01
Trong một lần lướt mạng xã hội, Nam (29 tuổi) bắt gặp một câu chuyện cười khiến anh thấy tâm đắc: "Nhà vừa nghèo, vừa xấu, chỉ cao 1m69, văn hóa đại học, tài khoản cấp 3. Chưa mua ô tô nên chưa dám cầm tay ai". Nghe có vẻ như một trò đùa, chỉ để giải trí.
Nhưng nhìn kỹ lại, Nam thấy buồn bởi điều này nói lên thực trạng của rất nhiều chàng trai trạc tuổi anh. Tốt nghiệp bình thường rồi đi làm ở thành phố hạng nhất với mức lương bèo bọt, chưa kể tiền thuê nhà, điện nước rồi tiền xe di chuyển, tiền ăn,... có quá nhiều khoản cần phải chi trả. Trong khi đó nếu muốn kết hôn phải có nhà lầu, xe hơi. Thế nhưng Nam hiểu rằng dù lấy tiền dành dụm cả đời cũng chỉ đủ tiền đặt cọc nhà ở thành phố lớn.
Nam cho hay anh từng biết một anh bạn đã chia tay người yêu vì không muốn kết hôn. Nam biết người bạn ấy đã dành rất nhiều tình cảm cho nửa kia, thậm chí từng vì cô gái ấy mà cãi nhau to với bố mẹ. Thế nhưng họ vẫn đường ai nấy đi, cảm thấy tiếc nuối cho cuộc tình, Nam hỏi tại sao không thể tiếp tục, người bạn đó đáp: "Tôi chỉ có mấy trăm nghìn tiền đặt cọc trong tay. Làm sao lấy vợ được? Tôi không thể để bố mẹ lo tiền mua xe mua nhà. Họ già rồi, phải giữ chút ít. Em trai tôi vừa mới vào đại học, và họ phải trả tiền cho nó ăn học".
Nghe xong Nam chỉ biết thở dài nhưng cũng buộc phải thừa nhận, xã hội hiện tại có nhiều yêu cầu quá cao đối với đàn ông. Phần đông sẽ chẳng quan tâm người đàn ông ấy nấu ăn ngon thế nào, tính cách trưởng thành, quan tâm ra sao mà họ chỉ muốn biết về năng lực kiếm tiền của người đó.
Vì vậy Nam cũng như nhiều chàng trai khác, phải thực tế hơn khi nghĩ đến chuyện kết hôn chứ lúc đó mọi thứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở tình cảm. Có đôi khi đã rất muốn lấy vợ nhưng nếu không chịu được áp lực tài chính khi kết hôn, các chàng trai sẽ suy nghĩ mà không có phản hồi hay thậm chí là trốn tránh ngay.
Nam nói: "Trong tiềm thức của chúng ta, ai cũng mong rằng đàn ông có thể mạnh mẽ, vững vàng để kiếm tiền nuôi gia đình. Chuyện kinh tế và nhiều khía cạnh trong hôn nhân đều căng thẳng đối với đàn ông, vì vậy không thể đổ lỗi cho việc họ sợ kết hôn".
02
Minh (28 tuổi) kiên quyết không nói về chuyện kết hôn trong nhiều năm. Thấy vậy, bố mẹ anh cũng cố gắng tìm kiếm cho tôi những người phù hợp và thuyết phục tôi đi xem mắt. Thế nhưng trong tất cả những người Minh gặp, họ đều bắt đầu cách trò chuyện khá giống nhau. Sau màn chào hỏi, điều đầu tiên họ quan tâm đấy là điều kiện tài chính của Minh. Điều này khiến anh cảm thấy vô cùng áp lực, ngột ngạt và không muốn bước vào mối quan hệ.
Hay trong một lần khác, Minh vô tình nghe được đoạn trò chuyện. Theo đó, hội bạn đang khuyên một cô gái chia tay chàng trai hiện tại bởi điều kiện kinh tế của anh ta chỉ ở mức bình thường. Họ cho rằng, con trai khi muốn kết hôn không chỉ cần có nhà thành phố mà phải có một số dư tài khoản lớn, sự nghiệp vững chắc và thăng tiến trong công việc.
Đó cũng là những áp lực đè nặng khiến Minh không bao giờ nói về việc lấy một ai đó làm vợ. Minh nói: "Những kì vọng về tài chính, kinh tế giống như một ngọn núi đang đè hẳn lên tôi. Mặc dù tôi là một người làm công ăn lương bình thường hoặc cũng có thể nói thu nhập khá hơn so với mặt bằng chung nhưng khi ở một mình, tôi sống thoải mái mà không phải lo lắng về thế chấp, vay tiền mua ô tô hay những chi phí khi kết hôn, có con. Nhưng một khi bắt đầu chuẩn bị cho hôn nhân, tất cả những điều này sẽ phải được tính đến".
Không hẳn không có tiền thì không lấy được vợ nhưng vì không đủ tài chính khiến các chàng trai như Minh cảm thấy bất an, lo sợ không gánh nổi trách nhiệm, không mang lại hạnh phúc cho người con gái mình yêu nên chủ động xa rời hôn nhân, không muốn lập gia đình.
03
Ở độ tuổi 25, Trung đã cảm thấy rõ những áp lực khiến anh không muốn kết hôn.
Đầu tiên là áp lực xã hội. Trung cho biết, đó là một công việc, một sự nghiệp. "Một người đàn ông cần có rất nhiều trách nhiệm tại nơi làm việc. Với những ai làm IT giống như tôi, thường quá bận rộn thì làm sao có thời gian hẹn hò và vun đắp mối quan hệ?", Trung tự hỏi.
Cũng có nhiều người làm kinh doanh riêng, trong giai đoạn lao động vất vả, không còn dư thời gian và sức lực để tính đến chuyện tình cảm. Hoặc họ sẽ chỉ tính đến việc lập gia đình nếu sự nghiệp của họ thành công. Nhưng đối với hầu hết mọi người, khó có thể thành công, vì vậy càng ít thành công, họ càng không muốn kết hôn, đây cũng là một tâm lý bình thường.
Áp lực thứ hai với Trung là áp lực cuộc sống, kinh tế. Nếu tài chính khá giả, có thể mua nhà mua xe, có một khoản tiền tiết kiệm nhất định sẽ không cảm thấy quá áp lực với việc kết hôn. Nhưng ở thời đại bây giờ, thật khó để kết hôn khi tài chính chưa vững.
Trung vẫn cảm thấy kinh tế là vấn đề căng thẳng nhất và cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều chàng trai sợ kết hôn.
Theo Sohu, Zhihu, 163