AI có thể cạnh tranh với ý thức của con người không? Thử tìm câu trả lời dưới góc nhìn triết học

Bảo Nam thiết kế Tom | 12-07-2022 - 20:00 PM

(Tổ Quốc) - Hai thí nghiệm tư tưởng triết học sẽ dẫn chúng ta vào một loạt các câu hỏi xoay quanh tâm trí con người và trí thông minh nhân tạo.

Việc xây dựng một trí thông minh nhân tạo giống như con người thường bắt đầu bằng việc giải phẫu cấu trúc của chính chúng ta. Lấy ví dụ từ dấu vân tay chẳng hạn.

Khi rửa bát, chúng ta điều chỉnh một cách trực quan độ bám của ngón tay trên từng chiếc đĩa, cốc và thìa có xà phòng. Mọi thứ luôn nằm trong tầm kiểm soát, không thể vượt ra ngoài tâm trí chúng ta bởi vì chúng ta thực hiện chúng theo phản xạ. Không ai có bất kỳ phương trình nào có thể làm sáng tỏ cách thức hoạt động của điều này bởi vì đối với tất cả mọi người thì nó dường như không hoàn toàn quan trọng. Mọi thứ đơn giản là chỉ hoạt động như vậy mà thôi. Nhưng, sự nổi lên của người máy đã mang tới những điều phức tạp.

Để robot làm được điều này - giữ những chiếc đĩa bằng tay một cách chắc chắn - chúng ta phải tìm ra chính xác điều gì đang xảy ra và thậm chí biến kiến thức đó thành những đoạn mã. Việc giải mã dấu vân tay đang là vấn đề quan trọng hiện nay và các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm ra một định luật vật lý mới để giải thích nó.

Theo một nghĩa nào đó, kiến thức vật lý và khả năng viết mã các đặc điểm của con người là điều kiện tiên quyết để lập trình robot. Và điều đó đặt ra một câu hỏi quan trọng cho một tương lai của những AI giống như thật: Có những khía cạnh nào của ý thức con người sẽ không bao giờ đáp ứng được các tiêu chí này?

Dường như, theo một số triết gia, có thể có. Và để làm rõ vấn đề, hãy cùng tham khảo hai thí nghiệm về tư tưởng, thứ có thể thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và tâm trí của bạn. Tất nhiên, bạn có thể đồng ý. Hoặc không.

[Emag]AI có thể cạnh tranh với ý thức của con người không? Thử tìm câu trả lời dưới góc nhìn triết học - Ảnh 1.

Một người phụ nữ tên là Mary sống trong một ngôi nhà nhỏ. Cô chưa bao giờ rời khỏi nhà. Khi cô ấy nhìn xung quanh nơi ở của mình và ra ngoài cửa sổ, mọi thứ đều xuất hiện màu đen, trắng hoặc một số màu xám. Mary không thể nhìn thấy màu sắc khác, nhưng cô ấy thường tự hỏi: "Những người trên TV đen trắng của tôi muốn biểu đạt gì khi họ nói về hoa hồng đỏ?"

[Emag]AI có thể cạnh tranh với ý thức của con người không? Thử tìm câu trả lời dưới góc nhìn triết học - Ảnh 2.

Giả sử phòng của Mary có một thư viện ma thuật. Nơi giả định này chứa các cuốn sách với mọi đoạn thông tin về màu đỏ. Và để làm dịu cơn khát kiến thức của mình, Mary đọc tất cả chúng.

Cô ấy tìm hiểu về các bước sóng điện từ màu đỏ, hay việc màu đỏ thẫm khiến mọi người cảm thấy như thế nào, những mô tả rõ ràng nhất về màu đỏ tươi, các phép loại suy về quả anh đào và bất cứ điều gì khác mà bạn có thể nghĩ đến. Có thể nói, không ai biết nhiều hơn về màu đỏ hơn Mary. Sau đó, khi cô ấy đọc xong… Mary quyết định bước ra khỏi nhà.

wow.

Trước sự ngạc nhiên của Mary, cô ấy nhìn thấy màu sắc. Cô ấy chưa bao giờ mù màu. Ngôi nhà, đồ nội thất và các thiết bị điện tử của cô hóa ra chỉ đơn giản là đã được xây dựng bằng màu đen và trắng, và cửa sổ của cô lọc thế giới bên ngoài bằng hệ màu đơn sắc.

Sau đó, một bất ngờ lớn xảy ra. Mary nhìn thấy một quả táo đỏ, màu sắc nằm trong chuyên môn kiến thức của cô ấy. Cô ấy há hốc mồm. Cô ấy học được điều gì đó mới về màu đỏ. Nhưng... thật kỳ lạ. Tại sao kiến thức này lại không có ở đâu đó trong thư viện của cô ấy? Thư viện có mọi thứ mà người ta có thể tìm hiểu về màu đỏ, phải không?

Câu chuyện này kể về thí nghiệm suy luận nổi tiếng từ năm 1986, mang tên "Điều Mary không biết" của nhà triết học Frank Jackson. Và phần kiến thức vô hình về màu đỏ mà Mary vừa thu thập được có tên là Qualia.

[Emag]AI có thể cạnh tranh với ý thức của con người không? Thử tìm câu trả lời dưới góc nhìn triết học - Ảnh 3.

Qualia là gì?

Qualia là trải nghiệm chủ quan của mỗi người. Nói một cách đơn giản, đó là những định nghĩa kiến thức chỉ có thể đạt được thông qua trải nghiệm có ý thức.

Nó giống như thông tin chủ quan mà bạn nhận được trong lần đầu tiên nghe bài hát yêu thích của mình. Bạn có thể cảm thấy rùng mình dọc sống lưng và nói với bạn bè rằng: "Bạn phải nghe nó để hiểu cảm giác đó."

Nó như làm nổ tung bộ não của bạn một cách kỳ diệu, theo cái cách mà sự am hiểu dù rất sâu về lý thuyết âm nhạc và khoa học âm thanh cũng sẽ không thể làm được. Và trước khi bạn bè của bạn nghe nó, họ sẽ không biết bài hát đó có thể mang lại cảm giác gì.

Qualia có thể là lý do tại sao ngay cả những nhà khoa học thần kinh, nhà tâm lý học và nhà thơ giỏi nhất cũng không thể giải thích được nỗi đau của sự tan vỡ, bởi mọi ca từ và ngôn ngữ sẽ không đủ để khiến một người chưa bao giờ trải qua nỗi đau thực sự hiểu được nó.

[Emag]AI có thể cạnh tranh với ý thức của con người không? Thử tìm câu trả lời dưới góc nhìn triết học - Ảnh 4.

Và, trở lại với Mary, tất cả thông tin kiến thức trên thế giới về màu đỏ không đủ để dạy cô ấy khi nhìn vào màu sắc thực sự sẽ như thế nào. “Khi cô ấy được đưa ra khỏi căn phòng đen trắng hoặc được đưa cho một chiếc tivi màu, cô ấy sẽ học được cảm giác như thế nào khi nhìn thấy một thứ gì đó màu đỏ", nhà triết học Jackson viết. "Điều này được mô tả một cách chính xác là học."


Mặc dù lý thuyết này đã được tung ra trong nhiều năm, nó vẫn là một lập luận khá phổ biến về cách một số kiến thức không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ và là duy nhất đối với ý thức của con người. Điều đó có nghĩa là, nếu Qualia là một lực lượng thực sự, thì hoạt động bên trong của nó sẽ cực kỳ khó viết ra, ít nhất là qua những dòng mã. Và nó cũng có thể là rào cản giữa con người và AI.

Mặt khác, cũng có thể là không thể. Có lẽ chúng ta sẽ giải mã nó bằng cách nào đó, như cách mà các nhà khoa học đang dần tìm hiểu về động lực bám của vân tay.

Nhưng, chúng ta có thể làm điều đó không?

Câu trả lời hiện tại vẫn là: Chúng ta không biết. Các chuyên gia đã tranh luận theo cả hai hướng, và một số đã đưa ra những góc nhìn mới. Nhưng hầu hết đều bị mắc kẹt sau những bức tường giả thuyết, và sự thật là chưa thể có lời giải thích khoa học nào được đưa ra.

Chế tạo một robot có Qualia

[Emag]AI có thể cạnh tranh với ý thức của con người không? Thử tìm câu trả lời dưới góc nhìn triết học - Ảnh 5.

Bây giờ, quay lại với câu chuyện của Mary, bạn có thể đã nghĩ đến một số quan điểm phản bác. Rõ ràng, các thí nghiệm về tư tưởng thường có nhiều sơ hở và căn phòng của Mary cũng không ngoại lệ.

Một số lập luận phản bác đưa ra rằng bóng tối trong phòng có thể mang sắc tố màu. Những người khác thì nói rằng "thư viện ma thuật" sẽ cung cấp cho Mary kiến thức theo cách mà chúng ta không thể hiểu được.

Nhà triết học Daniel Dennett, cũng đã đưa ra một quan điểm phản bác dựa theo luận điểm thứ hai. Dennett gợi ý rằng nếu Mary thực sự có tất cả thông tin về màu đỏ, thì cô ấy có phải là người toàn tri không? Cô ấy sẽ không chỉ đơn thuần biết về màu sắc như một con người bình thường. Về mặt lý thuyết, cô ấy sẽ học về các "tiêu chuẩn" của màu đỏ, và nếu nó tồn tại, cô ấy sẽ nhận ra nó như một phần trong khái niệm màu đỏ của chính mình. Và từ cách suy nghĩ này, chúng ta có thể ngoại suy rằng Qualia thực sự đã sẵn sàng để nâng cấp cho các hệ thống AI, chỉ là chúng ta vẫn chưa tìm ra cách để khai thác nó mà thôi.

Quan điểm này dường như có thể, nhưng nó cũng giống như việc đi vào một ngõ cụt. Chúng ta không thể biết chắc liệu Mary sẽ có sức mạnh như vậy hay không. Chúng ta không phải người toàn tri, vì vậy chúng ta thậm chí không biết những sức mạnh đó trông như thế nào. Do đó, theo Dennett, chúng ta hãy quên việc Mary là con người để loại bỏ những ràng buộc này.

Và giờ, hãy đón chào RoboMary.

"Suy nghĩ về robot là một bài tập hữu ích, vì nó loại bỏ lý do rằng chúng ta chưa biết đủ về bộ não để nói những gì đang diễn ra có thể có liên quan, cho phép một loại chủ nghĩa lãng mạn về sức mạnh bí ẩn của bộ não len lỏi vào và làm mờ đi sự phán xét của chúng ta", Dennett viết.

[Emag]AI có thể cạnh tranh với ý thức của con người không? Thử tìm câu trả lời dưới góc nhìn triết học - Ảnh 6.

Chào mừng bạn đến với thử nghiệm tư duy số hai.

RoboMary là một phiên bản của một dòng robot có tên Mark 19, nhưng thật không may, nó được chế tạo không có khả năng nhìn màu và đang chờ nâng cấp. Cho đến lúc đó, "mắt" hay camera của RoboMary chỉ truyền tải thông tin bằng hai màu đen và trắng.

"Hệ thống camera đen trắng của RoboMary rất phù hợp để cô lập nó như Mary con người, và chúng ta có thể để cô ấy đọc qua các tạp chí tâm sinh lý học và khoa học thần kinh bằng đôi mắt camera đen trắng của mình”, Dennett đưa ra quan điểm.

Về cơ bản, cô ấy đang xem qua phiên bản thư viện ma thuật của riêng mình. Nhưng khác với thử nghiệm đầu tiên, RoboMary còn tiến xa hơn một bước. Cô ấy học được cách hệ thống nhận thông tin đầu vào về màu của dòng robot Mark 19, sau đó, "sử dụng kiến thức rộng lớn của mình, cô ấy viết một số đoạn mã cho phép chỉnh màu đầu vào từ hệ thống camera đen trắng của bản thân", theo dữ kiện từ Dennett. Có thể nói, cô ấy đã sửa đổi bản thân theo cách mà Mary con người không thể.

Cài đặt mới này cho phép cô ấy nhìn vào một quả táo, chẳng hạn như với tầm nhìn đen trắng của mình, sau đó tưởng tượng chính xác nó là mã màu gì. RoboMary bắt đầu tự động áp dụng cài đặt cho mọi thứ khi cô ấy khám phá thế giới. Và hơn thế nữa, cô ấy cũng quan sát những Mark 19 khác đang làm việc khác, phân tích cách họ phản ứng với các màu sắc khác nhau và tự điều chỉnh cho phù hợp.


[Emag]AI có thể cạnh tranh với ý thức của con người không? Thử tìm câu trả lời dưới góc nhìn triết học - Ảnh 7.

Tại thời điểm này, RoboMary biết mọi màu được đưa vào hệ thống là gì và phản ứng với chúng theo cách chính xác như bất kỳ Mark 19 nào khác.

Và ngày trọng đại đã đến. Cảm biến màu của RoboMary được kích hoạt.

"Cuối cùng, khi cô ấy được cài đặt camera màu, tắt phần mềm chỉnh màu và mở mắt ra, cô ấy nhận ra... không có gì thay đổi. Thực tế, cô ấy phải kiểm tra lại để đảm bảo rằng mình đã cài đặt camera màu", Dennett viết. "Cô ấy đã biết chính xác cô ấy sẽ như thế nào khi nhìn màu sắc giống như cách những Mark 19 khác làm."

Bằng cách thay đổi cài đặt của mình, RoboMary dường như đã mô phỏng Qualia cho chính mình. Nhưng, tạm dừng một chút để tưởng tượng ra một tình huống đáng sợ hơn nhiều. Điều gì sẽ xảy ra nếu RoboMary mở mắt… và mọi thứ đã khác?

Là con người, chúng ta bị hạn chế

Câu chuyện về Mary không dừng lại ở đây.

Bất chấp hàng tấn sửa đổi khác nhau - một số trong số đó đến từ chính triết gia Jackson để cải tiến lập luận ban đầu - công việc của triết gia Dennett cũng vô cùng tỉ mỉ.

Ông giải quyết vô số phản bác mà bạn có thể cảm thấy khi nghĩ về Mary, và RoboMary, và sau đó đưa vào một kịch bản phức tạp không cho phép RoboMary can thiệp vào cài đặt của cô ấy, để xem liệu Qualia có còn được bảo tồn hay không. Thậm chí có một phần tiếp theo báo cáo của Dennett có tựa đề "RoboDennett vẫn chưa biết điều gì. "

Nhưng, như với tất cả các thí nghiệm về tư tưởng triết học, mục đích của Mary và RoboMary không phải là nói cho bạn biết một sự thật. Nó buộc bạn phải suy nghĩ về các lựa chọn và tự mình tìm ra sự thật.

[Emag]AI có thể cạnh tranh với ý thức của con người không? Thử tìm câu trả lời dưới góc nhìn triết học - Ảnh 8.

Có lẽ AI phải được xây dựng giống như RoboMary để đạt được cái gọi là Qualia. Hoặc có lẽ robot có thể được lập trình là có ý thức theo nghĩa rộng hơn, nếu chúng ta có thể tìm ra cách giải thích toàn bộ ý thức một cách toán học thông qua các đoạn mã. Một robot "có ý thức" có thể khám phá thế giới như chúng ta và do đó đạt được trình độ như chúng ta.

Hoặc có thể Qualia không phải là thứ như chúng ta vẫn nghĩ. Câu chuyện của Jackson đưa ra một lập luận thuyết phục rằng một khi Mary nhìn vào màu đỏ, điều gì đó chắc chắn sẽ xảy ra. Nó được đặt cho cái tên Qualia và được coi là học được một điều gì đó mới. Nhưng nếu nó là sự kết hợp của nhiều thứ với nhiều tên gọi, và không liên quan gì đến việc học thì sao?

Hoặc… có thể, Qualia thực sự là một rào cản không thể chạm tới, không thể lập trình được giữa ý thức con người và AI.

Những quan điểm này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và có thể bị bác bỏ một ngày nào đó. Nhưng hãy nhớ lại lý do RoboMary được xây dựng từ ban đầu, đó là một thực thể vượt qua giới hạn của con người.

Và bởi vì là con người, chúng ta có những hạn chế của riêng mình. Nên tất cả những gì chúng ta có thể làm là suy đoán.

Tham khảo Cnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM