Ba phái đoàn Trái Đất chuẩn bị cập bến Hành tinh Đỏ, chào đón năm Sao Hỏa thứ 36

Dink | 08-02-2021 - 15:51 PM

(Tổ Quốc) - Ba sứ mệnh khoa học từ ba nước sẽ khám phá những vùng Sao Hỏa khác nhau.

Ba phái đoàn Trái Đất chuẩn bị cập bến Hành tinh Đỏ, chào đón năm Sao Hỏa thứ 36  - Ảnh 1.

Hôm qua, ngày 7 tháng Hai năm 2021 theo giờ Trái Đất, Sao Hỏa đón ngày đầu tiên của năm mới theo lịch chúng ta đang có. Bởi một năm Sao Hỏa bằng 687 ngày Trái Đất (tức 668,6 ngày Sao Hỏa - một “sol”, đơn vị đo thời gian dài 24 giờ 39 phút 35 giây), nên Sao Hỏa chỉ có thể bắn pháo hoa ăn mừng khoảng 2 năm Trái Đất/lần. Và bởi lịch Sao Hỏa bắt đầu được tính từ năm 1955, năm nay là năm Sao Hỏa thứ 36.

Đây sẽ là năm mang tới nhiều sự kiện quan trọng cho Sao Hỏa. Hiện ta đang chứng kiến 3 cơ quan hàng không vũ trụ thực hiện 3 sứ mệnh liên quan tới Hành tinh Đỏ, và kết quả hành trình di chuyển đều sẽ xuất hiện trong những ngày tới đây. 

Vệ tinh thăm dò mang tên Al-Amal, có nghĩa là "Hy vọng" tới từ Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) sẽ cập bến trước tiên, vào ngày 9/2 sắp tới. Nó sẽ thăm dò khí quyển và thời tiết Sao Hỏa, với mục tiêu khảo sát tìm địa điểm thích hợp để xây khu vực sinh sống cho con người tương lai.

Ba phái đoàn Trái Đất chuẩn bị cập bến Hành tinh Đỏ, chào đón năm Sao Hỏa thứ 36  - Ảnh 2.

Tàu thăm dò Al-Amal.

Tàu thuộc sứ mệnh Thiên Vấn-1 của Trung Quốc sẽ tới quỹ đạo Sao Hỏa vào ngày 10/2. Nhóm những dụng cụ người Hoa mang theo trong lần này gồm một vệ tinh bay quanh Sao Hỏa, một trạm đáp đất và một tàu thăm dò bề mặt. Hai thiết bị chạm đất sẽ bắt đầu đi vào khí quyển Sao Hỏa trong tháng Năm tới, mục đích là nghiên cứu sâu về bình nguyên Utopia sở hữu một loạt các hố thiên thạch nằm rải rác.

Ba phái đoàn Trái Đất chuẩn bị cập bến Hành tinh Đỏ, chào đón năm Sao Hỏa thứ 36  - Ảnh 3.

Đội phụ trách dự án Thiên Vấn-1.

Tàu thăm dò mặt đất Perseverance của NASA sẽ đáp xuống bề mặt Sao Hỏa vào ngày 18/2, tại hố thiên thạch Jezero giàu đất sét - bằng chứng cho thấy nơi đây từng chứa nước. Tàu sẽ tìm dấu vết của sự sống đã từng phát triển trên Sao Hỏa và khả năng duy trì sự sống của môi trường xung quanh. Mẫu vật sẽ trở về Trái Đất trong tương lai.

Ba phái đoàn Trái Đất chuẩn bị cập bến Hành tinh Đỏ, chào đón năm Sao Hỏa thứ 36  - Ảnh 4.

Tàu Perseverance của NASA.

Không phải ngẫu nhiên cả ba sứ mệnh đều diễn ra trong khoảng thời gian này: do những khó khăn của việc đưa tàu du hành lên Sao Hỏa, chúng ta cho phóng tàu vào những khung thời gian cho phép hành trình tiêu tốn ít năng lượng nhất có thể. Cứ 26 tháng một lần, mức năng lượng này lại tụt xuống mức chấp nhận được nên chúng ta mới thấy tới 3 sứ mệnh diễn ra gần nhau tới vậy.

Thời điểm mà mức năng lượng dành cho chuyến đi Trái Đất - Sao Hỏa thấp nhất diễn ra xấp xỉ 15 năm một lần; ta sẽ chỉ cần nửa số năng lượng so với mức cực đại thường thấy để di chuyển giữa hai hành tinh. Lần cuối thời điểm vàng này xuất hiện là giữa năm 1986 và 1988. Năm 2033, một lần nữa điểm cực tiểu này tái xuất. Đây sẽ là khoảng thời gian bận rộn với các nhà nghiên cứu Hành tinh Đỏ.

Tạm gác lại chuyện tương lai để nói về 3 sứ mệnh trước mắt. Ba cơ quan hàng không vũ trụ sẽ để mắt khám phá ba khu vực khác nhau, vậy nên năm Sao Hỏa thứ 36 này chắc chắn sẽ mang lại nhiều đột phá cho ngành “khoa học Sao Hỏa”! 

Chúc mừng năm mới Sao Hỏa, mong có chúng tôi có thể sớm lan tỏa yêu thương tới Hành tinh Đỏ xa xôi, hàng xóm của nhân loại suốt chục ngàn năm qua.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM