầm ngâm kể.

Dù không phải sai sót cá nhân nhưng kỷ niệm đau lòng này khiến bác sĩ rút ra nhiều kinh nghiệm. Rằng trước khi quyết định làm gì phải phân tích thật kỹ, xem cần mổ hay không. Phải mổ khẩn cấp hay nên điều trị bằng thuốc trước chờ khi có đủ các ekip.

Nhanh quá không phải lúc nào cũng tốt, và nhiều người luôn tốt hơn 1 người.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 8.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 9.

Kinh nghiệm giúp bác sĩ luôn phải trao đổi kỹ càng với người nhà bệnh nhi.

Không bỏ cuộc, miễn không làm trái lương tâm

"Những ca mổ chấn thương sọ não diễn tiến rất nhanh. Mới tỉnh có thể vài phút sau đã mất. Bệnh nhân và người nhà xuống tinh thần thì có bác sĩ hỗ trợ. Nhưng bác sĩ bị sang chấn tâm lý thì chỉ bản thân chịu đựng".

Dẫn chứng cho nhận định trên, bác sĩ Mỹ kể về một lần mổ xuất huyết não do dị dạng mạch máu não cho một bé trai.

Vì tưởng đã thành công mỹ mãn, anh thậm chí vui mừng thông báo cho cha mẹ bệnh nhi. Nhưng sau khi bé về nhà lại xảy ra biến chứng.

Sốc và cho rằng bác sĩ không có chuyên môn, trốn tránh trách nhiệm, người nhà bệnh nhân phản ứng gay gắt và gửi đơn phản ánh đến báo chí.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 10.

Không phải lúc nào bác sĩ và người nhà bệnh nhân cũng hiểu nhau.

"Có thời điểm mình chuẩn bị tâm lý cùng người nhà ra tòa. Mình không hận hay trách họ mà chỉ nghĩ rằng không làm trái lương tâm là được. Và hiện tại, bé gần như đã hồi phục bình thường sau thời gian kiên cường điều trị...".

Bài học rút ra là luôn cố gắng bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh và không bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc.

Kinh nghiệm gặp sự cố truyền thông cũng giúp anh rất nhiều khi anh được giao hỗ trợ trang thông tin sức khỏe của BV.

Theo bác sĩ Mỹ, thông tin không phải lúc nào cũng tích cực. Truyền thông về sức khỏe là không chỉ viết về cái tốt mà phải đăng tải cả những trường hợp không xử lý được, tai nạn, biến chứng nặng.

Để người bệnh hiểu mọi thứ chỉ là tương đối, có giới hạn, nguyên nhân sự việc.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 11.

Bác sĩ Mỹ cố gắng hiểu được thân nhân, bệnh nhân, gần gũi họ.

Và phải cố gắng hiểu được thân nhân, bệnh nhân, gần gũi họ. Những gì làm được và tốt cho bệnh nhân thì cần phải tìm cách chia sẻ.

Có vậy thì mâu thuẫn giữa người bệnh và bác sĩ mới được giảm thiểu.

6 năm làm "bác sĩ bé đầu bự"

Từ năm 2016, một chương trình hợp tác quốc điều trị cho trẻ não úng thủy bắt đầu diễn ra tại BV Nhi đồng 2.

Kể từ đó qua những lần đi học nước ngoài, bác sĩ Lê Quang Mỹ luôn ấp ủ khao khát tìm kiếm nhiều hơn cơ hội sống cho những trẻ mắc căn bệnh quái ác này.

Từ Châu Phi rồi sang Mỹ, khi trở về nước anh nhận ra nhiều phụ huynh vẫn còn thiếu hụt thông tin trước và sau điều trị của con.

Tháng 8/2020, fanpage "Bác sĩ Bé đầu bự" được vị bác sĩ lập ra với khao khát được cung cấp kiến thức và niềm tin cho các cha mẹ có con não úng thủy.

"Fanpage này có thể không mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Nhưng đó là đam mê, đích đến của người hành nghề y như mình" – nam bác sĩ tâm sự.

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 12.

Bác sĩ Lê Quang Mỹ khao khát tìm kiếm nhiều hơn cơ hội sống cho những trẻ mắc căn bệnh não úng thủy.

Đến tháng 2/2021 là tròn 7 năm bác sĩ Lê Quang Mỹ gắn bó với chuyên khoa Ngoại Thần kinh.

Anh cho rằng trong giai đoạn hiện nay, bác sĩ Việt cần 2 thứ.

Thứ nhất là niềm tin của cộng đồng vào ngành y tế. Có nhiều người sẵn sàng đi nước ngoài điều trị dù Việt Nam làm được và giá cả rẻ hơn. Anh mong mọi người suy nghĩ lại.

Thứ hai, là mong cộng đồng, người dân hãy chung tay cùng ngành y trong việc bảo vệ sức khỏe để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Với các bạn trẻ, những người muốn trở thành bác sĩ tương lai, bác sĩ Mỹ khuyên họ hãy cố làm đúng 3 việc.

Đó là làm người cho đúng (đúng tâm, có đức độ), làm nghề cho đúng (đúng chức trách nhiệm vụ) và làm dân cho đúng (có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, tổ chức).

Bác sĩ "bé đầu bự": Những ca mổ "sinh tử" và hành trình 6 năm tìm hi vọng cho trẻ não úng thủy - Ảnh 13.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM