Chúng ta thường được nghe kể về câu chuyện của những doanh nhân thành công với mô típ "bỏ học" hay "bỏ việc" để khởi nghiệp, như cách Mark Zuckerberg tạo ra Facebook hay Bill Gates tạo ra đế chế Microsoft.
Nhưng có thể bạn chưa biết:
Phil Knight, nhà đồng sáng lập thương hiệu giày Nike đã bắt đầu bán giày từ năm 1964 trong khi vẫn tiếp tục công việc kế toán của mình cho đến tận năm 1969.
Steve Wozniak, cùng Steve Job đồng sáng lập Apple vào năm 1976 nhưng cùng lúc đó vẫn duy trì công việc fulltime tại HP một năm sau đó.
Mặc dù hai nhà sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin đã tìm ra cách cải thiện đáng kể các tìm kiếm trên internet từ năm 1996 nhưng vẫn không nghỉ học mà chọn hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Stanford vào năm 1998, trước khi đầu tư toàn bộ thời gian cho Google.
Pierre Omidyar, người sáng lập ra Ebay, ban đầu chỉ coi đây là một sở thích cá nhân và vẫn tiếp tục công việc lập trình viên của mình. Cho đến khi trang Ebay đem lại nguồn thu nhập lớn hơn, Pierre mới dốc toàn lực cho thương mại điện tử này.
Phil Knight, nhà đồng sáng lập thương hiệu giày Nike
Câu hỏi có nên nghỉ công việc hiện tại để toàn tâm cho startup hay cùng lúc làm cả hai việc, ít nhất là trong giai đoạn đầu, luôn gây ra những tranh luận trái chiều.
Trong bài viết "How to Die", Paul Graham - nhà sáng lập Y Combinator (mô hình tăng tốc khởi nghiệp, đứng sau hàng loạt startup tên tuổi như AirBnB, Dropbox,…) cho rằng: "Việc đầu tiên bạn không được làm đó là làm công việc khác. Nếu bạn thường nói một câu với mệnh đề rằng "nhưng chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục với startup của mình", bạn gặp rắc rối to rồi."
Nói cách khác, với Paul Graham, không thể khởi nghiệp thành công nếu vẫn giữ công việc cũ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những doanh nhân vẫn duy trì công việc cũ có tỷ lệ thất bại thấp hơn 33% so với nhóm người bỏ việc.
Theo Babak Nivi, nhà đồng sáng lập AngelList và VentureHack, các founder có thể vừa khởi nghiệp, vừa tiếp tục đi làm nhờ một vài cách hiệu quả này:
1. Cần một nhà đồng sáng lập
Nếu có thể tìm thấy 1 hoặc 2 người bạn thực sự hào hứng với ý tưởng kinh doanh của mình, hãy suy nghĩ về việc có thêm những co-founder. Họ là người đồng hành cần thiết để giúp bạn tập trung và đi đúng hướng.
Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mất động lực nhưng nếu biết có một co-founder đang phụ thuộc vào mình, điều đó sẽ giúp bạn vượt qua. Khi thiếu người đồng hành, founder dễ mất hứng thú và chuyển hướng sang làm việc khác thú vị hơn.
2. Sắp xếp thời gian làm việc cùng nhau
Babak và co-founder của mình luôn làm việc cùng nhau vào một buổi tối trong tuần và một ngày cuối tuần. Điều này không có nghĩa là bạn không làm việc vào những ngày khác, nhưng có một thời gian biểu cố định để làm việc cùng nhau sẽ giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn.
3. Có mục tiêu rõ ràng
Điều gì sẽ khiến bạn quyết định bỏ công việc cũ để khởi nghiệp "toàn thời gian"? 5.000 người dùng thường xuyên? 10.000 người dùng mỗi tuần? Hay gọi được vốn?
Đồng thời, mục tiêu này phải đến từ sự đồng thuận giữa tất cả những nhà đồng sáng lập. Bạn hẳn không muốn rơi vào tình huống một người đã sẵn sàng nhưng người khác lại không.
4. Có một ý tưởng có thể thực hiện được khi làm việc part-time
Tất cả startup đều chỉ là giả thiết. Nếu giả thiết của bạn là "chúng ta có thể xây dựng một công cụ chat trên web tốt hơn", nó có thể được thử nghiệm nhanh chóng. Nhưng nếu giả thiết của bạn là "chúng ta có thể tạo ra một chiếc xe hơi chạy bằng nước chanh", bạn không thể thử nghiệm nó khi làm việc part-time.
5. Hiểu rằng phiên bản đầu tiên có thể rất… dở tệ
Gần như có thể chắc chắn rằng thử nghiệm đầu tiên của bạn sẽ không thể thành công ngay lập tức. Hãy chuẩn bị cho một chặng đường dài nếu muốn khởi nghiệp.
Với phiên bản đầu tiên, hãy nhìn vào những thành tích nhỏ bé, những tia hy vọng đang "nhấp nháy" để tiếp thêm động lực cho bản thân. Mỗi tuần, cố gắng làm cho nó tốt hơn và xem liệu ánh sáng nhấp nháy đó có thể trở thành một ngọn lửa lớn hay không.
6. Dành thời gian rảnh để nâng cao kiến thức
Làm gì cũng cần sự chăm chỉ và học hỏi không ngừng. Lúc người khác đang uống cà phê, tán gẫu thì bạn hãy dành thời gian để trau dồi kiến thức, như cập nhật công nghệ, tìm hiểu xem làm thế nào để thu hút nhà đầu tư hay nghiên cứu đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, tránh việc lạm dụng thời gian tại công sở hay nguồn lực của công ty, đồng nghiệp để làm việc cá nhân. Khi được trả lương để làm việc, bạn phải thực hiện nó một cách có trách nhiệm.
7. Chắc chắn rằng bạn sở hữu startup của mình
Nếu quyền sở hữu đối với những tài sản trí tuệ của công ty do bạn sáng lập không rõ ràng, đừng chỉ phụ thuộc vào lòng tốt của các nhân viên. Lòng tham có thể khiến nhiều người thay đổi, kể cả khi họ là những người hỗ trợ bạn đáng kể trong giai đoạn đầu.