Không phải loại rau củ quả nào cũng có chung một cách chế biến. Có những loại rau sau khi đun nấu bị mất chất dinh dưỡng, cũng có những loại rau không được đun nấu kỹ, đúng phương pháp, thậm chí còn sinh ra chất độc hoặc bản thân nó chứa chất độc, không chế biến kỹ để đào thải ra ngoài, do đó gây ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe của người sử dụng. Đối với người già và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu hơn người bình thường, càng cần phải chú ý hơn.
7 loại rau được nhắc tên dưới đây được xếp vào loại thứ sau cùng. Bản thân chúng cần phải được chần qua nước sôi, chắt bỏ nước đi để loại bỏ chất độc tồn dư bên trong thực phẩm, sau đó mới đun nấu và chế biến trực tiếp. Đây là biện pháp không chỉ làm tăng mùi vị mà còn đảm bảo giá trị dinh dưỡng, hữu ích cho cơ thể con người.
1. Mầm cây hương thung
Mầm cây hương thung sở hữu hàm lượng cao nhiều chất dinh dưỡng quý giá như carotene, vitamin B2, vitamin K… Chúng cũng được y học phương Đông cho là có tác dụng chữa bệnh nhất định như giải nhiệt, tiêu độc, cải thiện đường tiêu hóa, giúp mắt sáng, lưu thông khí huyết. Chúng khá giòn và mềm, thường được sử dụng làm nguyên liệu trộn salad với dầu vừng là đem tới hương vị thơm ngon.
Tuy nhiên, mầm hương thung rất dễ hấp thụ nitrat trong đất và chuyển hóa thành nitrite. Ở các loại thực vật khác, hàm lượng nitrite không vượt quá 1mg/kg thường không gây hại rõ rệt cho sức khỏe người sử dụng. Còn trong hương thung, từ sau khi nảy mầm, thời gian càng lâu thì hàm lượng này càng tăng cao đáng kể. Thậm chí có lúc tính bằng đơn vị g/kg.
Do đó, nếu không chần qua nước sôi 15 - 45 giây, nitrite sẽ kết hợp với hemoglobin trong cơ thể gây ngộ độc. Còn các vitamin và dưỡng chất khác vẫn được giữ nguyên vẹn, điển hình là vitamin C và polyphenol. Màu sắc của món ăn cũng hấp dẫn hơn sau khi trần.
2. Cây rau sam
Cây rau sam vừa là dược phẩm hữu ích với cơ thể con người, vừa có giá trị dinh dưỡng cao. Cây rau sam chứa nhiều khoáng chất, nguyên tố vi lượng và các nhóm vitamin có lợi cho sức khỏe như: sắt, đồng, phốt pho, magie, mangan,…
Tuy nhiên, đây là loại cây thân thảo với thân bò sát mặt đất, chủ yếu mọc dại ở những vùng đất ẩm ướt như bên bờ ruộng, dọc đường đi, sông suối. Đặc điểm sinh trưởng đã khiến loài cây mọc ngoài tự nhiên này xen lẫn với nhiều bụi bẩn, các hạt bụi mịn xen lẫn khói bụi ô nhiễm bám vào từng lá, hoặc còn dư cặn thuốc trừ sâu.
Nếu muốn rau sam phát huy được tác dụng bổ ích cho sức khỏe, người nội trợ nên nhớ chần qua trước khi ăn để loại bỏ các tạp chất và chất độc hại tồn dư.
3. Súp lơ xanh
Bông cải xanh là thực phẩm được nhiều người yêu thích, cực kỳ giàu chất dinh dưỡng. Chúng có nhiều dưỡng chất tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa khối u, ức chế các tế bào ung thư.
Thế nhưng, đặc điểm về ngoại hình và tập tính thu hút sâu bệnh đã khiến loại thực phẩm này rất khó có thể rửa sạch bụi bẩn, sâu bọ bên trong. Nguy hiểm hơn là còn có nguy cơ tồn dư lượng lớn thuốc trừ sâu bọ, thuốc bảo vệ thực vật… có thể gây ngộ độc trực tiếp. Đây đều là những tác nhân gây hại mà nước thường không thể làm sạch được.
Do vậy, trước khi xào nấu súp lơ xanh, nên chần qua nước sôi rồi đổ bỏ nước để giúp làm sạch các chất độc hại. Thao tác này cũng giúp món ăn giòn hơn, có màu xanh đẹp mắt, không bị quắt lại khi chế biến về sau.
4. Rau bina
Rau bina hay cải bó xôi là loại thực phẩm có nhiều vitamin và khoáng chất ví dụ như arotenoid chống ôxy hóa, vitamin K và canxi giúp xương, răng chắc khỏe hơn, vitamin E, C và A giúp tăng cường hệ miễn dịch… Chúng rất hữu ích với những người đang bị bệnh thiếu máu, bệnh về đường tiêu hóa, táo bón, hoặc bệnh quáng gà, bệnh gout…
Tuy nhiên, rau bina chứa rất nhiều axit oxalic. Chúng sẽ cản trở cơ thể hấp thụ các khoáng chất cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể, đặc biệt là sắt, magiê và canxi, từ đó gia tăng nguy cơ bị sỏi thận. Việc chần rau chân vịt qua nước sôi trong khoảng 2 - 3 phút sẽ giúp hàm lượng axit oxalic trong rau giảm đi đáng kể.
5. Rau dền
Rau dền rất thích hợp cho người lớn tuổi, nữ giới và bệnh nhân thiếu máu sử dụng do chứa hàm lượng canxi và sắt khá cao. Tuy nhiên, rau dền cũng giống rau cải bó xôi ở chỗ có hàm lượng axit oxalic trong thân rất cao. Vì thế, nên áp dụng phương pháp chần qua nước để sử dụng an toàn hơn.
6. Măng tây
Măng tây là loại thực phẩm chứa dồi dào nguồn vitamin A, C, K,… khoáng chất và chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể khỏi sự tác động của các tác nhân gây lão hóa như: khói bụi, căng thẳng,…
Công dụng của măng tây là rất lớn đối với sức khỏe của chúng ta. Nó có thể giúp cải thiện hệ tiêu hóa, tốt cho xương, điều hòa chứng cao huyết áp… Thế nhưng, nếu không biết cách sử dụng, độc tố cyanide chứa trong măng tây có thể đem tới những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Để giảm thiểu chất độc, người ta thường chần măng từ 2 - 4 phút, tùy vào kích cỡ của chúng. Với những loại thân to, cần chần nước sôi liên tục trong 4 phút, còn với loại thân nhỏ thì chỉ cần 2 phút. Như vậy, măng tây vừa giữ được độ giòn, không làm mất hương vị, vừa đảm bảo an toàn khi sử dụng.
7. Các loại đậu đũa, đậu lăng
Saponin là một loại độc tố ảnh hưởng xấu tới đường tiêu hóa, có trong đậu đũa và đậu lăng, hai món ăn ưa chuộng của nhiều gia đình. Nếu không được loại bỏ thông qua phương pháp chần nước sôi mà trực tiếp xào và sử dụng, người sức khỏe yếu có thể bị buồn nôn và nôn hoặc tiêu chảy.