Đêm ngày 19/6/1982, một thanh niên Mỹ gốc Hoa đang dự một bữa tiệc "thoát độc thân" cùng bạn bè tại thành phố Detroit (Michigan, Mỹ). Đó là Vincent Chin, năm ấy 27 tuổi, chuẩn bị bắt đầu cuộc sống mới cùng hôn thê của mình.
Nhưng rồi một trận chiến nổ ra, và đêm hôm đó Chin không thể về nhà nữa. Nhiều ngày sau, 400 vị khách vốn đã nhận được thiệp hồng của anh, giờ phải góp mặt trong lễ tang đầy đau xót.
Ngày 23/6/1982, Chin qua đời, 4 ngày sau khi bị đánh đập tàn tệ bằng gậy bóng chày trước của nhà hàng McDonald của thành phố Detroit.
"Chỉ vì thằng khốn này mà bọn tao bị đuổi việc," - Chrysler, quản lý nhà máy ô tô Ronald Ebens và cũng là một trong những người đã tấn công Chin hét lên vào đêm hôm đó. Ebens và con trai là Michael Nitz, cả hai vừa bị sa thải cách đó ít lâu, và họ đã nghĩ Chin là một người Nhật.
Vincent Chin - nạn nhân người Mỹ gốc Hoa bị tấn công 28 năm trước
Bi kịch từ những chiếc xe biểu tượng
"Thời ấy, ô tô của Mỹ là một biểu tượng trên toàn thế giới," - Frank Wu, hiệu trưởng ĐH Queens tại New York cho biết. Khi đó nếu được làm cho một nhà máy ô tô, "đó là công việc bạn phải ao ước cả đời, được chu cấp cả bảo hiểm y tế lẫn hưu trí."
Nhưng đến năm 1974, giá dầu tăng gấp 4 lần sau vài tháng bởi quyết định từ OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa) khi áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với hoa Kỳ. Quyết định này được ví như "trận Trân châu Cảng" với nền kinh tế của Mỹ vậy, và nó đưa ngành công nghiệp ô tô của họ vào cơn khủng hoảng trầm trọng.
Khi đó, xe của Mỹ rất đẹp nhưng không bền, kém hiệu quả về năng lượng, chỉ đi được một số kilomet nhất định. Xe Nhật thì ngược lại, họ tối ưu hơn về mặt năng lượng, và trong bối cảnh giá xăng dầu quá cao, họ dần chiếm ưu thế trên chính quê hương của đối thủ cạnh tranh. Các công ty ô tô của Mỹ sa thải dần công nhân, và làn sóng bạo lực cũng gia tăng. Thậm chí, có nơi còn treo thưởng lớn dành cho những ai phá hủy thành công một chiếc ô tô từ Nhật Bản.
"Bất kỳ ai lái xe Nhật có thể bị bắn ngay trên đường, dù là da trắng hay da màu," - trích lời nhà hoạt động Helen Zia.
Chin thực chất bị tấn công ngay trước cửa một câu lạc bộ tại Detroit, nhưng trận chiến ấy kết thúc khá nhanh. Có điều, những kẻ thủ ác đã chi khoảng 20 đô chỉ để truy tìm Chin, lần đến tận cửa hàng McDonald. Tại đây, Nitz giữ chặt Chin, để Ebens dùng gậy bóng chày quật liên tiếp vào đầu anh.
"Không công bằng," - đó là những lời cuối cùng của Chin, theo lời kể của nhân chứng.
Công lý bỏ quên và sự đau lòng của những người ở lại
2 năm sau cái chết của Chin, Zia cũng bị sa thải khỏi ngành ô tô. Bà bắt đầu sự nghiệp làm một phóng viên tự do cho tạp chí Detroit City, rồi sau đó là Detroit Metro Times. Khi đọc các thông tin về vụ án của Chin, bà quyết định sẽ dấn thân tìm hiểu nó.
"Có một câu hỏi rất lớn với tôi, đó là tại sao một người gốc Hoa lại bị giết ở thời điểm xung đột chủng tộc hướng đến người Nhật là rất lớn?" - Zia cho biết.
Tháng 3/1983, vụ án của Chin chiếm sóng truyền thông sau khi 2 kẻ tấn công anh nhận tội, và bị kết án ngộ sát. Cả hai không phải ngồi tù, chỉ bị phạt mỗi người 3000 USD, trong đó có 780 đô tiền án phí.
Chin từng làm bồi bàn tại một nhà hàng Trung Hoa ở Ferndale, Detroit. Lily Chin - mẹ anh đã tiếp nhận vụ án. Bà gặp luật sư cùng đại diện cộng đồng Trung Hoa tại Mỹ cũng chính tại nhà hàng này, để nói về thảm kịch đó.
"Lily đã rất đau lòng với những gì đã xảy ra," - Zia cho biết.
Bà Lily Chin - mẹ của Vincent Chin
Cái chết của Chin đã châm ngòi cho sự đoàn kết của cộng đồng người gốc Á sống tại Mỹ. "Vụ án Vincent Chin là thời điểm nước Mỹ chứng kiến từ những bồi bàn, đầu bếp, thợ giặt... cho đến khoa học gia, kỹ sư, và thậm chí cả người gốc Phi cùng chung tay đi đòi lại công lý," - trích lời Zia.
"Đó là lần đầu tiên cộng đồng người gốc Á thực sự đoàn kết, đấu tranh cho quyền công dân của họ. Trước đó thì chẳng có gì, ngoài vài chiến dịch của các nhà hoạt động và hội sinh viên.
Vicky Wong - hôn thê của Chin, kể từ sau thảm kịch đã không xuất hiện trước truyền thông, cũng không lên tiếng. Nhưng Lily, bà luôn tham dự trong mọi cuộc họp, lúc nào cũng thổn thức, nhưng luôn tỉnh táo để lắng nghe.
"Phản ứng của cô (Wong) là khá điển hình với một người gốc Á tại Mỹ, nhưng phản ứng của mẹ Vincent mới là điều đặc biệt," - Zia giải thích. "Lily Chin, bà ngưng khóc rồi nói 'Chúng ta phải cho họ thấy đây không phải là công lý của người Mỹ. Không được phép để thêm bất kỳ một bà mẹ nào phải trải qua điều đó'."
Lần đầu tiên, người gốc Hoa tại Mỹ sát cánh cùng nhau
Cái chết của Chin đã trở thành bước ngoặt, châm ngòi cho các hoạt động vì quyền con người đã phải chờ đợi quá lâu - theo lời Renee Tajima-Pena, giáo sư nghiên cứu Mỹ - Á tại ĐH California, Los Angeles.
Tajima-Pena vốn là một nhà làm phim. Năm 1983, bà làm một bộ phim tài liệu về vụ án này, với tiêu đề "Ai đã giết Vincent Chin?" Cùng thời điểm đó, Zia và các luật sư đại diện cho Chin thành lập tổ chức vì quyền con người tên "American Citizens for Justice" (Người Mỹ vì Công lý. tại Detroit.
Sau khi thành lập, họ tổ chức nhiều cuộc tuần hành, yêu cầu chính phủ liên bang phải khởi tố vụ án. Đến năm 1987, vụ kiện kết thúc với bản án dành cho 2 kẻ đã sát hại Chin. Trong đó, Ebens phải trả 1,5 triệu USD, còn Nitz là 50.000 USD tiền bồi thường cho Lily Chin.
"Bản án thực chất có lợi cho mọi người Mỹ," - Zia nhận định. "Vụ án này cho thấy những người Mỹ gốc Á cần được bảo vệ. Một người nhập cư cần sự che chở, và nó tạo ra một quan điểm rộng hơn dành cho luật dân sự với toàn người Mỹ."
Năm 1988, phim tài liệu "Ai đã giết Vincent Chin?" được trình chiếu tại Liên hoan phim mới New York, sau đó được đề cử giải Oscar dành cho phim tài liệu xuất sắc nhất. "Tôi nghĩ nó (bộ phim) sẽ nhắc nhở mọi người vì những điều đã xảy ra trong nhiều năm, và nó thực sự giống với làn sóng thù địch ngày nay." - Tajima-Pena cho biết.
Nitz, người khống chế Chin đã trả đủ số tiền phạt. Nhưng Ebens, y không thể trả số tiền 1,5 triệu đô, và nay số tiền lãi tích lũy đã lên tới 8 triệu. Dù không thể làm gì nhiều trên góc độ pháp lý, Zia cho biết vụ án vẫn được nhắc lại và làm mới mỗi năm, bởi hội "Người Mỹ vì Công lý."
"Bài học ở đây là chúng ta phải đoàn kết. Chúng ta đã làm thế trong vụ Vincent Chin, và dù nó không thể mang anh trở lại, nhưng công lý đã được thực thi."
Nguồn: SCMP