Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân Đội, ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm nhưng thường không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Chỉ khi bệnh nặng và chuyển qua giai đoạn cuối, người bệnh mới cảm nhận rõ rệt triệu chứng. Điều này khiến việc điều trị vô cùng khó khăn.
Bệnh thường gặp ở nam giới từ 40-60 tuổi, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới.
Dựa vào mô bệnh học (đặc điểm tế bào ung thư), ung thư phổi được chia thành 2 thể bệnh chính: Ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong đó ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm đa số với 85%.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong năm 2018, 218.520 trường hợp ung thư phổi mới được phát hiện và 142.080 ca tử vong tại nước này.
Trên toàn cầu, năm 2020, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến thứ hai sau ung thư vú với 2,1 triệu ca mắc, là thủ phạm của 1,8 triệu ca tử vong.
Dưới đây là 7 dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi nam giới cần chú ý:
1. Người có triệu chứng khó thở, thở nặng nhọc. Triệu chứng này ở giai đoạn đầu diễn ra không thường xuyên khiến nhiều người chủ quan và bỏ qua. Thủ phạm gây ra triệu chứng này là do sự xuất hiện của khối u cản trở hoạt động của phổi.
2. Ho nhiều, dai dẳng: Ho là dấu hiệu của nhiều bệnh thông thường vì vậy người bệnh thường có xu hướng bỏ qua hoặc chỉ điều trị bằng thuốc cảm cúm thông thường. Nếu bệnh ho dai dẳng lâu ngày không khỏi, khàn tiếng, mất tiếng thì khả năng cao là phổi bị tổn thương và nhiễm trùng. Hãy nghĩ ngay đến ung thư phổi và điều trị kịp thời!
3. Đau tức ngực là một dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư phổi. Người bệnh sẽ bị đau khi hoạt động mạnh, khi cười hoặc khi ho.
4. Sút cân bất thường không rõ nguyên do là một dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư phổi. Người bệnh có thể sút trên 3kg/tháng mà không phải do ăn kiêng hay tập luyện. Việc xuất hiện khối u ở phổi sẽ đẩy mạnh quá trình trao đổi chất, dẫn đến việc tiêu tốn năng lượng và sụt cân.
5. Đờm khi ho có lẫn máu cũng là một trong những dấu hiệu ung thư phổi ở nam giới. Người bệnh sẽ gặp các đốm máu nhỏ trong đờm khi ho.
6. Thường xuyên bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp. Nguyên nhân do phổi bị tổn thương, vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập.
7. Đau vai kéo dài - dấu hiệu này thường bị người bệnh bỏ qua. Hiện tượng này là do khối u chèn ép lên phổi, tạo áp lực khiến oxy khó đến các bộ phận như vai, cánh tay, bàn tay.
Theo BS Thái, "để phòng tránh ung thư phổi, mọi người nên có lối sống lành mạnh, tránh xa khói thuốc, ăn uống đầy đủ và có chế độ tập luyện lành mạnh. Đặc biệt mọi người nên khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm để phát hiện được bệnh sớm".