Becky Guiles, 42 tuổi, là một người mẹ và doanh nhân đến từ ngoại ô New York. Cô và chồng, Jason, có với nhau 2 người con: George, 8 tuổi và Colden, 6 tuổi. Becky Guiles chia sẻ với The Epoch Times: "Hoá đơn đi siêu thị hay mua sắm tại chợ đã tăng với tốc độ chóng mặt. Có những tháng khi nhìn lại, tôi nhận ra bản thân đã trả ít nhất 1.400 đô la (khoảng 33 triệu đồng) cho gia đình 4 người, làm cạn kiệt ngân sách".
Đặc biệt trong bối cảnh bão giá như hiện tại, nếu vẫn giữ thói quen chi tiêu và mua các mặt hàng như cũ, bạn có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng "rỗng ví". Việc này đem đến rất nhiều rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế đã biến động khó lường.
Do vậy, Becky Guiles đã nghiên cứu hàng giờ liền để có thể tìm được 1 kế hoạch chi tiêu phù hợp cho gia đình. Một phương pháp để cô không phải tốn thời gian lập ngân sách hàng ngày mà vẫn có thể kiểm soát được khoản chi đi chợ và siêu thị. Đó là BORES, một kế hoạch hành động gồm 5 bước để tiết kiệm tiền mua hàng tạp hóa dễ nhớ và dễ làm theo.
Phương pháp BORES bao gồm:
- B = Ngân sách (Budget): Đối với gia đình mình, Becky Guile đề xuất chỉ chi 100 đô la/tháng mỗi người
- O = Sắp xếp (Organize), kiểm tra tủ đựng thức ăn trước khi mua sắm
- R = Giảm thiểu/Tái sử dụng (Reduce/Reuse), chẳng hạn, có thể rửa những hộp đựng đồ ăn nhanh để có thể sử dụng lại thay vì mua hộp mới.
- E = Tận dụng/Tối đa hoá (Extend) đối với các mặt hàng đông lạnh như sữa
- S = Đơn giản hoá (Simplify) trong tất cả mọi thứ
Theo Becky Guiles, có một số sai lầm phổ biến hầu hết mọi người mắc phải khi đi mua hàng tạp hóa. Bao gồm không lập ngân sách, không lên kế hoạch cho bữa ăn và mua thực phẩm chuẩn bị sẵn.
Cô cho rằng mỗi bước của phương pháp BORES đều cần thiết như nhau để tiết kiệm được số tiền lớn. Nhưng theo kinh nghiệm của bản thân, khoản tiết kiệm đáng kể nhất của cô cả về thời gian và tiền bạc là khi cô đơn giản hóa kế hoạch bữa ăn của gia đình mình. Họ chọn sẵn thực đơn cho 5 đến 10 bữa ăn yêu thích của mình và ăn luân phiên. Gia đình cô đã tiết kiệm được 1.000 đô la/ tháng (gần 24 triệu đồng).
"Tôi không phải là một người quản lý tiền bạc siêu tổ chức và có kỷ luật. Do vậy, nếu tôi áp dụng và trở nên tiết kiệm hơn, tôi nghĩ rằng ai cũng có thể làm theo phương pháp này". Bên cạnh đó, Becky Guiles chia sẻ rằng khi thoát khỏi nỗi lo rỗng ví, sự căng thẳng đến tê liệt vì tiền bạc cũng biến mất. Điều đó rất có ích đối với tâm lý của mỗi cá nhân cũng như giữ sự an toàn cho tài chính gia đình.
Mặt khác, Becky Guiles chia sẻ rằng các gia đình có thể tiết kiệm bằng cách cắt đi những dịch vụ không sử dụng nhiều. Chẳng hạn như truyền hình cáp nếu toàn bộ thành viên đều theo dõi mọi thứ qua điện thoại hay máy tính. Hoặc gói đăng ký trên các nền tảng nghe nhạc, xem phim mà mỗi tháng bạn chỉ dùng 1 lần.
Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng không thể thay đổi và tiết kiệm cùng lúc trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Điều đó sẽ khiến bạn nhanh chóng kiệt sức và bỏ cuộc. Hãy tập trung vào một điểm mà bạn muốn cắt giảm, chẳng hạn như mua sắm tại cửa hàng tạp hoá. Sau khi thành công, hãy tiếp tục sang những khoản chi khác.
Theo theepochtimes