1. Chuột và chó
Một bầy chuột trèo lên bàn ăn trộm thịt, nhưng chúng đã đánh thức con chó đang ngủ ngay bên cạnh đó.
Con chuột già thử thương lượng với chó: "Này anh chó, nếu anh không lên tiếng, chúng tôi có thể lấy cho anh một vài miếng thịt ngon lành. Mọi người cùng chia sẻ vui vẻ với nhau nhé”
Chú chó nghiêm khắc từ chối: "Các ngươi mau cút khỏi đây, nếu bà chủ tỉnh dậy mà không thấy thịt đâu, chẳng phải ta mới là kẻ bị nghi ngờ đầu tiên. Đừng hòng ta tin lời!”
Cảm hứng:
Đừng hợp tác với những đối thủ đang muốn hạ bệ bạn, khi họ cho bạn một chút lợi ích thì có thể bạn sẽ mất đi một lợi ích lớn hơn.
2. Ếch và chuột
Một con ếch vốn rất khó chịu với chú chuột nhà hàng xóm, luôn tìm cơ hội dạy cho anh ta một bài học. Một ngày nọ, ếch đang bơi thì nhìn thấy chuột, nó bèn ra vẻ hết lòng khuyên chuột xuống nước chơi cùng cho vui. Chú chuột không dám.
Ếch bèn nói: “Đừng lo, tôi có một cách hay lắm. Chúng ta cột chung với nhau một sợi dây. Nếu anh bị làm sao, tôi cứu anh.”
Nghe vậy, chuột đồng ý thử.
Cột xong dây, ếch lập tức lao xuống nước và lặn xuống rất sâu. Chuột bị kéo theo và uống một bụng nước. Bụng nó nó trương lên, nổi lềnh phềnh trên mặt nước.
Đúng lúc diều hâu bay qua, nó nhanh chóng phát hiện con mồi và lao xuống bắt chuột. Ai ngờ, do buộc chung một sợi dây, con ếch cũng chịu kéo lên khỏi mặt nước. Cuối cùng, cả nó cũng rơi vào bụng diều hâu.
Trước khi chết, con ếch chỉ kịp nghĩ: “Không ngờ mình lại tự hại mình".
Bài học:
Cạnh tranh phải có quy luật. Khi chúng ta áp dụng thủ đoạn không chính đáng để đối phó với đối thủ cạnh tranh, bản thân mình cũng đã bước vào ngưỡng cửa thất bại.
3. Nhạn trắng sa lưới
Nhạn trắng thường tụ tập bên hồ, chọn nơi đó làm địa phương sinh sống. Con nhạn đầu đàn cắt cử một thành viên gác đêm, nếu thấy có người tới thì lập tức kêu to báo động cho mọi người cùng biết.
Những người thợ săn ở vùng hồ đã quen với tập tính của bầy nhạn trắng. Vào ban đêm, họ cố tình đốt đuốc. Khi những con canh gác nhìn thấy ngọn lửa và kêu to, cả đàn nhốn nhác chạy trốn, các thợ săn nhanh chóng dập đuốc. Một lúc sau, thấy yên tĩnh, đàn nhạn lại quay về.
Các thợ săn cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, đàn nhạn tưởng tên canh gác cố tình lừa gạt, tức tối lao vào trừng phạt nó. Sau đó, dù nhìn thấy ánh lửa lập lòe, những con canh gác cũng không dám kêu. Các thợ săn cứ âm thầm tiếp cận và một đám bắt hết, không thoát con nào.
Bài học:
Đừng bao giờ buông lỏng cảnh giác trước những đối thủ cạnh tranh nguy hiểm. Một giây lơ là, bạn sẽ bị quy luật thị trường nuốt chửng.
4. Động vật kéo xe
Cò, Tôm và Thiên Nga không biết từ khi nào đã trở thành bạn tốt của nhau. Một hôm, họ tìm thấy một chiếc xe trên đường, trong xe có rất nhiều món ngon. Vì vậy, cả ba rủ nhau kéo chiếc xe về nhà.
Thế nhưng, dù con nào con nấy thi nhau ra sức, chiếc xe vẫn ở nguyên chỗ cũ mà không nhúc nhích nửa bước.
Thì ra thiên nga tung cánh bay lên trời, tôm thì kéo giật lùi về đằng sau, cò thì lại cố kéo về phía hồ nước.
Đến cuối cùng, ai đúng ai sai? Dù sao thì tất cả họ đều đã làm việc chăm chỉ đúng phần của mình.
Bài học:
Đội ngũ bao gồm những người có tài năng khác nhau và đều có tinh thần cống hiến cho công ty. Nhưng nếu công ty không thể tận dụng theo đúng cách thức, áp dụng vào đúng mục tiêu, đoàn kết năng lực với nhau thì cuối cùng kết quả chỉ như dã tràng xe cát biển Đông.
5. Ra lệnh cho hổ
Tại một vùng nọ, có con hổ thường xuyên lẻn xuống núi ăn thịt người và gia súc. Người dân trong vùng bèn yêu cầu quan huyện diệt trừ con hổ này. Vị quan trái lo phải nghĩ, lại không dám vào rừng, cuối cùng bèn hạ lệnh cho người ta khắc Lệnh Đuổi Hổ vào nham thạch. Trùng hợp thế nào, sau đó, con hổ thực sự rời khỏi vùng đất này. Vị quan đắc ý nghĩ: "Đến lão hổ còn phải nghe lời ta!"
Sau này, vị quan được điều chuyển tới địa phương khác làm quan. Người dân nơi đây khó quản, có tinh thần “bài ngoại” rất mạnh, họ không phục tùng mệnh lệnh của một kẻ đến từ nơi khác. Thay vì tìm hiểu dân tình, hòa nhập với đời sống nơi đây, vị quan lại thực hiện kế cũ. Ông ta tiếp tục sai người khắc vào đá mệnh lệnh của mình.
Kết quả là chẳng bao lâu sau, ông ta mất chức vì không thể cai quản dân chúng của chính mình.
Bài học:
Rất nhiều doanh nghiệp từng thành công, từng thu được lợi nhuận phong phú dựa vào một phương pháp nào đó. Nhưng khi thị trường mới xuất hiện, nếu còn tiếp tục vận dụng phương pháp cũ mà không có sự điều chỉnh thích hợp, kết quả nhất định thất bại thảm hại.
6. Chú hổ sống sót
Các thợ săn thường đào bẫy trong núi sâu và đặt vào đó dụng cụ bẫy thú rồi bỏ đi. Chỉ cần con thú nào đó đặt chân vào bẫy, nó sẽ kẹp chặt chân con thú.
Một lần, chú hổ dũng mãnh đang trên đường kiếm ăn thì vô tình giẫm phải bẫy thú. Dù vùng vẫy đến mấy, nó cũng không thể thoát ra.
Chú hổ biết rằng, đợi đến lúc thợ săn phát hiện và quay lại đây kiểm tra, chắc chắn đầu lìa khỏi cổ. Chẳng lẽ một miếng sắt nhỏ này lại có thể trói buộc chúa tể sơn lâm oai dũng mạnh mẽ như nó?
Thế là nó nổi giận, liều mạng nhảy lên, thậm chí bẻ gãy bàn chân đang bị kẹp trong bẫy và cuối cùng cũng kịp trốn thoát trước nòng súng của thợ săn.
Bài học:
Mọi công ty trên thị trường đều có thể rơi vào bẫy thị trường, những cái bẫy này có thể đến từ việc thiếu vốn, hỗn loạn tổ chức, khách hàng bỏ rơi, đại lý nổi loạn,… Nhưng khi công ty nhận ra cái bẫy này, liệu họ sẽ ngập ngừng, do dự, để rồi chịu ảnh hưởng còn thậm tệ hơn, hay dám dứt khoát hy sinh một phần để giữ gìn toàn bộ giống như con hổ này?