Từ thiết bị bay không người lái, xe cứu hỏa tới những biện pháp "kì lạ" hơn như gõ, đập các đồ dùng và bật nhạc âm lượng lớn, Ấn Độ đang thử đủ mọi cách có thể để đối phó với cuộc tấn công của hàng triệu con châu chấu sa mạc khiến những người nông dân của nước này khốn đốn, theo Reuters.
"Từ trước đến nay, chúng tôi chưa từng chứng kiến điều gì tương tự như những gì đã và đang xảy ra trong vòng 6 tháng qua ở Ấn Độ...", ông Bhagirath Choudhary, Giám đốc trung tâm Công nghệ Sinh học Nam Á tại New Delhi, cho biết.
Khi những người nông dân Ấn Độ chỉ vừa mới thoát được dịch châu chấu bùng phát cuối năm ngoái, thì họ lại phải hứng chịu một đợt tấn công mới, dữ dội hơn, xảy ra vào cùng thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành và nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề do những lệnh hạn chế để chống dịch.
Lệnh phong tỏa được chính phủ Ấn Độ ban bố hồi cuối tháng 3 vừa qua đã đẩy hàng triệu người dân lâm vào cảnh đói nghèo, khi họ mất đi việc làm và nguồn thu nhập. Những người nông dân cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề khi họ không thể thu hoạch, xử lý, đóng gói và vận chuyển các mặt hàng nông sản của mình do thiếu lao động và những khó khăn về hậu cần.
Dịch châu chấu mới đây nhất tại Ấn Độ được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, khi có đến 7 tiểu bang phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng khiếp của loài côn trùng này.
Lần gần đây nhất quốc gia này bị châu chấu tấn công trên diện rộng là năm 1993, khi những cơn mưa lớn tạo ra môi trường thuận lợi để loài côn trùng này sinh sản tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan.
Thông thường, châu chấu thường tấn công vào những khu vực quanh biên giới hai nước Ấn Độ và Pakistan, và rất hiếm khi di chuyển sâu hơn vào vùng trung tâm hay những khu vực ít khô hạn hơn của Ấn Độ.
Chính vì vậy, dịch châu chấu trên diện rộng năm nay đã khiến nhiều người dân Ấn Độ, đặc biệt là những người nông dân, hết sức bối rối. Họ đã phải thử đủ mọi cách để xua đuổi châu chấu, từ chuyện tự chế máy kéo phun thuốc diệt côn trùng, gõ xoong nồi để tạo tiếng động mạnh, tới đốt pháo hoa hay mở nhạc âm lượng lớn ở giữa những cánh đồng của họ.
Đàn châu chấu ở Rajasthan
.vcc-media-unit.type3 { width: 100%; display: inline-block; border-left: solid 6px #0e1c63; padding-left: 10px; text-align: left; } .vcc-media-unit.type3 p { line-height: normal !important; } .vcc-media-unit.type3 .title { color: #0e1c63; font-size: 40px !important; font-weight: bold; margin: 0; font-family: SFD-Bold; } @media screen and (max-width: 760px) { .vcc-media-unit.type3 { border-left: none; padding-left: 0; } .vcc-media-unit.type3 p.title { font-size: 35px !important; margin: 0; } } Các đàn châu chấu có thể bay đến 150km mỗi ngày, và châu chấu trưởng thành có thể ăn một khối lượng thức ăn bằng trọng lượng cơ thể của chính nó trong một ngày.
Theo Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO), một đàn châu chấu nhỏ có thể ăn hết số thực phẩm đủ để nuôi 35.000 miệng ăn chỉ trong vòng một ngày.
"Những người nông dân đang than khóc, họ không biết phải làm gì... Đây thực sự là một thiên tai", ông Choudhary nói với Reuters.
Tuần trước, thành phố Delhi và các quận lân cận đã nhận được cảnh báo cấp độ cao về nguy cơ châu chấu tấn công, và chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân đóng chặt các cửa ra vào và cửa sổ.
Không chỉ Ấn Độ, mà nhiều quốc gia Đông Phi như Somalia, Ethiopia, Kenya, Eritrea và Djibouti cũng hứng chịu sự tấn công khủng khiếp của dịch châu chấu và khiến mùa màng bị thiệt hại nặng nề và đe dọa an ninh lương thực tại các quốc gia này.
Pakistan, nước láng giềng của Ấn Độ cũng chịu chung số phận, khiến giới chức nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Mặc dù bị các đàn châu chấu lớn tấn công trên diện rộng, chính phủ Ấn Độ và các chuyên gia nông nghiệp của nước này vẫn tin rằng những thiệt hại sẽ không quá nặng nề, bởi hiện tại đang là thời điểm chuyển giao giữa hai vụ mùa canh tác tại nước này.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng chính phủ và chính quyền các tiểu bang của nước này cần nhanh chóng tiêu diệt các đàn châu chấu trong vòng vài tuần tới, để đảm bảo chúng không kịp đẻ trứng và tạo thành những đàn châu chấu mới có khả năng phá hoại vụ mùa hè.
Theo dự đoán của các chuyên gia, nếu loài côn trùng này tiếp tục sinh sôi, thì Ấn Độ sẽ chịu những thiệt hại khủng khiếp trong tháng 6 và tháng 7, giai đoạn phát triển của các loại cây lương thực như lúa, đậu tương, ngô hay những cây nông nghiệp khác như cây mía và cây bông.
"Làn sóng dịch châu chấu mới có thể khiến tình hình bất ổn an ninh lương thực thêm trầm trọng và khiến thêm nhiều người rơi vào tình trạng đói ăn do thiếu lương thực", ông Andre Laperriere, Giám đốc Điều hành của công ty Global Open Data for Agriculture and Nutrition (GODAN).
Trong khi đó, ông Keith Cressman, một nhân viên cấp cao của FAO phụ trách việc dự báo về tình hình dịch châu chấu, cho rằng Ấn Độ có thể sẽ hứng chịu thêm những làn sóng dịch châu chấu từ nay đến đầu tháng 7.
"Tình hình hiện nay vẫn chưa được coi là dịch họa, nhưng nó hoàn toàn có thể trở nên tồi tệ hơn", ông Cressman cho biết.
Chính quyền Ấn Độ và giới chức địa phương đã nỗ lực sử dụng nhiều phương tiện để phun hóa chất diệt châu chấu, từ máy kéo, xe cứu hỏa tới các thiết bị bay không người lái, theo một thông cáo được bộ nông nghiệp của nước này phát đi tuần trước.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng có kế hoạch sử dụng máy bay trực thăng để phun thuốc diệt châu chấu từ trên cao và nhập thêm các bình phun thuốc từ Anh.
Một số chuyên gia cho biết những biện pháp "thủ công" như tạo ra tiếng động lớn để đuổi châu chấu không có tác dụng về lâu dài và thậm chí còn gây trở ngại tới việc tập trung kiểm soát mục tiêu của chính quyền.
"Những biện pháp đó không giết được châu chấu mà chỉ có thể đuổi chúng đi chỗ khác", theo ông Cressman.
Chuyên gia của WHO cho biết, hiện tại, thuốc diệt côn trùng vẫn là biện pháp ít tốn kém và hữu hiệu nhất để xử lý những đàn châu chấu lớn.
Ngoài ra, người nông dân cũng có thể đào mương xung quanh những cánh đồng của họ để bắt và tiêu diệt châu chấu từ khi chúng còn chưa trưởng thành.
Ông Cressman cũng nhắc nhở rằng việc tiêu diệt châu châu cần được giao cho những công ty chuyên nghiệp của chính phủ - những người có kiến thức, biết cách sử dụng bình phun thuốc diệt côn trùng và được trang bị đồ bảo hộ.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: