Không chỉ là một bộ phim hình sự thông thường, Tòa Án Vị Thành Niên còn vạch trần nhiều góc khuất của xã hội Hàn Quốc.
1. Cấp trên quan liêu, chèn ép cấp dưới
Ngay từ những tập đầu tiên, Sim Eun Seok (Kim Hye Soo) và Cha Tae Yu (Kim Moo Yul) đã thường xuyên bị thẩm phán trưởng trách phạt khi cố gắng điều tra vụ án. Các thẩm phán trưởng mắng chửi, đập đồ đạc thậm chí đánh cả cấp dưới. Một lần, Sim Eun Seok "bật" lại một thẩm phán trưởng trong hội thảo mà bị tất cả thẩm phán ghét bỏ. Đây chính là nạn "ma cũ chèn ép ma mới" tồn tại trong xã hội Hàn đã cả trăm năm nay.
2. "Bất lực" trước bạo lực gia đình
Trong lúc bạo lực gia đình đang ngày càng leo thang, Sim Eun Seok chỉ ra những hình phạt hiện hành là không thỏa đáng. Nếu người lớn trong gia đình bao che hoặc cổ súy cho hành vi bạo lực, kể cả cảnh sát cũng không có cách nào bảo vệ đứa trẻ. Trong tập 3, cô bé Yu Ri đau khổ khi liên tục phải chạy trốn người cha bạo lực. Chỉ đến khi có bằng chứng là file ghi âm và lời tố giác của bà nội, bố Yu Ri mới bị quản chế.
3. Thiếu quan tâm đến trẻ thành niên
Điều khiến cho trẻ vị thành niên rất dễ sa ngã là không được quan tâm đúng mức. Phụ huynh bận rộn, phó mặc sự giáo dục vào nhà trường, xã hội cũng chẳng để tâm. Ngay cả khi các em phạm tội, nhiều cha mẹ vẫn không nhận ra trách nhiệm của mình. Chính vì vậy, không chỉ xét xử tội phạm vị thành niên, thẩm phán Sim Eun Seok còn yêu cầu người giám hộ phải tham gia các buổi học nuôi dạy con cái.
4. Bệnh thành tích, áp lực học tập
Trong tập 6, phụ huynh một học sinh bị tố gian lận thi cử đã có một bài phát biểu rất hùng hồn. Người này cho rằng học sinh thời nay không thể chỉ cứ học giỏi là đỗ đại học. Vì các trường đều yêu cầu học sinh giỏi toàn diện, tích cực tham gia câu lạc bộ, đạt nhiều giải thưởng. Không chỉ vậy bố mẹ còn thích so sánh con cái với bạn bè, anh chị em khiến các em càng thêm áp lực. Phim cũng chỉ ra Hàn Quốc là nước có tỷ lệ học sinh tự tử cao nhất khối OECD.
5. Quay lén, quấy rối trên mạng
Vấn nạn chụp lén, quay lén các hình ảnh riêng tư đã trở thành nỗi ám ảnh của phái nữ Hàn Quốc. Trong tập 8, Baek Mi Joo bị bạn bè quay lén tại khách sạn, sau đó bị đe dọa bằng tin nhắn buộc cô gái phải làm những việc sai trái. Đa số nạn nhân vì xấu hổ mà không dám tố giác, khiến tội phạm quấy rối càng thêm hoành hành.
6. Mua bán dâm trẻ vị thành niên
Trong tập 5, cô bé mới có 14 tuổi đã suýt nữa bị hãm hại bởi một khách làng chơi. Đáng chú ý, "tú bà" dẫn mối cũng chỉ mới 16 tuổi. Nạn mại dâm học đường cũng đã từng được phản ánh trong Extracurricular (Hoạt Động Ngoại Khóa), cho thấy sự lỏng lẻo của các cơ quan chức năng và sự thờ ơ của các nhà nghỉ trong việc tố giác tội phạm.
7. Đổ lỗi cho nạn nhân
Có lẽ không chỉ ở Hàn Quốc, nhiều nơi trên thế giới vẫn còn tồn tại định kiến sai lệch này. Nạn nhân Seol Ah sau khi bị cưỡng hiếp tập thể đã cố tự sát, không phải vì ám ảnh vụ việc mà vì thái độ của những người xung quanh. Bạn thân của Seol Ah đã bỏ rơi cô vì bị bố mẹ cấm chơi với Seol Ah, trong khi cô không làm gì sai cả. Khi được nói lời sau cuối tại phiên tòa, Seol Ah đã nức nở: "Xin hãy trả lại cuộc sống cho em như trước đây".
Tòa Án Vị Thành Niên đã phát sóng trọn bộ trên Netflix.
Nguồn ảnh: Tổng hợp