Ant đứng trước thương vụ IPO lịch sử, cuộc chiến giữa đế chế của Jack Ma và Tencent leo thang

Linh Anh | 03-09-2020 - 19:27 PM

(Tổ Quốc) - Đằng sau thương vụ IPO có thể đưa Ant đứng ngang hàng với các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới, cuộc chiến với đối thủ truyền kiếp Tencent sẽ khiến niềm hân hoan không thể kéo dài.

Hồ sơ IPO của Ant Group cho thấy họ đang muốn huy động khoảng 30 tỷ USD trong phiên IPO kép tại Hồng Kông và Thượng Hải. Với 711 triệu người dùng và chi tiêu 17.000 tỷ USD, Ant đang hướng tới màn ra mắt ấn tượng nhất thế giới. Doanh nghiệp này có thể được định giá tới 225 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi những hào nhoáng từ thương vụ IPO lịch sử lắng xuống, viên ngọc quý trong đế chế của Jack Ma sẽ phải đối mặt với những thách thức từ đối thủ truyền kiếp Tencent, vốn đang lấn sân ngày càng mạnh sang các lĩnh vực khác, từ thanh toán đến quản lý tài sản.

Hai tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, Alibaba và Tencent, đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu trong mọi lĩnh vực trực tuyến, từ giải trí xã hội đến thương mại điện tử và điện toán đám mây. Chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc chiến là kiểm soát các phương tiện mà 1 tỷ người dùng Trung Quốc sử dụng để tiêu tiền trực tuyến.

Ant và WeChat đang cạnh tranh mạnh mẽ với nhau trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến. Dù đứng trước thương vụ IPO đình đám nhưng Ant phải cảnh giác với hệ sinh thái rộng lớn của Tencent. Việc không để mất quá nhiều thị phần trong các ngành quan trọng của thanh toán trực tuyến, chẳng hạn như gọi xe, giao ồ ăn và bán lẻ ngoại tuyến, là chìa khóa quan trọng.

Ant đứng trước thương vụ IPO lịch sử, cuộc chiến giữa đế chế của Jack Ma và Tencent leo thang - Ảnh 1.

Ngoài ra, Tencent có một lợi thế khác so với Ant chính là WeChat. Nó là diễn đàn ảo cho hơn 1 tỷ người Trung Quốc với hàng triệu ứng dụng chơi game và tiêu dùng mà họ sử dụng hàng ngày. WeChat Pay của nó là chất bôi trơn cho hệ sinh thái thanh toán và phần mềm độc lập kết nối người mua với cả những tên tuổi lớn như Walmart và Didi Chuxing cũng như những người bán lẻ trên khắp đất nước.

Tencent chỉ mất có 5 năm để tạo ra một thị phần khổng lồ trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến trị giá 36.000 tỷ USD ở Trung Quốc. Từng chiếm ¾ thị phần thanh toán di động ở Trung Quốc, Alipay hiện đang chiếm thị phần 55% còn Tencent tăng lên 39%.

"Tencent và Ant đang trong một cuộc chiến tàn khốc nhằm thu hút lưu lượng người dùng và người truy cập. Họ không chỉ xây dựng các tuyến phòng thủ với thị phần của mình mà còn liên tiếp tấn công thị phần của đối thủ. Nếu bạn thua ở một nơi, bạn sẽ phải cố gắng bắt kịp ở một nơi khác", Ken Yan, chuyên gia phân tích tại DZT Research có trụ sở ở Singapore, cho hay.

Giờ đây, Tencent đang tìm cách thu hút những người bán hàng và thương hiệu khỏi các thị trường trực tuyến của Alibaba bằng cách xây dựng một dịch vụ thương mại điện tử trên ứng dụng WeChat của mình. Nó đang đẩy mạnh cuộc chiến trong lĩnh vực thanh toán, thu hút lưu lượng truy cập đặc biệt là từ các công ty đang cạnh tranh với hệ sinh thái rộng lớn của Alibaba.

Cũng vì lý do đó, các nhà đầu tư lớn nhất của Tencent đã tập hợp lại với nhau. Tháng trước, gã khổng lồ trong lĩnh vực giao thực phẩm Meituan Dianping đã ngừng chấp nhận việc thanh toán bằng Alipay. Nhà bán lẻ trực tuyến số 2 Trung Quốc JD.com cũng loại Alipay ra khỏi phương thức thanh toán từ lâu và chuyển sang sử dụng hệ thống nội bộ và WeChat Pay.

Cao Lei, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Thương mại Điện tử Trung Quốc ở Hàng Châu, cho biết: "Một số đối thủ cạnh tranh của Alibaba đã loại bỏ Alipay ra khỏi nền tảng của họ vì muốn bảo mật dữ liệu và thông tin kinh doanh của riêng mình. Điều đó lại mang đến lợi thế cho Tencent".

Ngày nay, việc ra đường ở Trung Quốc dễ dàng hơn rất nhiều nhờ Alipay và WeChat thay vì mang một chiếc ví đầy tiền. Nhưng trở lại năm 2004, Alipay được tạo ra để giải quyết vấn đề niềm tin trong những ngày đầu của kỷ nguyên mua sắm trực tuyến. Nó chỉ thực sự bùng nổ cùng với làn sóng của Thương mại điện tử.

Ant đứng trước thương vụ IPO lịch sử, cuộc chiến giữa đế chế của Jack Ma và Tencent leo thang - Ảnh 2.

Sự nổi lên của WeChat là câu chuyện khác. Ứng dụng nhắn tin của Tencent đã ra mắt chức năng thanh toán vào cuối năm 2014 và bắt kịp bằng cách số hóa truyền thống lì xì bằng tiền mặt kéo dài nhiều thế kỷ ở Trung Quốc. Việc liên kết với tài khoản ngân hàng, cho phép gửi tiền cho bạn bè thông qua WeChat trong dịp tết của WeChat từng khiến Alipay phải vất vả và tốn kém để theo kịp.

Hiện nay, Ant được kỳ vọng sẽ phát triển ra ngoài lĩnh vực Fintech. Sự cạnh tranh gay gắt từ Tencent là một trong những lý do. Thay vào đó, Ant muốn trở thành một siêu ứng dụng. Bất chấp sự thống trị của Tencent trong lĩnh vực truyền thông và tiêu dùng hàng ngày, Ant vẫn lão luyện hơn trong hoạt động sinh lời cao nhất của cả 2 công ty: Các dịch vụ tài chính.

Là kẻ gây rối với các ngân hàng truyền thống, vốn được bảo vệ kỹ lưỡng ở Trung Quốc, cả Alipay và WeChat đều đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngắn hạn, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác với khả năng tiếp cận dễ dàng và ưu đãi hấp dẫn hơn nhiều. Cho vay trực tuyến nhằm vào đối tượng khách hàng là người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ đã vượt thanh toán di động để trở thành nguồn thu lớn nhất của Ant, chiến 39% trong tổng số 10,5 tỷ USD doanh thu trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, sự gắn bó của WeChat với hệ sinh thái khổng lồ mà Tencent tạo lên khiến nó trở thành một đối thủ đáng gờm. Dẫu vậy, nó cũng là hạn chế trong quá trình mở rộng các dịch vụ liên quan đến tài chính như Alipay đã làm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM