Ăn no 70% giúp duy trì sức khỏe đường tiêu hóa
Chế độ ăn uống liên quan mật thiết đến sức khỏe, không chỉ đòi hỏi một chế độ ăn uống cân bằng mà việc ăn no đến mức độ nào cũng là một vấn đề lớn. Mặc dù cơ thể không nạp đủ năng lượng sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch. Tuy nhiên ăn quá nhiều năng lượng cũng sẽ ức chế hệ miễn dịch. Cách tốt nhất là bạn phải chia khẩu phần ăn hàng ngày và chỉ ăn no đến 70%.
Hoàng Trung Vũ, Giám đốc Khoa Y học cổ truyền Trung Quốc cho biết, ăn no đến 70% nghĩa là bạn sẽ cảm thấy trong dạ dày vẫn chưa quá đầy nhưng sự hưng phấn đối với thức ăn đã giảm xuống rõ rệt, có thể ăn thêm được nhưng nếu ăn nhiều hơn một chút sẽ cảm thấy khó chịu; đặc biệt là những người có vấn đề về đường tiêu hóa, nên ghi nhớ nguyên tắc này.
Những thực phẩm không nên ăn khi bụng đói để tránh tăng cân và tăng đường huyết
Ăn no vừa phải để dạ dày được nghỉ ngơi, nhưng 5 loại thức ăn sau đây không bao giờ được ăn khi bụng đói:
1. Trà, cà phê, rượu
Trà thảo mộc, trà xanh và hầu hết các loại trà đều có tính lạnh. Nếu uống lúc đói sẽ làm loãng dịch vị, giảm chức năng tiêu hóa vì chứa theophylline kích thích axit trong dạ dày. Từ đó dễ gây ra các triệu chứng như hồi hộp, chóng mặt, yếu tay chân và đói. Dù là uống nóng hay uống lạnh thì đều có tác hại như nhau.
Uống cà phê đen đặc khi bụng đói dễ làm tổn thương dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ của dạ dày. Thậm chí có thể gây viêm loét dạ dày trong trường hợp nặng.
Có người thích uống cà phê "3 trong 1" như cà phê hòa tan (bao gồm cà phê, sữa, đường), dễ làm tăng đường huyết và gây béo phì.
Uống rượu lúc đói sẽ dễ hấp thụ rượu và nhanh say, đồng thời tăng kích thích niêm mạc dạ dày, gây viêm, loét dạ dày và nhiều bệnh khác.
Các triệu chứng thường gặp nhất là hạ đường huyết, chóng mặt, đánh trống ngực, vã mồ hôi lạnh. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong do sốc, đồng thời làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
2. Nước ép rau quả
Hầu hết các thực phẩm lạnh, cay và kích thích không thích hợp để ăn khi bụng đói. Nhiều người có thói quen uống nước ép rau quả khi mới ngủ dậy. Tuy nhiên, trong nước ép rau củ quả có quá nhiều thành phần lạnh, uống thời gian dài dễ dẫn đến lạnh bụng, viêm dạ dày.
Thức ăn có nguồn gốc thực vật ít nhiều có chứa chất axit tannic. Khi thức dậy vào buổi sáng, thức ăn trong dạ dày từ tối hôm trước đã được tiêu hóa hết và bụng rỗng, uống nhiều nước ép rau quả khi bụng đói sẽ làm niêm mạc đường tiêu hóa tiếp xúc trực tiếp với các chất axit tannic này. Nếu chức năng bảo vệ của thành dạ dày không tốt thì sự kích thích và tổn thương của nó càng lớn.
Ngoài các loại nước ép rau quả, bạn nhất định phải tránh uống nước chanh khi bụng đói. Chuyên gia Hoàng Trung Vũ cũng cho rằng uống nước chanh khi bụng đói không tốt cho sức khỏe.
Với kinh nghiệm nhiều năm về y học cổ truyền Trung Quốc, ông chỉ ra rằng nhiều người gcó chức năng dạ dày kém thường có thói quen uống nước chanh vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Nhiều người uống nước chanh với hy vọng thay đổi cơ chế cân bằng axit - bazơ trong cơ thể. Tuy ý định tốt nhưng axit trong chanh vào dạ dày khi bụng đói sẽ trực tiếp kích thích tiết axit dịch vị.
Khi được cơ thể hấp thụ sẽ chuyển hóa qua máu. Quá trình chuyển hóa này diễn ra rất chậm tức là dạ dày bị axit citric bào mòn trước khi chuyển hóa. Lúc này nếu chức năng dạ dày không tốt, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng viêm, loét.
3. Trái cây như dứa, chuối và lê
Dứa là loại thực phẩm giàu enzyme mạnh. Vì thế, khi ăn dứa lúc đói có thể làm tổn thương dạ dày, cơ thể không hấp thu được hết dinh dưỡng của dứa.
Chuối là loại trái cây có lẽ nhiều người nghĩ ăn lúc nào cũng được vì nó thực sự tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn không nên ăn chuối khi đói vì tiêu thụ chuối khi bụng rỗng sẽ làm tăng lượng magie trong máu, gây tổn hại tim.
Ăn lê rất tốt cho sức khỏe cũng như hệ tiêu hóa, nhưng không phải lúc nào ăn loại trái cây cũng tốt. Khi bạn ăn quả lê lúc bụng đang "kêu gào" sẽ làm niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng. Từ đó dễ dẫn đến các bệnh đường ruột, đau dạ dày.
4. Sữa đậu nành, sữa chua và đồ uống có ga
Sữa đậu nành giàu protein phải được uống sau khi ăn thức ăn giàu tinh bột, để không bị tiêu hao thành calo và còn có tác dụng bồi bổ.
Vì vậy, có báo cáo cho rằng, uống sữa đậu nành khi bụng đói sẽ chỉ làm lãng phí chất đạm. Đồng thời làm mất cân bằng các chất dinh dưỡng trong cơ thể và tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa và tiết niệu.
Nhiều người thường nghĩ ăn sữa chua lúc bụng đói hoặc vào lúc sáng sớm sẽ kích thích tiêu hóa, khiến dạ dày hoạt động tốt hơn. Nhưng thực chất điều đó hoàn toàn sai lầm. Những lúc như thế độ chua của dịch dạ dày rất cao. Nếu ăn sữa chua lúc bụng rỗng, các axit hydrochloric (HCL) sẽ hình thành trong dạ dày và dần dần giết chết các khuẩn lactic có lợi cho đường ruột.
Còn đối với đồ uống có ga, do chứa nhiều axit xitric nên sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển hóa canxi khiến hàm lượng canxi trong máu bị thất thoát. Cần tránh uống lúc đói để dạ dày không bị kích thích quá mức và sản sinh ra các cơn co thắt, lâu dần sẽ dẫn đến rối loạn và các bệnh về đường tiêu hóa.
5. Thực phẩm có chỉ số GI cao
Một số nghiên cứu nước ngoài đã chỉ ra rằng ăn thực phẩm có chỉ số GI (chỉ số đường huyết) cao khi bụng đói, chẳng hạn như thực phẩm giàu tinh bột tinh chế, bao gồm gạo nếp, bánh mì nướng hoặc bánh mì trắng… sẽ làm đường huyết tăng nhanh hơn, dễ gây cảm giác đói và thèm ăn.
Do đó làm tăng lượng thức ăn, đồng thời sẽ thúc đẩy quá trình chuyển hóa thức ăn, sản sinh ra một lượng lớn chất béo, tăng tích tụ mỡ trong máu và gây béo phì.
(Nguồn: Healthdaily)