Craig Farley-Jones (43 tuổi) là một bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị tại bệnh viện Đa khoa Tamesie, thành phố Ashton-under-Lyne (Anh Quốc). Trong thời gian điều trị trong viện, có một cảnh tượng chỉ kéo dài 2h, nhưng với Farley-Jones đó lại là hình ảnh sẽ bám theo anh trong suốt phần đời còn lại.
Bởi lẽ, 2 giờ ấy là những khoảnh khắc cuối cùng trong đời của một bệnh nhân cùng phòng. Người này đã gào khóc, gọi tên người thân, và rồi ra đi trong cô độc.
Farley-Jones - vốn là giám đốc một công ty phần mềm và marketing tại Manchester đã có 6 ngày chiến đấu với virus và vừa được ra viện vào ngày 5/4. Anh cho biết, mình chia sẻ câu chuyện này không phải để khiến mọi người thêm lo sợ, mà giống như một lời cảnh tỉnh rằng mọi người cần nghiêm túc thi hành chính sách phong tỏa, cách ly xã hội.
Craig Farley-Jones - bệnh nhân 43 tuổi tại Anh
"Hãy ở nhà và nắm tay người mình thương yêu," - Farley-Jones chia sẻ. "Mọi người ở đó trông thực sự vô hồn, nhưng người đàn ông nằm đối diện tôi thì khác. Ông khoảng 65 - 70 tuổi, rất thoải mái và hoạt bát, dù đang phải cấp oxy ở mức tối đa."
"Nhưng cũng trong ngày hôm ấy, tôi đột nhiên thấy ông trở nên khó thở và bắt đầu có dấu hiệu hoảng loạn. Tình trạng của ông dần tệ đi khiến tôi phải lập tức gọi y tá, nhưng họ cũng không thể làm ông bình tĩnh trở lại. Có lẽ một thứ gì đó đã xảy ra. Các chỉ số tụt dần, đến mức không thể hồi phục được nữa."
"Họ cho ông một thứ thuốc gì đó để trấn tĩnh, rồi gọi cho các con ông. Thực tế đã rõ ràng, đó là những thời khắc cuối cùng rồi."
"Ít ra, con của ông sau đó cũng đến, nói lời từ biệt với cha qua một lớp khẩu trang và áo choàng. Nhưng vài giờ sau lúc họ đã rời đi, ông vẫn tiếp tục như vậy. Tôi không thể quên thời khắc ấy. Ông gào khóc, gọi tên từng người trong gia đình, lặp đi lặp lại như vậy, trong khi hơi thở ngày càng khó nhọc."
"Tôi đã không thể kìm được nước mắt - thật khó để làm được điều đó. Tôi gọi cho y tá, nhưng họ bảo chẳng thể giúp gì được nữa rồi. Vậy là tôi nằm đó, lắng nghe tiếng than khóc và hơi thở của một người hấp hối. Tiếng kêu vãn dần, rồi đột nhiên lịm đi, lặng thinh. Ông đã ra đi mãi mãi."
"Tôi biết, cơ thể ông không phải chịu đau đớn ở thời điểm đó, nhưng chắc chắn là có căng thẳng về mặt cảm xúc. Đây không phải lỗi của các y bác sĩ - họ đã làm tất cả những gì có thể rồi. Nhưng thực sự, đôi khi cố gắng thế nào cũng không đủ."
Bệnh nhân nằm giường chăm sóc đặc biệt tại Ý
"Tất cả mọi người, cần biết rằng khi bạn nhiễm virus corona và phải nhập viện, bạn sẽ phải tự mình chiến đấu. Tất cả những gì bác sĩ có thể làm là loại bỏ các chứng nhiễm trùng đi kèm, để tăng cơ hội cho bạn. Bản thân virus không thể chữa, nên cơ thể bạn sẽ phải tự chống lại nó."
"Vậy nên làm ơn, hãy ở nhà với những người yêu thương. Còn tôi, chỉ là một trong những người may mắn thôi."
Farley-Jones vốn có thể trạng khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý nền nào. Vậy mà khi ở viện, anh cho biết đã có lúc anh nghĩ rằng mình sẽ chết, và thậm chí đã nhắn những lời cuối cùng với Laura Wilson - hôn thê của anh. Bản thân Wilson cũng có xuất hiện triệu chứng vào khoảng 2 tuần trước, ho nhiều và mất khứu giác. Tuy nhiên, anh Farley-Jones có triệu chứng nặng hơn, phải nhập viện sau khi cảm thấy cực kỳ khó thở và được xác nhận đã biến chứng viêm phổi.
"Lúc đến viện, tôi nghĩ mình đã an toàn. Nhưng tôi vẫn thấy rất khó thở, và đến khi nhận ra oxy đang được cấp tối đa thì tôi hoảng sợ. Nỗi sợ kéo dài suốt cả mấy ngày sau đó, dù tôi có thấy khá hơn. Thậm chí lúc xuất viện rồi vẫn có cảm giác mình chẳng thể vượt qua."
"Lúc thức dậy giữa đêm mà không thể thở, hoảng sợ hớp từng hớp không khí trong vô vọng, bạn sẽ không hiểu vì sao các y tá chẳng làm gì để giúp bạn đâu."
Nguồn: Telegraph