Hãng sản xuất máy bay Airbus đang có kế hoạch triển khai một bộ cảm biến có hình dạng giống "con sứa" do start-up chuyên về công nghệ thần kinh tại Thung lũng Silicon có tên Koniku chế tạo.
Loại cảm biến đặc biệt này sử dụng các tế bào sinh học để "đánh hơi" các hóa chất và bom nguy hiểm tại sân bay. Thậm chí các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch giúp chiếc "mũi điện tử" này có thể phát hiện được sự tồn tại của virus SARS-CoV2 trong không khí.
Hiện tại mục tiêu ban đầu của cảm biến kết hợp giữa các tế bào sống và bộ vi xử lý siêu nhỏ này sẽ là phát hiện chất nổ. Trước đó, Koniku đã phát triển một số mẫu cảm biến có thể gắn trên bề mặt ở cả nhà ga sân bay và trong máy bay.
Sáng lập gia start-up Koniku Oshiorenoya Agabi cho biết: "Chúng tôi đã phát triển một công nghệ có thể phát hiện mùi. Nó giống như một chiếc máy có nhiệm vụ hít-thở không khí vậy". Thiết bị sử dụng các tế bào sinh học có tên Hek hay tế bào thần kinh đệm hình sao trong não bộ. Sau đó các nhà khoa học đã biến đổi gen và cho chúng thêm khả cảm nhận mùi vị giống như các thụ thể khứu giác.
Theo FinancialTimes, Airbus sẽ bắt đầu thử nghiệm cảm biến phát hiện mùi trong các đường hầm sàng lọc tại sân bay vào cuối năm nay. Hiện tại các cảm biến mới chỉ trong giai đoạn nguyên mẫu. Tuy nhiên trong tương lai, nó có thể được gắn ở phía trên khoang hành khách.
Nếu cảm biến này sớm được thương mại hóa, nó sẽ góp phần tăng tính an toàn cho các chuyến bay dân dụng, đồng thời giúp cảnh báo sớm về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên máy bay hoặc các nguy hiểm rình rập liên quan đến chất nổ.
Tham khảo FinancialTimes