Mặc dù tính năng Face ID đã được Apple lần đầu sử dụng trên các dòng máy iPhone từ năm 2017, thậm chí là cả trên iPad Pro 2018 mới, thế nhưng đối với các thiết bị máy Mac, Apple vẫn trung thành với việc sử dụng cảm biến vân tay Touch ID cho các phương thức xác thực bảo mật. Tuy nhiên, dựa trên bản macOS Big Sur mới nhất, có vẻ như Apple đang muốn mang Face ID lên các máy Mac trong tương lai nhằm nâng cao khả năng bảo mật.
Theo 9to5mac, họ đã tìm thấy một tiện ích mở rộng trên phiên bản beta 3 của macOS Big Sur cho thấy khả năng hỗ trợ một thứ gọi là "PearlCamera". Nếu bạn còn nhớ thì đây là tên mã mà Apple đã đặt cho cụm camera TrueDepth và Face ID được Apple sử dụng lần đầu trên iPhone X vào năm 2017.
Một số tên mã khác như "FaceDetect" (phát hiện khuôn mặt) hay "BioCapture" (nhận diện sinh học) được tìm thấy trên macOS Big Sure cũng giống hệt với các tên mã được sử dụng trên iOS, gián tiếp xác nhận Apple đang lên kế hoạch tích hợp Face ID lên các máy Mac sắp tới.
Tất nhiên, nếu các thông tin này là xác thực thì Apple mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm của kế hoạch tích hợp Face ID lên máy Mac. Rất có thể trong cuối năm nay, chiếc Mac ARM được Apple ra mắt sẽ là chiếc máy Mac đầu tiên được trang bị công nghệ Face ID mới với cụm camera TrueDepth tích hợp tương tự như trên iPhone.
Hiện tại, mới chỉ có các mẫu MacBook Air và MacBook Pro là được Apple trang bị công nghệ bảo mật Touch ID tích hợp lên bàn phím của máy. Việc trang bị thêm công nghệ Face ID sẽ khiến người dùng tiện lợi hơn trong quá trình sử dụng máy tính như mở khóa màn hình hay xác thực thanh toán.
Face ID cũng rất phù hợp đối với các thiết bị iMac bởi iMac không có bàn phím mà chỉ là một chiếc màn hình, thêm nữa Touch ID phụ thuộc vào con chip bảo mật T2 nên Apple cũng không thể trang bị nó lên bàn phím Magic Keyboard không dây được. Do đó Face ID sẽ là một giải pháp tuyệt vời xét về yếu tố bảo mật trên các thiết bị iMac.
Thêm một lý do nữa cho thấy các máy Mac ARM trong tương lai sẽ được trang bị Face ID là công nghệ Neural Engine, vốn là một phần không thể thiếu trên các con chip Apple A hiện nay. Công nghệ này là nền tảng để Face ID có thể hoạt động được bởi nó có khả năng phân tích các chi tiết trên khuôn mặt của người dùng bằng các phương pháp máy học chỉ trong một phần rất nhỏ của một giây. Cho tới nay, chưa một thiết bị Mac nào hiện tại được tích hợp công nghệ này. Một khi Apple trang bị các con chip "nhà trồng" lên máy Mac, giải pháp về Neural Engine sẽ được hoàn tất.
Đây sẽ là một phần trong quá trình chuyển đổi từ hệ chip của Intel sang chip ARM của Apple. Apple cho biết quá trình này sẽ mất ít nhất 2 năm, và cho tới khoảng thời gian đó, một hệ sinh thái đồng nhất giữa các thiết bị của Apple sẽ chính thức được khai sinh một cách hoàn chỉnh nhất.