Theo Lại Tuấn Dũng – nghiên cứu sinh tiến sĩ AI tại Đại học Deakin (Úc), thay vì lo sợ, chúng ta nên tìm hiểu và tận dụng AI như một công cụ hỗ trợ, bởi "khi bạn đạt đến một level cao, AI không thể thay thế bạn được."
AI và con người: Cùng tiến bước, không phải đối đầu
Trong thời đại công nghệ số, AI gần như đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến sáng tạo nghệ thuật. Sự tiện lợi mà AI mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo sợ về viễn cảnh AI "cướp việc".
Bàn luận về chủ đề này trong một podcast của FPT Edu Chill, Lại Tuấn Dũng (Dũng Lại Lập Trình) - nghiên cứu sinh tiến sĩ AI tại ĐH Deakin (Úc) cho rằng: "AI sẽ khiến một số ngành nghề phải thay đổi, nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người, đặc biệt ở những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu."
Anh lấy ví dụ từ chính lĩnh vực lập trình - ngành tưởng chừng dễ bị AI "lấn sân" nhất. Anh chia sẻ: "Bạn có thể dùng ChatGPT để tạo ra những chương trình đơn giản. Nhưng để lập trình một chương trình lớn, phức tạp và đòi hỏi logic cao, AI sẽ không làm được, hoặc nếu làm được thì sẽ bị nhiều lỗi, sửa lỗi đấy đôi khi còn mất công hơn lập trình lại từ đầu".
Theo anh, AI giỏi ở việc học từ dữ liệu có sẵn, nhưng sáng tạo ra một ý tưởng mới hay đưa ra giải pháp cho tình huống phức tạp thì con người vẫn nắm vai trò trung tâm. Đặc biệt, những vị trí cấp cao như quản lý, điều hành hay phát triển chiến lược không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn mà còn cần cảm xúc, sự thấu hiểu và kinh nghiệm thực tế – điều mà AI không thể "học".
Dũng chia sẻ về AI trong podcast FPT Edu Chill.
Muốn thành công cùng AI, phải học bài bản
Theo Dũng, điều quan trọng nhất là không ngừng học tập để xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc. Anh cảnh báo rằng: "Nhiều bạn trẻ hiện nay học lập trình nhưng chỉ sử dụng AI như ChatGPT để tạo sản phẩm mà không thực sự hiểu cách nó hoạt động. Điều này dẫn đến lỗ hổng kiến thức nghiêm trọng."
Thay vì lo sợ AI "cướp việc", Dũng cho rằng mọi người nên tìm hiểu về AI, không phải để sợ nó, mà để biết cách sử dụng nó như một công cụ hỗ trợ hiệu quả. Anh khuyến khích các bạn trẻ hãy tập trung xây dựng nền tảng vững chắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Đặc biệt, những ngành như lập trình, phân tích dữ liệu vẫn luôn có nhiều tiềm năng phát triển nếu bạn đạt đến "level cao".
Dũng nhấn mạnh AI chỉ giỏi học từ dữ liệu có sẵn. Nhưng để đưa ra một ý tưởng hoàn toàn mới hoặc giải quyết một tình huống phức tạp, con người vẫn là trung tâm. Anh nhấn mạnh khả năng sáng tạo chính là điểm khác biệt mà AI không thể học được. Một lập trình viên giỏi không chỉ biết viết mã, mà còn cần sự nhạy bén, kinh nghiệm thực tế và khả năng kết nối các lĩnh vực khác nhau để tạo ra giải pháp. Đặc biệt, ở những vị trí cấp cao, như quản lý doanh nghiệp hay chiến lược gia, các yếu tố như cảm xúc, sự thấu hiểu và kinh nghiệm thực tiễn là điều AI không thể sao chép.
Khi nhìn vào xu hướng toàn cầu, càng ngày càng có nhiều dữ liệu được sinh ra. Ngành lập trình hay các công việc khác liên quan đến dữ liệu, sẽ có nhiều "đất" để phát triển mạnh hơn. AI không làm con người mất việc, mà sẽ mở ra những cơ hội mới nếu chúng ta biết tận dụng.
Thay vì dựa dẫm vào AI, anh khuyến khích người trẻ hãy nắm vững kiến thức cơ bản và tiếp cận công nghệ một cách bài bản. Đặc biệt, với sự gia tăng của dữ liệu trên toàn cầu, những ngành như lập trình hay phân tích dữ liệu sẽ tiếp tục là "mảnh đất màu mỡ" nếu bạn chịu khó trau dồi và nâng cao trình độ.
"Khi bạn trở thành chuyên gia, AI sẽ không phải là mối đe dọa, mà sẽ là công cụ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn," Dũng khẳng định.
Theo Dũng, AI có thể học từ dữ liệu, nhưng để vươn tới những cấp độ cao nhất, con người mới là chìa khóa.
Lại Tuấn Dũng sinh năm 1998 đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ về AI tại ĐH Deakin (Úc) không chỉ nổi bật với vai trò nghiên cứu sinh tiến sĩ AI, mà còn là một nhà sáng tạo nội dung với hơn 900.000 lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Những chia sẻ của anh đã truyền cảm hứng đến nhiều người trẻ, đặc biệt là những ai đang theo đuổi ngành trí tuệ nhân tạo.
"Công việc là vô biên. Cứ học, làm và trải nghiệm, bạn sẽ thấy mình không thể bị thay thế," anh nhắn nhủ.
Lại Tuấn Dũng là khách mời là nhân vật khách mời trong số mới nhất của chuỗi podcast FPT Edu Chill thực hiện nhân dịp Tết Ất Tỵ với thông điệp Quanh năm trải nghiệm vươn xa, Tết để trở về nhà do Khối Giáo dục FPT thực hiện. Đây là podcast nhằm mục đích chia sẻ hành trình sống, học tập, làm việc của những người trẻ thành công trên nhiều lĩnh vực, truyền tải thông điệp và cảm hứng tích cực tới cộng đồng.