Apple nổi tiếng vì những thiết kế sang trọng và tối giản. Nhưng trên hết, những chức năng thực tế mới là điểm nhấn khiến cho sản phẩm Apple được ưa chuộng. Đây luôn là tôn chỉ của Apple, với một lịch sử đầy ắp những phát minh đi trước thời đại.
Chúng ta cùng điểm lại 7 sản phẩm ấn tượng nhất từ Apple. Một số thành công, một số thất bại, nhưng tất cả đều đại diện cho tầm nhìn vượt thời gian của hãng.
1. Newton MessagePad
Bất cứ khi nào bạn đọc về những sản phẩm thất bại nổi tiếng của Apple, máy nhắn tin Newton MessagePad luôn đứng đầu danh sách. Nhưng đừng hiểu sai - Newton không bán chạy bởi nó là một sản phẩm tệ, chỉ là vì nó quá hiện đại đối với thời điểm bấy giờ.
Ý tưởng đằng sau Newton khởi sinh khi CEO Apple thời đó, John Scully muốn tạo ra một thiết bị “trợ lý kỹ thuật số” cho phép bạn quản lý thời gian biểu, lưu trữ ghi chú, danh bạ và hơn thế nữa. Sản phẩm đi kèm hệ thống nhận diện chữ viết tay và được cho là mang tính cách mạng vào thời điểm ra mắt.
Vấn đề là các công nghệ đi kèm vẫn chưa sẵn sàng. Newton ra mắt trước khi internet hay email xuất hiện, và nhiều năm sau đó chức năng nhận diện chữ viết tay mới được hoàn thiện. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng chưa bao giờ có cơ hội trở thành hiện thực.
2. iPhone (2007)
Có một câu chuyện vô cùng thú vị về buổi ra mắt iPhone năm 2007 và cách mà Google đáp lại sự kiện này. Google lúc này cũng đang phát triển sản phẩm điện thoại thông minh nhưng bất ngờ bị Steve Jobs “hớt tay trên” một cách ngoạn mục đến nỗi hãng phải bắt đầu lại từ đầu. “Thôi xong, chắc chúng ta sẽ phải bỏ cái điện thoại này đi thôi.” - Andy Rubin khi còn là trưởng dự án Android tại Google.
Trong khi các đối thủ dường như mắc kẹt trong thời đại bàn phím cứng, Apple mở ra một chương mới cho bàn phím mềm. Bàn phím mềm cho phép khả năng tự ẩn đi khi không cần thiết, đem lại tiềm năng khai thác tối ưu diện tích toàn màn hình. Như Steve Jobs đã nói tại thời điểm ra mắt, “iPhone là một sản phẩm cách mạng và kỳ diệu, đi trước mọi sản phẩm điện thoại thông minh nào khác 5 năm theo nghĩa đen.”
3. AirPower (2017)
Vào năm 2017, công nghệ sạc không dây vẫn còn chậm và rối rắm. Nếu thiết bị không được đặt đúng vị trí trên tấm sạc, quá trình sạc sẽ rất chậm hoặc không xảy ra. Apple muốn giải quyết dứt điểm các vấn đề đó với AirPower, với khả năng sạc tới 3 thiết bị cùng lúc mà không cần đặt thiết bị ở vị trí nhất định nào trên tấm sạc.
Cuối cùng, dự án này bị hủy bỏ. Vấn đề có lẽ nằm ở chức năng cho phép người dùng thoải mái đặt Apple Watch ở bất kì đâu trên tấm sạc, trong khi Apple Watch sử dụng công nghệ sạc không dây khác với iPhone. Trong khi Apple loay hoay với các vấn đề quá nhiệt, các đối thủ đã ra mắt các sản phẩm ít tham vọng hơn (không cho phép sạc Apple Watch chung). AirPower là một phát minh mà Apple không thể hiện thực hóa - ít nhất là tới hiện tại.
4. Macbook Air (2008)
Khi Steve Jobs kéo chiếc MacBook Air nguyên bản ra khỏi một phong bì hồ sơ tại triển lãm Macworld Expo 2008, sự kiện nhanh chóng trở thành một trong những màn trình diễn sản phẩm đỉnh cao nhất của Apple. Hãy xem lại thời khắc này và bạn có thể thấy khán giả trầm trồ ra sao khi lần đầu tiên nhìn thấy MacBook Air. Thực sự thì nó khác hẳn mọi laptop thời bấy giờ.
Để chứng minh tính cách mạng của sản phẩm, Steve Jobs so sánh MacBook Air với series laptop Sony VAIO TZ - những chiếc laptop được cho là mỏng nhất thời bấy giờ. Ở điểm mỏng nhất thì chúng vẫn dày tới 0.8 inch trong khi MacBook Air chỉ dày 0.16 inch. Ở điểm dày nhất thì MacBook Air vẫn thắng lớn với chỉ 0.76 inch - mỏng hơn điểm mỏng nhất của Sony TZ. Không chỉ đi trước thời đại, MacBook Air còn vùi dập tất cả đối thủ.
5. Thunderbolt (2011)
Apple đã và luôn ủng hộ những chuẩn kết nối tốc độ cao trên các sản phẩm máy tính của mình. Sản phẩm iMac nguyên bản là sản phẩm máy tính thương mại đầu tiên có USB. Cùng lúc đó, Apple cũng đồng phát triển chuẩn kết nối FireWire.
Năm 2009, Apple cùng Intel phát triển Thunderbolt, với tốc độ lên tới 10Gbps và hứa hẹn đạt 100Gbps trong phiên bản hoàn thiện. Tuy lời hứa này vẫn chưa đạt được, tốc độ 10Gbps khi ra mắt vẫn gấp đôi USB 3.0 được ra mắt vào năm trước đó.
Tuy nhiên do giá thành cao, các nhà sản xuất laptop quyết định rằng người dùng có lẽ sẽ hạnh phúc hơn với cổng kết nối USB 3.0. Apple vẫn tích hợp ThunderBolt cho các dòng Mac, nhưng dù vượt trội hơn các đối thủ thì chuẩn kết nối này vẫn chưa được công nhận rộng rãi.
6. PowerBoook (1991)
Máy Macintosh Portable ra mắt năm 1989 là laptop đầu tiên của Apple, nó khá nặng và cồng kềnh dù có cái tên “Portable” (di động/xách tay). 2 năm sau, PowerBook ra mắt và trở thành nền móng cho định nghĩa laptop hiện đại.
Chức năng con lăn chuột Trackball đã có từ Macintosh Portable, nhưng phải tới PowerBook thì chức năng này thể hiện tính thực dụng khi bố cục thiết kế bao gồm diện tích trống hai bên con lăn cho phép người dùng đặt tay nghỉ. Thiết kế này chính là nguyên mẫu gốc của thiết kế laptop phổ thông mà chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay. Đẹp, thực dụng, PowerBook bán đắt như tôm tươi.
Các mẫu PowerBook sau này cũng là những nhà tiên phong nhờ bàn di chuột trackpad, âm thanh 16-bit stereo và giao tiếp Ethernet tích hợp, khẳng định vị thế dòng sản phẩm như những phát kiến nền tảng quan trọng trong lịch sử các phát minh công nghệ.
7. Apple Lisa (1983)
Được lấy tên theo tên con gái của Steve Jobs, Lisa là một kỳ quan công nghệ thời bấy giờ. Sản phẩm đi kèm với chuột, giao diện đồ họa và có chức năng ghi nhớ vị trí cửa sổ. Nghe thì có vẻ cơ bản, nhưng lúc đó những chức năng này thực sự quá mới mẻ đối với thị trường thiết bị phổ thông. Thậm chí máy còn có thể chạy nhiều hệ điều hành.
Vấn đề mà Lisa gặp phải khi tích hợp quá nhiều tính năng hiện đại đó là giá sản phẩm bị đẩy lên quá cao - tới $9,995, tại thời điểm hiện tại có lẽ là $26,000. Vì giá quá cao, Apple đã phải đánh đổi và sử dụng vi xử lý, ổ cứng chậm chạp và loại bỏ vi xử lý đồ họa. Một năm sau đó Macinosh 128K ra mắt với nhiều chức năng tương tự với giá chỉ bằng một góc của Lisa, nhưng sử sách ghi tên, chính LISA mới là người tiên phong mở đường.
Theo Creative Bloq