Dù bạn đang thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội bằng cách làm việc tại nhà hay vẫn đi tới công ty, văn phòng thì công việc nào cũng yêu cầu sự giao tiếp giữa người với người: đồng nghiệp, đối tác, gia đình. Mặt tốt là mọi người có thể tương tác, tiếp thêm động lực, cổ vũ cho nhau. Nhưng ngược lại, dù không cố ý, nhiều thành phần giúp đỡ thì ít mà ngáng chân thì nhiều.
Để tạo không khí làm việc vui vẻ và hiệu quả cao, dưới đây là một số cách có thể áp dụng:
Giảm tạp âm xung quanh
Một trong những ưu điểm của làm việc tại nhà là bạn sẽ không bị làm phiền bởi những tiếng ồn công sở như tiếng trao đổi công việc, tiếng máy điện thoại văn phòng, thông báo từ máy đồng nghiệp…
Nhưng ở nhà cũng có tiếng ồn riêng của nó, từ người thân, bạn cùng phòng hay từ công trường, hàng xóm. Hẳn trong những ngày này, bạn đã khá quen thuộc với những cuộc họp mặt trên ứng dụng Zoom. Chỉ cần 1, 2 người quên tắt mic là cả phòng họp đã thành "cái chợ", không ai nghe thấy người kia đang nói gì mà chỉ thấy ồn ào.
Xét về mặt khách quan, mức độ ảnh hưởng của tiếng ồn, âm thanh đến mỗi người là khác nhau. Một số người làm việc năng suất hơn khi nghe nhạc, người khác thì yêu cầu sự yên lặng tuyệt đối để tập trung. Chưa có câu trả lời chính xác để lí giải hiện tượng này, nhưng có thể nó liên quan đến hội chứng "misophonia"- rối loạn khiến bạn có phản ứng mạnh mẽ và tiêu cực thái quá với những âm thanh thông thường như tiếng nhai hay tiếng thở.
Những tạp âm xung quanh sẽ làm giảm sự chú ý của bạn. Thay vì toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc, bạn sẽ bận tâm tìm xem tiếng ồn đó là gì, đến từ đâu.
Nếu chính bạn cũng đang khó chịu bởi những âm thanh này, hãy cố gắng tôn trọng không gian riêng của mọi người xung quanh. Nếu muốn có thêm âm nhạc khi làm việc, hãy đeo tai nghe để không làm phiền người khác, giữ điện thoại ở chế độ im lặng và không nói chuyện trong khu vực làm việc.
Thời gian là vàng bạc
Hãy biết tiết kiệm thời gian cho mọi người bằng cách có mặt đúng giờ, dù đó là gặp mặt trực tiếp hay trực tuyến. Thói quen này cũng nên áp dụng cho việc hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn. Đây không chỉ thể hiện tính chuyên nghiệp và biết tôn trọng mọi người mà còn tránh lãng phí thời gian của người khác.
Ví dụ, bạn vào họp muộn 10 phút, những người khác sẽ phải ngồi chờ và mang tâm trạng bực dọc, không thoải mái. Tình hình sẽ tệ hơn nếu chỉ vì 10 phút đó mà làm hỏng cả kế hoạch, lịch trình của mọi người.
Giảm việc nhắn tin
Đừng quá lạm dụng Email, Messenger hay Zalo, Skype. Nếu muốn trao đổi sâu và rõ ràng, hãy gọi điện nói chuyện trực tiếp. Một cuộc gọi sẽ vắn tắt lại hết nội dung trong thời gian ngắn, thay vì cứ bàn bạc qua lại thông qua tin nhắn trong thời gian dài.
Hiểu biết về đối phương
Susan David - Tiến sĩ ngành Tâm lý học của Đại học Y Harvard và là tác giả của quyển sách Emotional Agility (tạm dịch: Thích ứng cảm xúc) nói trong bài phỏng vấn với Harvard Business: "Chúng ta hẳn ai cũng từng có trải nghiệm đi thang máy, trong đó tất cả mọi người đang cắm cúi dùng điện thoại, nên bạn bất giác lấy điện thoại của mình ra để trông giống họ".
Một khảo sát từ đại học Stanford đã chứng minh hiện tượng này. Họ chỉ ra rằng nếu hành khách ngồi cạnh bạn trên máy bay mua loại đồ ăn nào đó, dù quen biết họ hay không, khả năng bạn muốn mua thứ tương tự sẽ tăng lên 30%.
Hiện tượng này cũng xảy ra khi nói đến sự phân tâm, xao nhãng. Ví dụ, một đứa trẻ vì đã ngủ ngày nhiều nên không chịu nghỉ trưa, sẽ sinh ra buồn chán và cố gọi các trẻ khác dậy chơi cùng.
Nếu bạn đang cảm thấy buồn chán, rảnh rỗi thì hãy tự làm cho bản thân trở nên bận rộn, như dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp tủ quần áo hay xóa bớt hộp mail, nghe đài, đọc một quyển sách,…thay vì làm phiền những người đang quay cuồng trong công việc của họ.
Hoặc bạn cũng có thể đồng nhất thời gian biểu với đối phương. Mỗi người có một khoảng thời gian làm việc khác nhau, nhưng nếu biết sắp xếp những quãng nghỉ như ăn trưa hay thư giãn sau giờ làm việc, bạn vẫn hoàn toàn có thể chia sẻ, nói chuyện với mọi người. Bằng cách này, công việc sẽ không bị gián đoạn mà mọi người vẫn cập nhật được tình hình của nhau.
Giữ tinh thần minh mẫn
Vào năm 2010, một nghiên cứu nổi tiếng của đại học Harvard đã chỉ ra rằng: tâm trí của con người xao nhãng khoảng 50% thời gian làm việc. Trí óc của con người về cơ bản rất dễ mất tập trung, phân tán vào những vấn đề xung quanh. Nếu làm việc với máy tính, cứ 40 giây bạn sẽ nghĩ về việc khác thay vì thứ đang làm.
Vậy làm sao để giữ tập trung? Mỗi khi bị phân tâm, hãy viết vào một tờ giấy, bạn đang suy nghĩ điều gì, vào lúc nào,…Từ đó, bạn sẽ biết bản thân hay bị mất tập trung khi nào và nên nghỉ ngơi hay không.
Đặt thời gian thư giãn hợp lý là một cách hữu hiệu để làm việc năng suất, hiệu quả hơn, giúp giải tỏa đầu óc để quay lại tiếp tục phần việc.
Sắp xếp không gian làm việc
Các nhà nghiên cứu ở đại học Princeton chỉ ra sự bừa bộn, thiếu ngăn nắp có ảnh hưởng đến khả năng tập trung và xử lý thông tin. Bên cạnh đó, còn tạo ấn tượng xấu với mọi người xung quanh. Không ai muốn chạm mắt vào đống tạp nham trên bàn làm việc của bạn nếu họ có thể tránh. Và tất nhiên, không ai muốn là người đi sau dọn dẹp "bãi chiến trường" đó.
Không cần là một người hoàn hảo, nhưng đừng là một người lười biếng. Hãy tự giữ vệ sinh nơi làm việc và những chỗ bạn đi qua. Dù là nơi làm việc hay ở nhà, hãy tôn trọng mọi người bằng cách giữ vệ sinh, ngăn nắp, đơn giản như việc: rửa bát đũa ngay sau khi ăn, sắp xếp các tài liệu vào đúng vị trí,…
Những tác nhân gây mất tập trung là không thể tránh khỏi bởi chúng là một phần trong cuộc sống. Nhưng nếu mỗi người ý thức được trách nhiệm của mình thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
* Theo Forbes