Ra mắt vào tháng 12/2022, PS5 được coi là một trong số những mẫu máy chơi game có kích thước lớn nhất mọi thời đại của ngành game. Theo đó, việc PS5 trang bị một con chip được phát triển trên tiến trình 7nm với hiệu năng mạnh sẽ dẫn đến hiện tượng nhiệt lượng tỏa ra tăng cao.
Điều này buộc Sony phải tích hợp bộ phận tản nhiệt (như quạt tản nhiệt có kích thước lớn nhầm đảm bảo độ bền bỉ của máy, cũng như hạn chế bớt nhiệt độ của máy khi chạy các game có đồ họa nặng. Đây là lý do vì sao kích thước của PS5 thuộc hàng lớn nhất so với các mẫu máy chơi game trên thị trường.
Tất nhiên, với những game thủ cảm thấy khó chịu vì kích thước của PS5, hầu hết trong số họ đều mong chờ sự xuất hiện của phiên bản Slim của PS5, mang tới sự gọn nhẹ hơn, với thiết kế mới hơn. Đây được coi là 'truyền thống' của các dòng PlayStation, khi Sony đều ra mắt các phiên bản thiết kế lại khi mẫu console đi vào gần giữa vòng đời.
Tuy nhiên, khi Sony còn chưa kịp chính thức ra mắt PS5 Slim, một Youtube công nghệ nổi tiếng mới đây đã tự mình tạo ra một phiên bản PS5 có kích thước 'siêu mỏng' đến khó tin. Matt Perks, vốn được biết đến với tên gọi DIY Perks trên Youtube với các video tự 'vọc vạch' đồ công nghệ, đã dành ra một lượng lớn thời gian và công sức để biến độ dày của chiếc PS5 nguyên bản từ gần 4 inch xuống còn dưới 1 inch.
Theo như hình ảnh được DIY Perks hé lộ trong đoạn video của mình, chiếc PS5 phiên bản Slim 'tự chế' này có bề ngoài khá hiện đại và góc cạnh, với lớp vỏ bằng đồng màu nâu cực kỳ bắt mắt. Mặc dù có kích thước cực mỏng, bên trong chiếc PS5 Slim này vẫn tích hợp đầy đủ các bộ phận chính như bo mạch chủ, SoC của AMD (gồm CPU 8 nhân và GPU sử dụng kiến trúc RDNA 2) cũng như các linh kiện khác như RAM, ổ SSD.
Tuy nhiên, DIY Perks đã quyết định lựa chọn giải pháp tái bố trí bộ nguồn (hay PSU, được tích hợp bên trong máy) và các thiết bị tản nhiệt của PS5. Thực tế, đây được coi là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất khi DIY Perks 'độ chế' PS5 Slim của riêng mình.
Sử dụng tản nhiệt nước, đưa PSU ra gắn ngoài
Thông thường, kích thước của các thiết bị điện tử càng mỏng, nhẹ, lượng nhiệt tỏa ra càng nhiều thêm, đặc biệt là khi chúng tá cố nhồi nhét các linh kiện vào một không gian nhỏ. Tương tự, chúng ta cũng không thể tích hợp thêm hệ thống tản nhiệt cỡ lớn vào các thiết bị chơi game có kích thước mỏng vì khó có thể lắp đặt vừa vặn. Điều này đặt ra một bài toán cho DIY Perks: Làm sao vẫn giũ cho kích thước của chiếc PS5 mỏng nhất có thể, đồng thời vẫn phải đảm bảo hiệu năng tản nhiệt, giữ cho máy hoạt động mát mẻ và êm ái.
Như đã đề cập đến ở trên, phần lớn độ dày của PS5 đến từ việc bố trí PSU và hệ thống tản nhiệt cỡ lớn bên trong. Để giảm kích thước của máy, DIY Perks đã tích hợp cả 2 bộ phận trên theo dạng gắn ngoài.
Đầu tiên, hệ thống tản nhiệt hiện có của PS5 được thay thế bằng một hệ thống tản nhiệt nước tùy chỉnh với khả năng làm mát hiệu quả hơn so với giải pháp gốc của Sony. Giống như các hệ thống tản nhiệt nước trên PC, nó cũng bao gồm các bộ phận như bình chứa dung dịch làm mát, block (hay tấm ốp, tấm dẫn nhiệt, là nơi tiếp xúc với các bộ phận cần làm mát), máy bơm, két làm mát, quạt, ống nước .v.v.
Ngoài CPU, một số tấm dẫn nhiệt cũng được gắn vào các linh kiện như SSD và mạch nguồn trên bo mạch chủ của PS5 để giảm nhiệt lượng tỏa ra trong quá trình hoạt động.
Với riêng PSU, phiên bản Slim của một số mẫu PlayStation trước đây vẫn tích hợp cục nguồn bên trong máy. Tuy nhiên, chúng thường có kích thước nhỏ gọn hơn, do Sony đã thực hiện việc tối ưu để giảm mức điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, phương án này không khả thi với các đối tượng người dùng thích 'vọc vạch' máy móc như DIY Perks.
Thay vào đó, DIY Perks đã đi theo phương án của các mẫu PS2 hoặc PS One phiên bản Slim, bằng cách tạo ra một bộ nguồn gắn ngoài.
Khá thú vị, trong quá trình chạy thử chiếc PS5 độ chế của mình, DIY Perks đã gặp phải một sự cố ngoài ý muốn. Bộ phận làm mát và cấp nguồn bên ngoài do không được đặt cẩn thận đã bị đổ úp xuống đất, vô tình chặn chặn luồng không khí cần hút vào để làm mát PS5. Kết quả, bo mạch của PS5 đã ngay lập tức bị 'nướng chín' trong quá trình thử nghiệm. Chỉ sau khi thay bằng một bo mạch chủ mới, chiếc PS5 Slim 'độ chế' đã hoạt động một cách bình thường.
Đáng chú ý, nhờ sử dụng hệ thống tản nhiệt nước, nhiệt lượng tỏa ra khi hoạt động của chiếc PS5 đã được modding này ít hơn rất nhiều so với chiếc PS5 bản gốc.
Cụ thể, nhiệt độ của SoC của PS5 Slim chỉ khoảng từ 46 đến 65 độ C (khi chạy game nặng). Trong khi đó, nhiệt độ khi hoạt động của linh kiện này trên bản gốc có thể lên tới 75 độ. Tương tự, nhiệt độ đo được ở phần RAM và VRM của máy cũng thấp hơn gần 1 nửa so với bản PS5 nguyên bản.
*Xem video Youtuber tự chế PS5 Slim đầu tiên trên thế giới, ngoại hình đã đẹp lại còn mát