8 năm về chung một nhà, chỉ có 2 năm gia đình Đan Lê ở Hà Nội ăn Tết. Đó là thời gian cô mang thai và sinh nở hai bé Khải Minh, Khải Nguyên. Những năm còn lại, vợ chồng con cái cùng bà ngoại đưa nhau đi du lịch. Không phải là trốn Tết, chỉ là “chơi Tết” ở một nơi xa. Tết trở thành kỳ nghỉ lễ thực sự và trọn vẹn, là sum vầy, đoàn viên, thức dậy cùng nhau, lang thang cùng nhau, và hoàn toàn nghỉ ngơi bên nhau.
Như mọi cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng khác, diễn viên Đan Lê và đạo diễn Khải Anh chưa bao giờ có những ngày cuối năm thảnh thơi. Hằng năm, cứ đến tầm 29, 30 Tết, Đan Lê mới bắt tay vào dọn dẹp cửa nhà và đi chợ Tết. Nhưng gọi là đi chợ chứ đa phần những gì cần chuẩn bị cô đã được mua dần trước đó mỗi dịp tiện lợi. Nhà lại có người phụ việc nhà, có bà ngoại quán xuyến trông nom nên Đan Lê không mấy tất bật. “Mà mình cũng không để cho bản thân phải tất bật vì Tết”, nữ diễn viên bật cười.
Đan Lê bảo, chỉ cần có cành đào, có bình ly và một lẵng cát tường mà chiều 30 mới có thời gian đi mua là đủ rước xuân về nhà. Hoa mua ở Nghi Tàm, ở chợ Mơ hay ở bất cứ đâu nếu thấy đẹp và tiện. Nhà cửa có thời gian thì dọn dẹp kỹ lưỡng, không có thời gian thì tìm người giúp. Đồ ăn nếu có thời gian thì tự tay làm, không có thời gian thì tìm những địa chỉ uy tín để đặt hàng. Thế là Tết vẫn có đủ.
“Tính mình rất thích dọn dẹp nhà cửa. Trước Tết là cứ moi móc gầm bàn gầm tủ, lau chùi đồ đạc cửa giả, sách vở ở tít trên giá cao cũng phải lôi xuống, lau từng cái bìa rồi cất lên. Cũng có năm không làm được vì nhiều lịch quá thì cũng thôi.
Nhưng Đan Lê không bị áy náy nếu không dọn được cái nhà. Điển hình như năm ngoái sửa nhà, đến 28 Tết vẫn chưa đâu vào đâu, cả gia đình dọn đồ về ở tạm đón Tết trong căn nhà không có cửa. "Cũng không sao cả, Tết nhất không thể vì chuyện nhà cửa không rực rỡ mà mất vui”.
Cái Tết trong nhà Đan Lê thay đổi theo từng năm tháng. Thời thơ ấu còn thiếu thốn, Tết là mùi của nồi bánh chưng bập bùng, là mứt bí, mứt cà chua do mẹ cô tự tay làm, là nỗi háo hức được ăn bò kho, thịt đông, bao nhiêu tinh túy dồn vào Tết cả. Còn Tết của hôm nay, chuyện ăn uống cúng lễ theo tập tục cũng được giản lược cho phù hợp với lối sống hiện đại.
“Chiều 30 là bữa cơm đoàn viên. Sáng mùng Một về nhà nội, gặp mặt đầy đủ họ hàng, lì xì ông bà và trẻ nhỏ, ăn bữa cơm đầu năm, quây quần chúc mừng năm mới. Với mình, Tết như vậy là đủ. Vẫn trọn vẹn không khí sum vầy, rộn ràng đầm ấm. Bố chồng mình là trưởng, rất truyền thống nhưng không cổ hủ. Ông cũng đi du lịch Tết với gia đình của ông”, Đan Lê chia sẻ.
Dù giản tiện đi chuyện “ăn” Tết nhưng Đan Lê không xuề xòa. Mọi thứ cô đều thu xếp để chỉn chu, đầy đặn theo nếp nhà. Thường Đan Lê sẽ đặt sẵn bánh chưng và giò, còn lại các món ăn chuẩn bị dần dần từ sau 23 tháng Chạp. Nem thì cuốn và rán sơ từ sớm, đóng hộp bỏ tủ lạnh. Thịt đông, bò kho cũng được nấu từ sáng 30.
“Nhưng nếu năm nào quá bận rộn, mình nghĩ mình đặt nhà hàng cũng không sao. Giờ có nhiều nơi nấu cỗ Tết ngon và đảm bảo, thậm chí còn ngon hơn mình nấu. Chỉ cần biết tìm hiểu và lựa chọn, phụ nữ sẽ rất nhàn nhã, thảnh thơi chơi Tết mà không phải là tăng ca ngày Tết, nấu Tết, ăn Tết”, Đan Lê cho hay.
Nữ diễn viên bày tỏ, quan trọng nhất vẫn là phụ nữ được “nghỉ Tết” theo cách mà họ cảm thấy yêu, thấy hào hứng và hạnh phúc. “Có nhiều người phụ nữ yêu thích việc dọn dẹp, nấu nướng. Với họ, được vào bếp bày biện cỗ bàn ngày Tết là niềm đam mê, là thư giãn, xả stress thì hãy ủng hộ họ.
Còn nếu việc nấu nướng, dọn dẹp ngày Tết là mỗi nỗi khổ sở, vất vả thì hãy cố gắng giản tiện đi, làm đơn giản thôi, đừng tự làm khổ mình đừng áp đặt suy nghĩ, sở thích của mình lên người khác và cũng đừng nhìn người khác mà tự gây áp lực cho mình. Tết như thế thì còn gì là vui nữa. Muốn vui thì phụ nữ phải tự giải phóng mình”.
Còn với riêng Đan Lê, niềm vui ngày Tết là được nghỉ ngơi bên gia đình. Chỉ cần ở bên ông xã, hai con và mẹ thì trước Tết, trong Tết hay sau Tết đều là những ngày vui.
Đan Lê tự nhận mình là kiểu phụ nữ đơn giản và thực tế. Ngày Tết với gia đình cô không phải dịp để thực hiện các nghi thức tâm linh, phong tục tinh thần. Đó thực sự là một kỳ nghỉ quý giá mang tính đoàn tụ sau cả một năm bận bịu và thường xuyên phải xa nhau do đặc thù công việc của hai vợ chồng.
“Tất nhiên, Tết vẫn phải đúng là Tết, không phải Noel hay Giáng sinh”, Đan Lê cười bảo. Dù bận rộn tới đâu thì tới chiều 30, cô cũng thu xếp lại mọi việc. Đó cũng thường là lúc đạo diễn Khải Anh tạm gác lịch quay phim để trở về nhà.
Mâm cơm tất niên nhà Đan Lê vì thế cũng chỉ diễn ra khi trời đã tối. Nhưng làm gì thì làm, sau bữa ăn đoàn tụ khép lại một năm dài, Đan Lê sẽ đi đun nồi nước lá mùi thật lớn. Mớ lá cô đã mua từ lúc chiều, đã ngồi cả giờ tỉ mẩn nhặt cho sạch những cọng rơm lủn mủn lẫn những tấm lá úa và rửa sạch.
Rồi cô sẽ khệ nệ bê nồi nước mở hé vung đi khắp các phòng xông cho thơm lừng trước khi mang vào nhà tắm, múc từng gáo ra pha với chậu nước ấm, để nguội bớt rồi tắm táp cho hai đứa trẻ. Người lớn trong nhà cũng được hưởng vài gáo nước mùi già để rửa mặt và tắm tráng.
“Bọn trẻ rất hào hứng với cái nếp ấy vào tối 30, rất thích được tắm nước lá mùi. Mấy năm gần đây người ta bán hạt mùi rồi gói lá tắm xông rất tiện, có năm mình cũng mua sẵn vì không có thời gian. Nhưng nếu thư thả thì mình vẫn thích đi chợ mua lá tươi. Còng lưng ngồi nhặt mớ lá là lúc rất thư giãn, rất Tết”, Đan Lê tâm sự.
Đan Lê bảo, cô không quá quan trọng chuyện trang hoàng, mua sắm hay ăn uống ngày Tết. Nhưng mẹ ruột Đan Lê, bà ngoại của Khải Minh - Khải Nguyên, thì ngược lại với con gái. Là mẫu phụ nữ truyền thống của thế hệ trước, bà chỉn chu đến cầu kỳ trong việc “ăn Tết”. “Mẹ mình nếu đón Tết ở nhà thì 6 ngày Tết ngày nào cũng 1 ngày 3 mâm cơm cúng đủ sáng trưa tối. Chỉ mỗi ăn không là đã đủ choáng váng”.
Đan Lê bảo, mẹ cô vốn có tính kỹ lưỡng và cầu toàn trong việc giữ gìn nếp nhà. Theo quan điểm của bà, ngày Tết mình ăn bữa nào thì phải mời các cụ ăn bữa đó. Đồ cũng thì không được phép là đồ cũ, cũng không được qua loa, đại khái. Bà đã dọn mâm cỗ cúng là luôn mâm cao cỗ đầy, chan hòa đầy đặn.
“Riêng gạo đã ba loại là bánh chưng, xôi, cơm. Canh cũng ba loại là canh măng, canh khoai, canh rau. Rồi 1 đĩa xào, một đĩa gà, 1 đĩa tôm, 1 bát bò kho, 1 bát thịt đông. Ngày nào cũng từng đó thứ thái ra, thắp hương, hạ lễ, ăn đủ ba bữa.
Nhà neo người nên có khi mâm cơm dọn ra rồi lại dọn vào, đồ ăn lúc nào cũng chất đầy trong tủ lạnh. Mình lại không được bỏ thức ăn thừa, nghĩ là phải tội nên toàn phải cố ăn cho hết. Mà muốn bà giản tiện đi cũng không được.
Bà nghĩ ở nhà bà phải làm gương, không xuề xòa được vì còn con cháu nhìn vào. Mỗi thời truyền thống lại rơi rớt đi một tí, nếu mình không đầy đặn chỉn chu thì sau này con cái cháu chắt mình lại mai một đi nhiều phần nữa”, Đan Lê thổ lộ.
Sau nhiều năm thấy mẹ vất vả với cái Tết mà cả nhà cũng vất vả để “ăn” cho hết Tết, Đan Lê quyết định sẽ đưa cả nhà đi chơi. Một phần để tận dụng kỳ nghỉ hiếm hoi đông đủ cả nhà, một phần để giải tỏa áp lực cho mẹ cô.
Vẫn giữ đúng tập quán ăn Tết, vẫn mâm cơm tất niên chiều 30, mâm cỗ đón giao thừa và thăm hỏi họ hàng nội ngoại, đoàn viên sáng mùng Một, vẫn thắp hương mời cơm ông bà Tổ tiên, vẫn hoa đào, bánh chưng, canh măng, canh miến. Khi mọi sự đã hòm hòm, cả nhà Đan Lê lên đường đi “chơi Tết” ở một nơi xa. Cô tin rằng: “Tết chỉ đúng là Tết khi cả nhà đều vui, được thư giãn và nghỉ ngơi hoàn toàn bên nhau”.
Đan Lê bảo, không phải chờ đến Tết thì cô mới được vui. “Tết chỉ là dịp để vui theo một cách khác”. Do đặc thù công việc, rất hiếm khi gia đình Đan Lê thu xếp đi du lịch được đông đủ cả nhà. Duy có Tết là hai vợ chồng đều nghỉ, không còn dịp nào thuận tiện hơn để “thức dậy cùng nhau ở một nơi xa”.
Thường thì Đan Lê là người lên kế hoạch cho chuyến đi, từ chọn điểm đến, chọn lịch trình, đặt khách sạn, mua vé máy bay, sắm sửa tư trang… Nơi yêu thích của cả gia đình là các vùng biển đẹp và ấm, nơi mà lũ trẻ được thỏa thuê nô đùa, nghịch cát, tắm biển và ăn ngon.
Tuy nhiên, Đan Lê bảo cô chỉ lo kế hoạch tổng thể, còn khi máy bay hạ cánh, mọi chuyện được giao lại cho ông xã Khải Anh, “còn mình lúc ấy chỉ chơi thôi, không lo nghĩ nữa”. Đi đâu, ăn gì, thu xếp ra sao cô tình nguyện được ông xã sắp đặt và… phục vụ.
Cô bảo cô không sợ ông xã không khéo léo, cũng không lo lắng chỗ này chỗ kia không có gì hay ho, hoặc nhà hàng này quán ăn nọ dở tệ. “Đi chơi có xa một chút, có mệt một chút cũng không sao, ăn uống có đơn giản cũng không vấn đề gì. Mình muốn đi chơi cùng nhau và làm được điều đó là vui rồi. Mình phải biết tận hưởng tối đa. Mà muốn vậy thì không nên kỳ vọng, không nên cầu toàn”.
Những năm đưa nhau đi du lịch Tết, gia đình Đan Lê đã cùng nhau tận hưởng Phú Quốc, Nha Trang… và rất nhiều vùng miền trên cả nước. Các con đang lớn dần lên, Đan Lê bảo cô sẽ mở rộng hơn các điểm đến trong kỳ nghỉ Tết của gia đình. Thay vì du lịch nghỉ dưỡng thì có thể là du lịch khám phá, thay vì mẹ chọn giúp cả nhà thì có thể là các con tự chọn, tự lên kế hoạch. Đi đâu cũng được miễn là đi cùng nhau.
Để ngày Tết, dù là lúc đang ở trong ngôi nhà quen thuộc thoang thoảng hương hoa ly len lỏi từ ban công qua cánh cửa mở hé hay là lúc đang nằm dài trên võng ngắm trời xanh, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, thảnh thơi nghe tiếng cười đùa giòn tan của các con, luôn là những khoảnh khắc của đoàn tụ, thư giãn và bình yên.
Location: Bancong
Áo dài: Áo dài lá