Trước đó, 1 công ty con của tập đoàn BRG do bà Nga làm Chủ tịch HĐQT là Vinamco đã được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược của Hapro, nắm 65% vốn. Vinamco đã chi gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần Hapro.Bà Nguyễn Thị Nga được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Hapro nhiệm kỳ 2018-2023 từ tháng 6/2018, tại ĐHCĐ thường niên đầu tiên sau khi Hapro cổ phần hoá.
Được biết, Hapro là một doanh nghiệp bán lẻ nội địa, đầu tư phát triển hạ tầng và xuất nhập khẩu khá nổi tiếng, sở hữu nhiều công ty con cũng rất nổi tiếng (như Thủy Tạ, Thương mại dịch vụ Tràng Thi, Gốm Chu Đậu,... ) và cả trăm mảnh đất vàng trên phạm vi cả nước.
Hapro được biết là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quỹ đất nhiều bậc nhất thủ đô. Trước cổ phần hóa, công ty quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành, trong đó có 96 địa điểm tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Nga được biết đến nhiều nhất với vai trò là chủ tịch Tập đoàn BRG - doanh nghiệp gắn với siêu dự án thành phố thông minh tại Đông Anh. Được biết, mới đây Dự án thành phố thông minh đầu tiên của Hà Nội, lớn nhất cả nước và có tầm cỡ Đông Nam Á, do Liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đầu tư, đã được động thổ vào sáng 6/10 tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Với tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD, Dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội có quy mô gần 272ha, được chia làm 5 giai đoạn kết nối chặt chẽ và đồng bộ. Dự án sẽ áp dụng 6 tính năng thông minh bao gồm: Năng lượng thông minh, Giao thông thông minh, Quản trị thông minh, Học tập thông minh, Kinh tế thông minh và Đời sống thông minh. Dự kiến liên doanh BRG – Sumitomo sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về ứng dụng các công nghệ thông minh, như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain...
"Thành phố thông minh tọa lạc ở vị trí vô cùng đắc địa, kết nối trực tiếp trung tâm TP Hà Nội và Sân bay quốc tế Nội Bài. Dự án được đánh giá là một bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thương hàng hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phát triển thành phố thông minh sẽ hỗ trợ Hà Nội giải quyết những vấn đề đang tồn tại hiện nay như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, năng lượng và những bất cập trong quản lý và quy hoạch đô thị, kích hoạt những động lực tăng trưởng mới cho đất nước, sớm hiện thực hóa nghị quyết về cách mạng công nghiệp 4.0 mà Bộ Chính trị vừa ban hành, trong đó định hướng đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và miền Trung", chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga từng chia sẻ trên truyền thông.