Người ta thường nói: "Suy nghĩ tạo nên hành động. Hành động tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận". Thật vậy, con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Do đó, sự ngoan ngoãn, tử tế của con phụ thuộc phần lớn vào phong cách giáo dục của đấng sinh thành.
Khi còn nhỏ, cha mẹ hoàn toàn có thể giáo dục con cái bằng ngôn ngữ. Sử dụng đúng từ ngữ có thể giúp một đứa trẻ trở nên tử tế và có ích hơn cho xã hội. Dưới đây là những câu được coi là "kỳ diệu" mà cha mẹ nên "rỉ tai" con thường xuyên, bao gồm cả những câu nói "bình dân", nhưng lại vô cùng lợi hại trong hành trình nuôi dạy con cái.
Cha mẹ yêu con
Câu nói "Cha mẹ yêu con" chính là một phương thuốc "thần kỳ" để có thể hàn gắn sợi dây tình cảm gia đình. Dẫu vậy, không ít phụ huynh lại quên đi mất công dụng của nó. Bởi lẽ, cha mẹ thường nghĩ rằng, tình yêu dành cho con tốt hơn hết là nên được giữ kín trong lòng và hành động thường quan trọng hơn là lời nói.
Tuy nhiên, quan điểm đó không thật sự đúng. Bởi hành động có thể bộc phát theo nhiều cách khác nhau, nhưng nếu cha mẹ không nói rõ tình yêu thương của họ dành cho con thì chúng vẫn sẽ mãi là ẩn số, đặc biệt đối với bộ óc non nớt của trẻ. Câu nói "Cha mẹ yêu con" dù đơn giản, nhưng nó là một tuyên bố có trọng lượng. Và trái với niềm tin thông thường, trọng lượng sẽ không giảm đi khi "lạm dụng quá mức" câu nói "thần kỳ" này.
Câu "Cha mẹ yêu con" nên được sử dụng một cách thường xuyên, đặc biệt là khi đứa trẻ đang cảm thấy có nguy cơ mất đi tình yêu thương của cha mẹ.
Làm ơn
Các bậc cha mẹ đôi khi mặc định lên con trẻ một quan điểm sai lầm rằng chúng phải tuân theo những gì người lớn nói và không có quyền đi ngược lại. Đó là cách giáo dục một chiều với những khát khao kiểm soát của cha mẹ hơn là sự đồng cảm dành cho con.
Nói từ "làm ơn" đôi khi hơi câu nệ giữa cha mẹ và con cái, nhưng nó có nhiều tầng lớp nghĩa hơn thế, đặc biệt là đối với trẻ em. Nó biểu thị một yêu cầu từ "bề trên" nhưng cũng ngầm khẳng định rằng người được yêu cầu có quyền tự do từ chối. Câu nói này sẽ làm tăng sự tự chủ và quyền tự quyết trong trẻ.
Khác với việc làm giảm quyền lực của cha mẹ, nói "làm ơn" thực sự có thể làm tăng sự tôn trọng mà một đứa trẻ dành cho bậc sinh thành của mình, vì chúng cảm thấy bản thân được tôn trọng. Tôn trọng hơn có nghĩa là chúng sẽ tuân thủ sự uốn nắn của cha mẹ nhiều hơn.
Ngay kể cả khi việc nói "làm ơn" chỉ đơn thuần là phép lịch sự tối thiểu, thì điều đó hoàn toàn không có gì sai cả. Các bậc cha mẹ muốn một đứa trẻ lớn lên với sự lễ phép, ngoan ngoãn và lịch sự thì nên sử dụng cụm từ này thường xuyên.
Cảm ơn con yêu
"Cảm ơn con yêu" là một câu nói để bày tỏ sự tôn trọng của cha mẹ với con cái. Khi đứa trẻ được tôn trọng thì nó cũng sẽ lan tỏa điều này đến với người khác. Cho dù là một hành động nhỏ nhất, thì cha mẹ cũng không nên quên sử dụng cụm từ này cho con.
Mặt khác, nếu muốn con mình trở thành người lịch thiệp, cha mẹ cũng phải dạy con tầm quan trọng của từ "cảm ơn". Nếu đứa trẻ nhận được một món quà sinh nhật và chúng quá thích thú đến mức quên nói cảm ơn đến với người tặng. Cha mẹ đừng ngại nói với con trước đám đông rằng "con phải nói lời cảm ơn". Lúc đầu, điều này có thể làm con cảm thấy xấu hổ, nhưng về lâu dài nó sẽ tạo chúng một phản xạ tốt khi tiếp nhận một điều gì đó từ người khác.
Xin lỗi con
Cha mẹ nào cũng muốn một con cái lớn lên sở hữu cho mình đức tính khiêm tốn. Một đứa trẻ không thể nói lời xin lỗi là một đứa trẻ vô cảm, có xu hướng bạo lực và thích làm tổn thương người khác. Những đứa trẻ đó không nhìn thấy tổn thương mà bản thân đã gây ra với mọi người xung quanh. Rất có thể, lớn lên chúng sẽ trở thành một người cục cằn và hành động mang đậm tính bạo lực.
Nếu trẻ không biết xin lỗi, cha mẹ có thể giúp chúng cảm thấy thấu hiểu hơn bằng cách đóng vai là một người thay thế để xin lỗi về những sai lầm của con. Không chỉ thế, cha mẹ cũng phải biết nói lời xin lỗi khi bản thân hành xử không đúng mực. Nói "cha mẹ xin lỗi con" là một cách tuyệt vời để hướng trẻ đến lòng đồng cảm.
Khi cha mẹ nói xin lỗi, họ cũng đang khẳng định rằng bản thân đang cảm nhận được nỗi đau về tình cảm (hoặc thậm chí là thể xác) mà họ đã gây ra cho con.
Cha mẹ luôn thấu hiểu con
Đôi khi, lý do khiến trẻ hành động một cách bản năng hoặc trở nên nổi loạn là vì chúng cảm thấy đó là cách duy nhất để có thể được lắng nghe. Cụm từ này được sử dụng hiệu quả nhất khi cha mẹ biết cách điều tiết cảm xúc và thực sự thấu hiểu con. Thay vì nói: "Đi ngủ đi" thì phụ huynh có thể nói rằng: "Mẹ hiểu rằng con đang rất buồn vì con chưa muốn đi ngủ. Nhưng bây giờ là 11h rồi"...
Đây là một cách khác để giúp con hiểu được sự đồng cảm. Do đó, không có lý do gì một đứa trẻ lại "nổi cơn thịnh lộ" nếu nhận được những thông điệp tích cực đó từ cha mẹ.
Đó có phải là sự thật không?
Câu nói này chẳng khác gì là một tuyên ngôn rắn rỏi của cha mẹ trước những lời nói dối của con, bởi lẽ trẻ em rất dễ dàng để tạo dựng lên câu chuyện mà trong đó chúng trở thành nạn nhân (dù bản thân đã mắc sai lầm trước đó).
Hãy dạy cho con giá trị của tính trung thực. Trẻ con có xu hướng che giấu một số điều vì chúng sợ sẽ bị trừng phạt. Bạn nên thuyết phục con nói thật bằng thái độ nhân nhượng, nhẹ nhàng, bao dung và dạy cho con tại sao việc nói thật lại quan trọng. Chính điều này sẽ giúp con mở lòng hơn. Khi cha mẹ nói câu này, con trẻ sẽ buộc chúng phải suy nghĩ một cách chín chắn về những gì chúng định nói ra. Kể từ đó, nó sẽ ngăn cản đáng kể xu hướng nói dối ở trẻ.
*Theo Fatherly