Với những người hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp, nhà văn Kim Dung là cái tên không thể bỏ qua. Các tác phẩm như "Anh hùng xạ điêu", "Thần điêu đại hiệp", "Tiếu ngạo giang hồ", "Lộc đỉnh ký",... đã bán được hơn 300 triệu bản in, chuyển thể nhiều lần thành phim truyền hình và trò chơi điện tử.
Trái với sự nghiệp lẫy lừng trên văn đàn Trung Quốc, cuộc đời Kim Dung lại khá trắc trở. Ở tuổi 26, ông mất liên lạc với gia đình sau phong trào cải cách ruộng đất. Nhà văn này cũng trải qua 2 cuộc hôn nhân thất bại, đều bị vợ đòi ly hôn do không làm tròn bổn phận của một người chồng.
Người vợ thứ hai sinh cho Kim Dung được 4 người con. Tuy nhiên, người con trai cả của ông đã tự sát khi chưa đầy 20 tuổi, còn con gái thứ ba cũng bị điếc từ khi mới lên 5.
Những vết sẹo này khiến Kim Dung luôn đau đáu trong lòng cho đến tận khi trút hơi thở cuối cùng. Dù cuộc đời có nhiều điều bất hạnh, ông vẫn không ngừng đấu tranh để sống lạc quan và tích cực, nhờ đó sống thọ đến tận năm 94 tuổi.
1. Vận động: "Lăng ba vi bộ", đổ được mồ hôi là tốt
Ở tuổi 71, Kim Dung đã trải qua một cuộc phẫu thuật tim. Kể từ đó, ông coi việc tập thể dục điều độ là một thói quen bắt buộc trong cuộc sống.
Để rèn luyện sức khỏe, nhà văn này chọn cách rèn tản bộ trên núi. Ban đầu, ông chỉ đi bộ được 10 phút/ngày, nhưng sau nửa năm, ông đã có thể tăng lên 50 phút/ngày.
Kim Dung không đi chậm rãi mà bước rất nhanh, đến khi toát mồ hôi mới thôi. Ông cho rằng, vận động cơ thể đến cường độ nhất định mới có tác dụng với cơ thể. Nếu đi chậm, thân thể không sinh nhiệt, sẽ kém hiệu quả.
Kim Dung thường tự giễu mình rằng: "Tôi luyện 'Lăng ba vi bộ' đã đến mức siêu việt!". Lăng ba vi bộ là một loại võ công thượng thừa xuất hiện trong tiểu thuyết "Thiên Long Bát Bộ" của ông, dùng thuật khống chế, điều khiển khí để di chuyển với tốc độ kinh ngạc.
Trong y học cổ truyền, không gì tốt bằng đi bộ, bởi đây là bài tập toàn thân. Nó có thể cải thiện sức mạnh cơ bắp và độ bền của cơ, giảm đau và cứng khớp, cơ, cải thiện khả năng cân bằng và phối hợp của cơ thể, giảm té ngã và nguy cơ chấn thương.
Đi bộ phù hợp với mọi người, không cần phải vận động mạnh, cũng không bị giới hạn bởi địa điểm, đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, người tập nên đi bộ ở nơi bằng phẳng; nếu lên dốc hoặc xuống dốc quá nhiều sẽ dễ làm tổn thương đầu gối.
Thời gian đi bộ nên kéo dài khoảng 30 phút, tùy thể chất mỗi người. Người tập nên ra mồ hôi nhẹ, không cần đổ quá nhiều. Ngoài ra, vào mùa đông, cũng không nhất thiết phải đổ mồ hôi để tránh cảm lạnh.
2. Giấc ngủ: "Minh thiên cổ pháp" trợ giúp an thần
Để xoa dịu tâm trí và ngủ ngon, Kim Dung sử dụng một loại tuyệt chiêu có tên là "Minh thiên cổ pháp".
Sau khi lên giường, ông sẽ ngồi yên lặng và nhắm mắt. Tiếp theo, dùng lòng bàn tay trái che tai trái và dùng lòng bàn tay phải che tai phải; dùng ngón tay vuốt nhẹ phía sau đầu để nghe rõ tiếng vo ve cho đến khi cảm thấy hơi mệt mới thôi. Sau khi ngừng rung, ông nằm xuống và từ từ hạ đầu xuống gối, rồi đặt hai tay sang hai bên một cách tự nhiên, dần chìm vào giấc ngủ.
"Minh thiên cổ pháp" có thể cải thiện việc cung cấp máu cho não, đồng thời cũng có tác dụng nhất định đối với sức khỏe của đôi tai. Xoa bóp trước khi đi ngủ cũng có tác dụng an thần.
Đối với vấn đề mất ngủ, các chuyên gia khuyên nên thư giãn trước khi ngủ và hạn chế nghĩ ngợi lung tung. Đồng thời, môi trường xung quanh phải đảm bảo yên tĩnh.
Trước khi đi ngủ, có thể ngâm chân nước nóng rồi xoa huyệt Dũng Tuyền ở lòng bàn chân. Ngoài ra, ăn canh ngó sen và các món ăn hỗ trợ giấc ngủ cũng là một ý tưởng hay. Nếu bị mất ngủ kéo dài thì nên dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
3. Chế độ ăn uống: Ăn nhiều thấy ít ngon, ăn ít thấy ngon nhiều
Kim Dung lúc trẻ, bữa ăn không có thịt thì không vui, giống như Hồng Thất Công muốn ăn hết mỹ vị trên đời. Tuy nhiên, trong những năm cuối đời, vì sức khỏe tim mạch, ông đã thay đổi chế độ ăn uống, ăn ít hơn và tinh hơn.
Ông cũng nhận ra rằng: "Người ta ăn vì cuộc sống chứ không phải vì miếng ăn. Ăn càng ít càng ngon, càng ăn nhiều càng thấy kém đi".
Hiện nay, người già quá chú trọng vào các loại ngũ cốc thô, ít chất béo tốt cho sức khỏe mà bỏ qua các vấn đề về hệ tiêu hóa yếu và chức năng nhai suy giảm. Vì thế, cần chế biến kỹ các loại ngũ cốc thô, có thể thành loãng hoàn toàn như cháo, có lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ của dạ dày.
Mặc dù chức năng trao đổi chất của người cao tuổi diễn ra chậm nhưng dinh dưỡng hàng ngày là rất cần thiết. Vì thế, cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, ăn uống hợp lý.
4. Thưởng trà: Lưu ý về trà xanh
Kim Dung cũng thích thưởng thức trà, đặc biệt là trà xanh. Một tách trà và nắng nhẹ, không có gì tuyệt hơn.
Trà chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như vitamin, chất chống oxy hóa, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch, chống bức xạ, làm đẹp da, giúp gan khỏe mạnh, ổn định huyết áp...
Thế nhưng, uống trà cũng nên tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bản thân. Lá trà thường được chia làm 2 loại: trà đen và trà xanh. Trà đen làm ấm bụng, còn trà xanh có tính lạnh. Vì thế, ai có thể chất hư lạnh không nên uống nhiều trà xanh. Những người hay mất ngủ cũng được khuyến cáo không nên uống trà vào buổi chiều.
5. Động não: Đánh cờ giúp tăng cường hoạt động não bộ, tránh thoái hóa
Người đời tương truyền rằng Kim Dung rất thích đánh cờ vây. Bộ môn này cũng xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của ông như "Tiếu ngạo giang hồ" hay "Thiên long bát bộ". Về cơ bản, đánh cờ chính là một phương pháp dưỡng sinh.
Chơi cờ có thể tăng cường trí não, ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Ngoài ra, những thú vui như vẽ tranh, thư pháp, đọc sách,... cũng được khuyến khích. Rèn luyện thân thể là việc quan trọng, nhưng tăng cường hoạt động trí óc cũng cần thiết không kém.
6. Tâm tính: Rộng lượng chính là bí quyết trường thọ
Hiệp khách đi xa, tinh thần hiệp nghĩa còn lại. Nhà văn Kim Dung để lại cho nhân loại không chỉ những tác phẩm văn học kinh điển mà còn là tinh thần hào hiệp và sự phóng khoáng.
Tinh thần này giống với hình mẫu Chu Bá Thông trong truyện của ông - một lão ngoan đồng lạc quan, không mang lễ tiết, tự do tự tại. Kim Dung từng nói: "Tính tôi rất chậm chạp, không nóng nảy, làm việc gì cũng chậm rãi, cuối cùng đều xong. Tôi lạc quan để dưỡng sinh cho mình".
Bí quyết sống thọ lớn nhất của Kim Dung là có một thái độ sống tốt, cởi mở và lạc quan, nắm được thì buông được. Ngoài yếu tố di truyền thì đây là cái quyết định tuổi thọ. Muốn giữ gìn sức khỏe trước hết phải dưỡng tâm, chỉ khi bên trong bình thản, tâm trạng tốt thì thân thể mới tốt.
(Theo Sohu)