"Trực giác là thứ duy nhất có giá trị" - Albert Einstein
Trước khi thành thiên tài, Albert Einstein đã có quãng thời gian dài tuyệt vọng. Sau khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm tại Đại học Bách khoa Zurich năm 1900, ông đã vật lộn tìm việc với vị trí trợ lý giáo sư.
Einstein gửi sơ yếu lý lịch đến tất cả giáo sư vật lý hàng đầu châu Âu, thậm chí ông còn gửi sẵn đơn xin việc trên các bưu thiếp trả lời và thanh toán trước cước phí. Tuy nhiên, ông đã không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Sau gần hai năm sống nhờ sự trợ giúp của bố mẹ và công việc gia sư, cuối cùng một người quen đã giới thiệu cho ông công việc ở Cục liên bang Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ. Ông đảm nhận việc đánh giá các phát minh. Tuy đó không phải là công việc mà ông mơ ước, nhưng tại thời điểm đó, Einstein đã vô cùng hạnh phúc khi có một công việc thực sự.
7 năm gắn liền với công việc đánh giá các phát minh cũng là khoảng thời gian sáng tạo nhất cuộc đời của nhà bác học.
Công việc trong văn phòng sáng chế rất nhàn đối với Einstein và ông hoàn thành công việc mỗi ngày chỉ trong 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại, ông bận rộn với những ý tưởng vật lý của riêng mình.
Năm 1905, Albert Einstein - khi đó 26 tuổi - công bố 4 bài báo đột phá đã thay đổi cả lịch sử khoa học, trong đó có thuyết tương đối đặc biệt. Các nhà khoa học gọi đây là "Năm kỳ diệu của Einstein".
Công việc văn phòng sau quãng thời gian thất nghiệp lại là bước ngoặt quan trọng của Albert Einstein. Thay vì theo đúng ngành học và có thể chịu nhiều áp lực, Einstein có nhiều thời gian tự do hơn. Ông theo đuổi trí tưởng tượng và lắng nghe bất kỳ điều gì mà trực giác sáng tạo nói với ông.
Albert Einstein chia sẻ rằng: "Trí tuệ trực giác là một món quà thiêng liêng và tâm lý cảm xúc là một đầy tớ trung thành của con người. Mọi thành tựu khoa học đều phải bắt nguồn từ tri thức trực quan. Và đôi khi tôi cảm thấy chắc chắn việc mình đang làm là đúng nhưng tôi cũng không thể hiểu được lý do tại sao. Vì vậy, tôi luôn cố gắng tin vào chính mình và trực giác của bản thân".
"Quyết định sáng suốt nhất xuất phát từ trái tim, trực giác" - Jeff Bezos
Khi phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, D.C vào năm 2018 về thành công của Amazon, Jeff Bezos đã chia sẻ về việc "những quyết định tốt nhất" của ông đều được thực hiện theo cùng một cách.
"Tất cả quyết định sáng suốt nhất của tôi, cả trong kinh doanh và cuộc sống đều đưa ra bằng trái tim, trực giác và sự quyết tâm, không phải dựa trên phân tích", ông chủ Amazon nói trong cuộc phỏng vấn. "Khi có thể đưa ra quyết định bằng sự phân tích, bạn nên làm như vậy. Nhưng bạn sẽ thấy trong cuộc sống, những quyết định quan trọng nhất luôn được thực hiện bằng bản năng, trực giác, và trái tim".
Trong bức thư gửi đến cổ đông năm 2018, Bezos cũng từng đề cập "nếu không có trực giác, Amazon sẽ bỏ lỡ "những khám phá vượt trội" dẫn đến thành công. "Lạc lối trong kinh doanh được… dẫn đường bằng linh cảm, bản lĩnh, trực giác và sự tò mò. Những khám phá vượt bậc, rất có thể đến từ sự lạc hướng", bức thư có đoạn.
Một ví dụ khác cho thấy, quyết định "bật đèn xanh" cho Amazon Prime của Jeff Bezos cũng là dựa trên trực giác.
"Tất cả người hiểu biết về tài chính, họ không ủng hộ Amazon Prime. Mọi tính toán đều cho thấy nó sẽ là một thảm họa", tỷ phú Bezos chia sẻ tại FIRST gala năm 2018. "Vì vậy, nó phải được thực hiện bằng sự gan dạ." Và "sự gan dạ" đó đã mang đến thành công rực rỡ cho Amazon.