Bàn chân là bộ phận nâng đỡ toàn bộ cơ thể, nhưng đôi khi chúng ta không để ý nhiều đến chúng.
Hãy nghĩ về tần suất bạn sử dụng đôi chân của mình mỗi ngày. Chúng đưa bạn từ nơi này sang nơi khác, nâng đỡ cơ thể khi bạn chạy bộ, tập thể dục, hoặc đứng xếp hàng ở một cửa hàng đông khách.
Tuy nhiên, có nhiều thói quen xấu hằng ngày có thể khiến đôi bàn chân của bạn ‘chịu đòn’. Dưới đây, hai bác sĩ chuyên về sức khỏe chân chia sẻ 6 thói quen xấu như vậy.
1. Đi giày không phù hợp
Đôi giày bạn đi khi chơi thể thao, đi bộ trong công viên, đi làm… có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bàn chân.
"Giày phải vừa vặn, cả ở phần ngón chân, giữa bàn chân và gót chân", bác sĩ chuyên về sức khỏe chân ở Mỹ, Tiến sĩ Dan Geller, giải thích. "Bạn nên tránh những đôi giày quá chật và có gót trơn trượt. Hãy xem xét một đôi giày có đệm lót phù hợp với nhu cầu. Nếu bạn đầu tư một cách khôn ngoan, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng".
Ngoài ra, hãy đảm bảo đôi giày bạn chọn không quá chật vì chúng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho bàn chân. Theo Tiến sĩ Brad Schaeffer, bác sĩ phẫu thuật bàn chân tại phòng khám Central Park SOLE, Mỹ, "giày mũi nhọn là loại giày tồi tệ nhất - đặc biệt đối với nam giới. Nó có mũi nhọn khiến ngón chân của bạn bị chèn ép. Đi giày quá chật có thể là thủ phạm lớn nhất gây ra các vấn đề về chân như sưng ngón chân cái và móng chân mọc ngược".
2. Đi dép xỏ ngón quá nhiều
Tiến sĩ Geller cho rằng dép xỏ ngón là vật dụng không thể thiếu khi bạn đi tắm biển hoặc thư giãn bên hồ bơi, nhưng bạn không nên đi dép xỏ ngón quá nhiều.
Bác sĩ giải thích: "Dép xỏ ngón thiếu đệm lót, tạo sức ép cho khung bàn chân và các gân bàn chân. Chúng cũng khiến các ngón chân của chúng ta phải căng lên để bám vào mặt trước của dép xỏ ngón, điều này có thể dẫn đến tình trạng ngón chân hình búa."
3. Không đi tất khi đi giày
Không đi tất khi đi giày có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc các vấn đề phổ biến ở chân như nấm bàn chân. Tiến sĩ Schaeffer giải thích rằng tất giúp loại bỏ độ ẩm dư thừa, thứ có thể gây ra các vấn đề phổ biến ở chân.
4. Ngày nào cũng đi cùng 1 đôi giày để tập
Một số người sẽ chọn cố định một đôi giày để tập luyện hằng ngày. Nhưng tiến sĩ Schaeffer nói rằng: "Việc mang một đôi giày ngày này qua ngày khác (nhất là khi bạn tập luyện) có thể khiến giày bị ẩm. Giày của bạn mất khoảng một ngày hoặc hơn để khô hoàn toàn".
5. Không chăm sóc bàn chân
Một trong những thói quen xấu có thể hủy hoại đôi chân của bạn là không chăm sóc chúng một chút nào. Kiểm tra sức khỏe bàn chân nên là hoạt động hằng ngày. Hãy nhìn vào phần da ở lòng bàn chân, da ở giữa các ngón chân và da ở đầu bàn chân. Tiến sĩ Geller khuyến nghị: "Nếu bạn thấy bất kỳ tổn thương đáng ngờ nào mà bạn chưa từng thấy trước đây, hãy đi khám".
Ngoài ra, nếu bạn có một quy trình chăm sóc da rất nhiều bước ở mặt và body thì bàn chân của bạn cũng xứng đáng được áp dụng chế độ đó!
Tiến sĩ Schaeffer nói: "Chúng ta có nhớ xoa bóp bàn chân của mình không? Da khô ở bàn chân có thể dẫn đến nứt nẻ và gây khó chịu".
6. Cắt móng chân quá ngắn
Cắt móng chân quá ngắn là một thói quen xấu khác có thể tàn phá đôi chân của bạn. Tiến sĩ Schaeffer khuyên bạn nên thận trọng khi cắt móng chân. Nếu chúng quá ngắn, bạn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn.
Tiến sĩ Geller đồng ý rằng cắt móng chân quá ngắn là điều tối kỵ. Ông giải thích điều này có thể làm tổn thương mô, gây nhiễm trùng hoặc móng chân mọc ngược.
Cách chăm sóc bàn chân hằng ngày
Trước hết, hãy thay tất của bạn mỗi ngày! Tất mới có thể giúp bạn tránh được các vấn đề về chân như nấm chân.
Tiếp theo, nếu bàn chân có dấu hiệu lạ, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Tiến sĩ Geller nói: "Bàn chân rất phức tạp và cơn đau thường không bình thường. Cơn đau cấp tính có thể dễ dàng trở thành cơn đau mãn tính, cản trở các hoạt động hằng ngày cũng như các hoạt động thể thao và tập luyện. Mát-xa mô sâu rất tốt cho toàn bộ cơ thể, đặc biệt là bàn chân vì nó kích thích lưu lượng máu, hỗ trợ phục hồi cơ và gân, đồng thời phá vỡ các mô sẹo".
Một mẹo cực kỳ đơn giản nhưng hay bị bỏ qua khác là cọ rửa bàn chân khi đi tắm, bao gồm kẽ ngón chân.
(Nguồn: Eat This)