Đối mặt với những căng thẳng (đặc biệt là trong các kỳ thi) không phải là một điều dễ dàng. Theo ước tính, mỗi năm có tới 20 - 50% sinh viên đại học phải đi tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia cho các vấn đề tâm lý của mình. Đó là con số biết nói, cho thấy những áp lực đang ảnh hưởng đến các bạn học sinh, sinh viên. Do đó, 7 mẹo dưới đây sẽ là “thần dược” để giúp bạn vượt qua những căng thẳng khi kỳ thi đang cận kề.
1. Tạo khoảng nghỉ cho bản thân
Dành một vài phút mỗi ngày để “relax” và lên dây cót cho bản thân để mạnh mẽ đối đầu với những áp lực sắp tới là một điều cần thiết. Nó sẽ giúp bạn có thời gian để suy nghĩ một cách nghiêm túc và thấu đáo về những vấn đề đang gặp phải, từ đó bạn sẽ tìm được hướng giải quyết để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi bản thân. Khi cảm thấy thoải mái, học tập và làm việc sẽ trở nên hiệu quả hơn.
2. Ăn và ngủ một cách đều đặn
Có rất nhiều sĩ tử thức trắng cả đêm để học tập và ôn luyện, ăn uống không điều độ, lười vận động và chỉ “cắm mặt” vào sách vở với suy nghĩ tranh thủ “nhồi nhét” càng nhiều kiến thức càng tốt. Đó chính là một lối suy nghĩ sai lầm. Bởi lẽ, khi sức khỏe về thể chất và tinh thần không thể được đảm bảo, bạn sẽ càng lún sâu hơn tình trạng căng thẳng. Đồng hồ sinh học tự nhiên sẽ bị đảo lộn và bạn sẽ bị cuốn vào vòng quay của sự áp lực và căng thẳng.
Để đảm bảo sức khỏe, hãy ngủ đủ 8 tiếng một ngày. Hạn chế sử dụng thức uống có chứa caffein hoặc cồn mà thay vào đó là bổ sung thật nhiều nước, ăn thật nhiều hoa quả. Hãy dành ra cho bản thân ít nhất nửa giờ tập thể dục mỗi ngày.
3. Xác lập mục tiêu cho bản thân
Thiết lập các kế hoạch hành động một cách cụ thể, cho từng tuần, từng ngày hay chỉ vài giờ ít ỏi trước kỳ thi là một điều tối quan trọng. Biết xác lập mục tiêu sẽ giúp bạn “nắm đằng chuôi” và kiểm soát được mọi thứ. Hãy lên một thời gian biểu hợp lý cho từng môn học. Ví dụ: tối nay sẽ phải hoàn thành chương toán này còn ngày mai sẽ phải học thuộc văn bản kia. Điều đó sẽ làm tối đa hóa năng suất và bạn sẽ không bị hay lãng quên hay bỏ ngỏ kiến thức. Đặc biệt, đừng để nước đến chân mới nhảy.
4. Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Năm 2004, một bài báo nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Ngôn ngữ học và Giáo dục đã chỉ ra rằng, việc ôn tập với bạn bè là một phương pháp học tập hiệu quả vì nó sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức tốt hơn. Hơn nữa, học nhóm sẽ rất có lợi cho bạn về mặt tinh thần khi luôn có sự hỗ trợ của “đồng bọn” mỗi lúc bạn phát tín hiệu giải cứu “ét o ét”.
5. Vững tinh thần trước kỳ thi
Tình trạng hoảng loạn trước, trong hoặc thậm chí sau kỳ thi là điều phổ biến ở các bạn học sinh. Nếu bạn đang phải đối mặt với những áp lực, đừng lo lắng mà hãy hít thở thật sâu và bình tĩnh quay lại với các vấn đề đang cần được giải quyết, đảm bảo nó trong vùng kiểm soát của bản thân. Hãy nhớ rằng luôn có một giải pháp hợp lý cho mọi vấn đề, ngay cả khi bạn không thể nhìn thấy nó ngay từ lần đầu đối mặt.
6. Tin tưởng vào bản thân
Khi liên tục phải đối mặt với những thử thách mới, chúng ta thường thu mình lại và cảm thấy mệt mỏi, áp lực với mọi thứ. Hãy luôn nghĩ rằng bạn đã chuẩn bị tốt, vậy nên không có lý do gì để bản thân phải lo lắng, hoảng sợ. Do đó, khi trải qua suy nghĩ tiêu cực, hãy cố gắng thay thế nó bằng một suy nghĩ tích cực khác. Ví dụ, thay vì nghĩ “Nếu tôi không đạt được ít nhất 8 điểm toán, tôi sẽ là một kẻ thất bại”, hãy nghĩ rằng “Bất kể tôi đạt được bao nhiêu điểm, tôi sẽ tự hào về bản thân vì đã thật nỗ lực, vượt qua được giới hạn của bản thân”. Bạn hoàn toàn có thể làm được điều này!
7. Nếu bạn cảm thấy mình đang gặp khó khăn, hãy nói chuyện với ai đó
Yêu cầu sự giúp đỡ không bao giờ là điều xấu hổ. Trong những trường hợp khó khăn nhất, nó có thể giúp bạn vượt qua được vũng lầy của áp lực. Khi gặp khó khăn, hãy nói chuyện với bạn bè, gia đình hoặc giáo viên về những suy nghĩ tiêu cực đang bủa vây bạn. Ngoài ra, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.