‘Trái ngọt’ của hiện tại là thành quả của CEO sinh năm 1992 suốt 1/3 cuộc đời va vấp không ít những ‘trái đắng’. Bản lĩnh, nhạy bén và bền bỉ tìm kiếm cơ hội, ở Tuấn tập hợp toàn vẹn tố chất của những người trẻ tuổi 2x với khát vọng độc lập, tự do tài chính cũng như cống hiến cho sự đi lên chung của một cộng đồng.
Ở lứa đầu 9x, bỏ ngang Đại học có lẽ là một quyết định ‘được ăn cả, ngã về không’, anh đối diện như thế nào trước áp lực từ gia đình?
Năm 20 tuổi, khi đang là sinh viên năm 3 Đại học FPT Đà Nẵng, ý định startup nảy nở và tôi dự kiến bảo lưu khoảng 6 tháng để thử thách bản thân rồi quay lại trường. Nhưng vì quá mải mê công việc mà kéo dài quãng nghỉ đến 8 tháng, quá hạn bảo lưu và tôi không đủ điều kiện để đi học trở lại.
Thực ra lúc đó, gia đình phản đối tôi nhiều lắm. Nhưng có một điều may mắn là trong quá trình học ở FPT tôi đạt được kha khá thành tích ấn tượng và nổi bật. Bây giờ ở Đại học FPT Đà Nẵng vẫn còn hình ảnh của tôi, từ việc đạt giải 3 ý tưởng sáng tạo kinh doanh toàn hệ thống trường trên toàn quốc, đến việc được đánh giá là một trong những sinh viên xuất sắc ở các ngành học chuyên môn, tôi có được lòng tin từ người thân, đặc biệt là mẹ để họ cảm thấy thuyết phục với lựa chọn của mình.
Việc đầu tiên anh bắt tay vào làm khi mới lập nghiệp ở độ tuổi 2x là gì?
Startup đầu tiên của tôi xuất phát từ câu chuyện cá nhân. Hồi đó tôi hay đi du lịch và lúc nào cũng cảm thấy ‘khát’ thông tin review về địa điểm ăn uống. Tôi mới thắc mắc là Việt Nam mình lớn như vậy, du lịch, ẩm thực địa phương hấp dẫn như vậy mà lại không có nơi nào để tìm kiếm thông tin, thời đó cả Google Maps thậm chí còn chưa có. Tôi đi nghiên cứu một số tên tuổi bên Mỹ như TripAdvisor và cũng muốn mang mô hình đấy về Việt Nam, đó là ý tưởng rất sơ bộ, cơ bản.
Tôi đặt tên cho startup đầu đời là OhYeap và dừng lại sau 2 năm hoạt động, bởi vừa khi chưa có kinh nghiệm, tôi lại gặp một đối trọng rất lớn là Foody.
Tôi chuyển qua xây dựng mô hình cộng đồng trên Facebook với những fanpage và group về địa điểm du lịch, ăn uống thu hút được 1,2 triệu lượt tiếp cận, trong đó 70% người dùng đến từ Đà Nẵng. Bây giờ dự án đầu tiên đó trở thành một media agency hàng đầu Đà Nẵng về dịch vụ quảng cáo cho ngành F&B và du lịch, hiện tôi giữ 60% cổ phần.
Trong 8 năm còn lại kể từ khi mô hình đầu tiên khép lại, đã có những gì xảy ra trước khi anh phát triển Selly?
Song song với quá trình làm OhYeap, tôi thấy mình làm quảng cáo cũng khá tốt nên mở ra một công ty là Brando với định hướng cung cấp các giải pháp branding như thiết kết logo, bộ nhận diện thương hiệu cũng như tư vấn quảng cáo mạng xã hội, rồi cùng làm outsourcing với khách ngoại quốc. Nhưng khoản tiền kiếm được lúc đó cứ mãi tà tà, tôi cần một thứ đột phá và tính sở hữu cao về sản phẩm, tôi bán startup đó với giá khoảng 1-2 tỷ.
Thời điểm giữa 2017, tôi lại thành lập nên ứng dụng Zody để giúp người dùng tích điểm cho mọi cửa hàng ở rất nhiều nơi. Để dễ hình dung thì nó là VinID dành cho các SMEs. Tôi gọi được khoảng 200 ngàn đô tiền vốn, cũng có hơn 300 cửa hàng liên kết trong mạng lưới nhưng tôi thấy không ổn vì mô hình không rõ ràng. Với thị trường không tiềm năng như vậy, tôi suy tính được sức bật của nó, rất khó để trở thành một cái tên nổi bật sau 2 năm hoạt động.
May mắn là thời điểm 2019, e-commerce bắt đầu bùng nổ, các sàn thương mại điện tử nở rộ mô hình affiliate marketing và sẵn sàng chi trả rất nhiều tiền cho các chương trình này. Chớp cơ hội đó, tôi hợp tác thử nghiệm chương trình affiliate với Shopee và thấy nó tương đối hiệu quả trên tệp người dùng của Zody. Đó là cú chốt để tôi quyết định đóng cửa ứng dụng Zody, làm luôn về tích điểm online chứ không làm về tích điểm trực tiếp tại chỗ nữa.
Từ đó tôi phát sinh ý tưởng về ứng dụng Cashbag, cơ bản là hợp tác với các sàn thương mại điện tử dựa trên mô hình affiliate, mỗi đơn hàng phát sinh thành công từ các gian hàng trên sàn sẽ thu lại hoa hồng, thay vì bỏ túi toàn bộ thì tôi chia lại cho người dùng dưới dạng Cashbag. Như vậy, người dùng mua qua Cashbag sẽ nhận được mức hoa hồng từ 3-20%, lợi hơn rất nhiều so với mua trực tiếp trên sàn. Tháng 6/2019, tôi trình làng Cashbag và đến tháng 12/2019 thì nền tảng đâu đó đạt giá trị giao dịch 3 triệu USD GMV mỗi tháng, gần như lãi luôn mà không phải đầu tư quá nhiều.
Mặc dù tăng trưởng rất nhanh, nhưng Cashbag gặp phải vấn đề lớn là market cap khá bé, doanh thu ở mức chấp nhận được, không thấp không cao và tôi không nhìn thấy triển vọng vươn tầm công ty triệu đô ở trong thị trường này. Nếu đánh ra khu vực thì đã có đối thủ rất lớn là ShopBack. Đó là những giới hạn khiến cho doanh nghiệp của mình không tăng trưởng đến mức kỳ vọng.
Tôi đã đi qua, làm rất nhiều thứ như vậy chỉ để hiện thực hóa khát vọng duy nhất là kiến tạo một startup ‘kỳ lân’ của Việt Nam và xa hơn là cạnh tranh khu vực. Đó là khát vọng khi mà tôi startup từ năm 20 tuổi và suốt 10 năm qua, tôi luôn theo đuổi nó đến cùng kể cả khi vấp ngã.
‘Đập đi xây lại’ startup mãi mà vẫn thất bại, anh nghĩ nguyên nhân là gì?
Trong chuỗi dài khởi nghiệp, tôi nghĩ chỉ có Zody là thất bại về mô hình, thất bại so với những gì tôi nỗ lực kỳ vọng, còn những cái khác tuy không thành công như mong đợi nhưng nó vẫn tăng trưởng và có mô hình đến nay vẫn còn. Nghiệm lại thì tôi có khoảng 3 bài học.
Điều đầu tiên tôi nghĩ là phân tích thị trường. Thường thì mọi người hay có vấn đề cá nhân, họ nghĩ ra giải pháp để giải quyết chúng và mặc định rằng ai cũng giống mình, nó hình thành một kiểu mẫu kinh doanh. Cách tiếp cận đấy khá rủi ro vì đôi lúc vấn đề cá nhân của mình lại nằm ở trong thị trường rất nhỏ, nhu cầu nằm trong một khoảng rất nhỏ làm mình không phát triển được.
Zody dành cho những cửa hàng rất bé, họ không sẵn sàng trả tiền để tham gia. Tổng chung lại thị trường tôi nghĩ chưa tới 100 triệu USD. Cơ bản thị trường nó đã bé rồi, có chiếm 50% thị trường thì vẫn rất bé và không có gì nổi trội. Đấy là lỗi mà hầu hết các startup và đặc biệt bản thân tôi đã trải qua. Nên ở Selly, việc phân tích thị trường gần như là bài toán đầu tiên, tôi phải lao vào thị trường hàng chục tỷ USD thì mới có thể thành công ty tỷ USD được.
Bài học thứ hai là về huy động vốn. Ngày xưa khi chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi khá sơ hở trong việc xây dựng các vấn đề pháp lý bảo vệ công ty và bản thân mình. Tôi có tìm đến một số nhà đầu tư cá nhân một cách tương đối thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến nguồn vốn rót vào không đáp ứng được kế hoạch tôi đề ra, họ kiểm soát vốn, giải ngân nhỏ giọt. Do thiếu kinh nghiệm trong việc deal cổ phần, đáng lẽ những nhà đầu tư đó chỉ được chiếm một lượng cổ phần nhỏ thôi, có nghĩa là cơ cấu cổ phần của công ty không khoa học nên lúc gọi vốn ở các tập đoàn hay các quỹ VC, ngay từ đầu nhìn vào họ đã không muốn hợp tác. Nguyên tắc ở đây là phải tìm đúng nhà đầu tư và phải chặt chẽ trong vấn đề pháp lý.
Bài học thứ ba là về mô hình kinh doanh. Thời điểm đấy startup của tôi thu hút nhiều người dùng, khoảng vài trăm ngàn người dùng nhưng loay hoay mãi không biết kiếm tiền sao hết. Tôi cứ mơ mộng theo những câu chuyện trên mạng xã hội là kéo người dùng vào mà không tìm cách kiếm tiền. Cho đến khi gọi vốn không thành, doanh thu không có thì công ty thất bại. Sau này tôi rút ra mình phải bỏ tư duy ‘product market fit’, hướng vào ‘business model market fit’. Phải tìm mọi cách để mô hình kinh doanh của mình có doanh thu cao càng sớm càng tốt thì kể cả khi không gọi vốn được vẫn có thể sống, quan trọng hơn là việc đàm phán với các nhà đầu tư diễn ra thuận lợi hơn nhiều, vì họ sẽ nhìn vào tiềm năng lâu dài của doanh nghiệp chứ không phải giải ngân vào để mình trả lương cho nhân viên, trả tiền mặt bằng,…
Nhìn lại quãng đường dài, triết lý kinh doanh hiện tại của anh khác thời điểm chập chững ban đầu hay vẫn vẹn nguyên suốt 10 năm qua? Thành công có phải là nhà cao, xế sang hay những thứ được xã hội công nhận như huy động vốn đô la hàng trăm, hàng triệu?
Tôi nghĩ cái cốt lõi đầu tiên trong kinh doanh bao giờ cũng là con người và đội ngũ sáng lập. Chỉ có con người mới đủ năng lực chứng minh được lợi thế cạnh tranh trước nhà đầu tư. Đồng thời phải luôn song hành cũng những người đồng đội giỏi, cùng lý tưởng để tạo ra sự cộng hưởng lâu dài, vững chắc.
Thứ hai, tôi hay nói với anh em rằng cách làm cũ không tạo ra kết quả mới. Trong những cuộc bàn luận, tôi không nghe lý thuyết từ sách vở hay từ kinh nghiệm bắt chước, học vẹt. Mình phải liên tục đổi mới sáng tạo, thí nghiệm cách làm mới thì mới nhìn thấy kết quả mới.
Đó là tâm niệm khác rất xa so với thời tôi mới startup, hồi đó cái tôi cao lắm, tôi thường xuyên tìm cách thể hiện cái giỏi của mình ra để át đi sự phát triển của đồng đội. Khi trưởng thành hơn, tôi thấy người giỏi là phải biết lùi lại phía sau để tôn vinh, nâng anh em lên, tạo cơ hội cho họ phát triển chứ không phải tôi mới là trung tâm của tổ chức này.
Còn thế nào là thành công, tôi nghĩ không có chuẩn mực để nói là đúng hay sai vì mỗi người có một định nghĩa. Nhưng đối với tôi, thành công không phải là kiếm được nhiều tiền, tất nhiên mình vẫn kiếm tiền nhưng khi đủ sống thì mình không thấy niềm vui ở đó nữa. Tôi thích những người khoe với tôi về giá trị mang đến cho xã hội, cho cộng đồng thay vì nói mình có trong tay trăm tỷ, ngàn tỷ, tôi không thấy có giá trị gì cả.
Mặt khác, việc hoàn thành mục tiêu đặt ra tôi cũng cho đó là thành công. 10 năm qua có cả thất bại, có cả thành công nhỏ, nhưng hạnh phúc nhất là đặt mục tiêu gì ra tôi đều làm và làm được. Năm 20 tuổi tôi muốn 25 tuổi có startup 1 triệu đô, 24 tuổi tôi hoàn thành, rồi tôi đặt mục tiêu nhiều hơn là 10 triệu đô thì năm 30 tuổi tôi có Selly với định giá còn nhiều hơn con số đó. Trước mắt, tôi muốn dựng lên một ‘kỳ lân’ tiếp theo của Việt Nam cùng với VNG và VNPay.
Nhiều mục tiêu và dự định như vậy, hai năm Covid vừa qua có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của anh không?
Ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là tôi có vợ và có con. Thời điểm lockdown đã giúp tôi và vợ có cơ hội chung sống, sự hòa hợp mang đến cho tôi một gia đình nhỏ.
Ngoài ra thì tư duy quản trị công việc và nhân sự của tôi cũng khác hoàn toàn, bây giờ tôi có thể ngồi bất cứ đâu để nắm bắt và điều hành được cả hệ thống hiệu quả. Đó là những niềm vui tạo ra cho tôi động lực làm việc mỗi ngày.
20 tuổi ngày nay là thế hệ rất xông xáo làm chủ và mạnh dạn đầu tư, theo anh họ nên có kế hoạch khởi nghiệp như thế nào để tránh ảo tưởng và đạt được thành công như kỳ vọng?
Tôi nghĩ mình chưa đủ thành tựu để khuyên các bạn làm thế nào thì thành công, nhưng sau 10 năm từng trải, tôi có thể chia sẻ về những bài học xương máu.
Với tôi, khởi nghiệp là câu chuyện đòi hỏi sự nhẫn nại suốt 5-10-20 năm, đừng nên ảo tưởng trong 1-3 năm đầu có thể đạt thành quả to lớn. Xác định được tinh thần như vậy, các bạn phải vạch ra chiến lược 5-10 năm để giảm tỉ lệ thất bại của startup. Ngày trước tôi cũng hào nhoáng lắm, nghĩ 1-2 năm thôi là có trong tay ‘million job’. Nhưng nếu được quay lại 10 năm trước, tôi sẽ chọn đi học, tích lũy kinh nghiệm từ những người sếp giỏi, các tập đoàn lớn hoặc công ty khởi nghiệp thay vì lao thẳng ra thị trường với giấc mộng làm giàu.
Tôi may mắn có được những bậc thầy tử tế và tài giỏi, họ luôn lắng nghe, thấu hiểu, và căn dặn tôi nhiều điều, mở ra cho tôi mạng lưới quan hệ chất lượng.
Tóm lại, tôi nghĩ muốn giỏi hơn người thì mình phải làm nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, hoặc ngay từ đầu mình có điều kiện hơn. Nếu điều kiện của mình không bằng người khác thì mình chỉ có thể không ngừng phấn đấu.
Bạn đã Kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào, kể coi!
- Bước 1: Chia sẻ câu chuyện dưới hình thức bài viết hoặc video.
- Bước 2: Đăng tải bài thi lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi về cho BTC qua email lamgiautuoi20@gmail.com hoặc fanpage Kenh14.vn và Cafef .
"Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?", bạn đã trả lời được câu hỏi này chưa - hay vẫn còn đang trong quá trình tìm kiếm "kịch bản" riêng cho mình? Đó cũng chính là chủ đề 1 của Làm giàu tuổi 20 - cuộc thi sáng tạo nội dung đầu tiên khai thác về chủ đề Tài chính Giới trẻ.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi bài dự thi về BTC qua: email lamgiautuoi20@gmail.com hoặc fanpage Kenh14.vn và CafeF .
Chủ đề "Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào" sẽ diễn ra từ 17/2/2022 đến 9/3/2022 với nhiều giải thưởng hấp dẫn:
• Giải nhất: Kỷ niệm chương và 20.000.000 VND
• Giải Yêu thích do độc giả chọn: Kỷ niệm chương và 2.000.000 VND
• Giải yêu thích do BGK lựa chọn: Kỷ niệm chương và 3.000.000 VND
Cuộc thi Làm giàu tuổi 20 được đầu tư thực hiện, phối hợp tổ chức bởi Kenh14.vn, CafeF cùng sự góp mặt đặc biệt bởi các khách mời là Chuyên gia tài chính uy tín, những người có tầm ảnh hưởng và đam mê về lĩnh vực tài chính. Mọi thông tin chi tiết xem tại đây .