Apple tuyên bố 100% đất hiếm trong iPhone 12 đều là tái chế: Đây là lý do vì sao thông điệp này có ý nghĩa hơn bạn tưởng rất nhiều

J.D | 14-10-2020 - 23:57 PM

(Tổ Quốc) - Nếu Apple có thể tạo ra một trào lưu tái sử dụng đất hiếm trong các công ty công nghệ, thì đó là điều tuyệt vời cho cả hành tinh này.

Sự kiện "Hi, Speed" của Apple vừa diễn ra vào lúc 0h ngày 14/10 (giờ Việt Nam) có thể ví như một vụ nổ lớn với các ifan vì một loạt siêu phẩm iPhone thế hệ mới - gồm iPhone 12, iPhone 12 Mini, iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max.

Siêu phẩm iPhone 12 Pro Max trong sự kiện "Hi, Speed" của Apple

Trong sự kiện lần này, Apple cũng có nhắc đến một sự thay đổi lớn để bảo vệ môi trường Trái đất. Đó là, họ sẽ cắt bỏ đi 2 phụ kiện tặng kèm "truyền thống" là củ sạc và tai nghe đối với thế hệ iPhone mới, và đồng thời tuyên bố toàn bộ 100% nguyên liệu đất hiếm sử dụng trong các dòng iPhone 12 đều là tái chế.

Về việc cắt giảm 2 phụ kiện, tác dụng của nó cũng khá dễ hiểu: giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển, giảm lãng phí trong bối cảnh có quá nhiều sạc dư thừa trên thế giới (ước tính lên tới hàng tỉ chiếc, chưa tính hàng tồn kho và sạc từ bên thứ 3).

Nhưng còn đất hiếm thì sao? Có thể bạn chưa biết, thông điệp tái chế đất hiếm 100% của Apple thực chất có nhiều ý nghĩa hơn bạn tưởng.

Đất hiếm - mặt trái của tiến bộ khoa học kỹ thuật

Đất hiếm là một nhóm tài nguyên gồm 17 nguyên tố, đôi khi xuất hiện trong những quặng có chứa uranium (chất phóng xạ). Và trong thời đại của khoa học kỹ thuật, đây là một nguyên tố có vai trò tối quan trọng.

Đất hiếm là nguyên tố quan trọng đối với công nghệ thế giới hiện nay

Phải có đất hiếm, người ta mới có thể sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao, từ smartphone, turbine điện gió, xe điện, pin Mặt trời... cho đến các thiết bị quân sự như hệ thống phóng tên lửa. Do đặc tính dẫn điện và dẫn từ tốt, ứng dụng của đất hiếm trong công nghệ sẽ giúp các thiết bị vận hành trơn tru, mượt mà, mạnh mẽ và cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nếu không có đất hiếm, máy tính của nhân loại có lẽ sẽ mãi mãi ở kích cỡ của một căn phòng, cho đến khi loài người tìm ra một vật liệu khác có tính chất tương đồng.

Gọi là "hiếm", nhưng đất hiếm thực ra cũng không đến nỗi quá khó tìm. Nhóm tài nguyên này được phân bổ rất rộng trong lớp vỏ Trái đất, và bạn có thể tìm thấy dấu vết của chúng ở bất kỳ đâu, thậm chí với số lượng nhiều gấp 2 lần trữ lượng đồng của hành tinh. Nhưng nó vẫn hiếm, ấy là bởi công đoạn chiết tách, điều chế cũng như sản xuất ra nó là cực kỳ tốn kém và độc hại.

Trong 2 thập kỷ qua, gần như chỉ có người Trung Quốc là dấn thân vào ngành công nghiệp này, qua đó chiếm lĩnh thị trường cung cấp đất hiếm trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, đất hiếm xuất phát từ Trung Quốc chiếm đến 71% sản lượng trên toàn cầu tính riêng trong năm 2018. Trong giai đoạn 2014 - 2017, 80% đất hiếm tại Mỹ cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc (báo cáo từ Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ).

Hình ảnh về các quặng khai thác đất hiếm

Ở Mỹ hiện chỉ có một mỏ khai thác đất hiếm tại hạt San Bernardino, nhưng doanh nghiệp đứng sau đã phá sản từ năm 2016. Năm 2018, mỏ tiếp tục hoạt động, nhưng toàn bộ mỏ quặng đều được xuất sang Trung Quốc để xử lý.

Bi kịch một nỗi, việc đầu tư khai thác ấy không đi kèm với công tác bảo hộ tương xứng dành cho môi trường. Các doanh nghiệp khai thác đất hiếm của Trung Quốc trong nhiều năm đã bành trướng rất nhanh, thu được những nguồn lợi khổng lồ, trong khi chi phí bỏ ra thì cực rẻ. Và như một hệ quả tất yếu cho sự khai thác không cân xứng, môi trường đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại các khu vực giàu đất hiếm tại Trung Quốc, nguồn nước và đất đai bị nhiễm độc cực nặng. Cây trồng và vật nuôi chết hàng loạt xung quanh các hồ nước bị nhuộm đen vì bùn thải phóng xạ. Như khu Bao Đầu phía nội Mông Cổ, nơi khai thác đất hiếm ở đây bị ô nhiễm nặng đến mức có thể quan sát được từ vệ tinh vũ trụ. Còn với cư dân sống xung quanh, họ trở thành những ngôi làng ung thư, chết dần chết mòn bởi những chứng bệnh lạ không thuốc nào có thể chữa nổi nữa.

Thế giới không đất hiếm chắc chắn sẽ khủng hoảng

Độc hại là thế, nhưng sự thật thì thế giới của chúng ta đã quá phụ thuộc vào đất hiếm. Giả dụ nếu như Trung Quốc ngưng sản xuất đất hiếm, hoặc không còn xuất khẩu nữa, thế giới sẽ rơi vào một cơn khủng hoảng trầm trọng. Nguồn cung cho công nghệ sẽ không còn nữa, sẽ không còn điện thoại, máy tính mới được sản xuất nữa. Khả năng phát triển công nghệ tái tạo cũng sẽ gặp nhiều cản trở.

Vừa muốn có đất hiếm, vừa giải được bài toán về môi trường, đây là một câu hỏi không dễ để trả lời. Hoặc các doanh nghiệp cần phải đầu tư song song về công tác bảo hộ môi trường khi khai thác đất hiếm, hoặc con người cần sớm tìm ra một vật liệu thay thế cho nó, với tính chất tương tự và hiệu quả ít nhiều phải tương đương.

Hoặc là làm giống như Apple, đó là tái chế 100% đất hiếm dùng trong các thiết bị cũ.

Apple tuyên bố 100% đất hiếm trong iPhone 12 đều là tái chế: Đây là lý do vì sao thông điệp này có ý nghĩa hơn bạn tưởng rất nhiều - Ảnh 4.

Apple tuyên bố 100% đất hiếm trong iPhone 12 sẽ là hàng tái chế

Thông qua các chương trình nhận đổi máy cũ, Apple cho biết họ có thể thu về ít nhất là 32kg đất hiếm cho mỗi 100.000 chiếc iPhone tái sử dụng. Nghe thì có vẻ nhỏ bé, nhưng đất hiếm sử dụng cho công nghệ thực chất chỉ cần một lượng rất nhỏ thôi, vậy nên 32kg là một con số khổng lồ.

"Các nguyên tố như neodymium, praseodymium và dysprosium thường được dùng trong các thỏi nam châm của loa, camera và công nghệ cảm ứng. Thông thường, quy trình tái chế không động đến đất hiếm, vì số lượng là quá nhỏ. Nhưng công nghệ mới đã cho phép chúng tôi thu hồi chúng," - trích trong thông báo của Apple.

Giờ hãy thử tưởng tượng toàn bộ các thiết bị cũ hỏng trên thế giới - bao gồm cả các smartphone Android, tablet, laptop... đều được tái chế một cách tỉ mỉ như vậy. Khi đó, nhân loại không những xử lý được phần nào nguồn cung đất hiếm, mà vấn đề rác thải công nghệ toàn cầu cũng được giảm thiểu. Nếu lần này Apple tạo ra được một trào lưu, thì đó là một trào lưu mà nhân loại thực sự cần phải học hỏi.

Nguồn: BBC, Apple

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,