Buổi sáng là thời điểm bắt đầu một ngày mới, để khởi động cơ thể, bạn nên duy trì một số thói quen tốt khi thức dậy. Những hành động này tuy không mang lại tác dụng tức thì cho cơ thể, nhưng kiên trì một thời gian sau sẽ nhận thấy những thay đổi tích cực bất ngờ.
Một số thói quen tốt khi thức dậy
1. Nằm trên giường 5 phút trước khi rời khỏi giường
Nằm trên giường thêm 5 phút không hẳn là lười biếng, mà vì khi ngủ các cơ và dây chằng của toàn bộ cơ thể ở trong trạng thái thư giãn suốt đêm. Vì vậy, ngay sau khi thức dậy, cơ thể vẫn còn duy trì trạng thái quán tính của việc ngủ.
Khi đồng hồ báo thức đổ chuông, nếu vội vàng bật dậy rời khỏi giường, cơ thể không có thời gian chuyển đổi từ trạng thái "tĩnh" sang "động", nó sẽ khiến bạn có cảm giác lờ đờ mệt mỏi. Nằm thêm 5 phút sẽ giúp cơ thể thích nghi dần dần, tỉnh táo hẳn rồi mới rời khỏi giường.
Một loạt các vấn đề do việc vội vàng bật dậy khỏi giường vào sáng sớm như:
- Cung cấp máu không đủ cho não, gây chóng mặt, nguy cơ bị ngã.
- Bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não dễ bị đột quỵ.
- Bệnh nhân bị đau thắt lưng, tăng sản xương cổ hoặc thắt lưng, cơn đau trầm trọng hơn…
2. Chải tóc bằng lược
Chải tóc sau khi ngủ dậy không chỉ chải chuốt và làm đẹp cho bản thân. Y học Trung Quốc tin rằng, 12 kinh mạch, hàng chục huyệt đạo và hơn 10 khu vực kích thích trên cơ thể đều được quy tụ trên đầu.
Do đó, việc thức dậy và chải đầu có thể kích thích các đầu dây thần kinh và mao mạch của da đầu, thúc đẩy tuần hoàn máu lên não, ngăn ngừa các bệnh về mạch máu não. Hơn nữa, vì dương khí của cơ thể con người tăng lên vào buổi sáng, chải đầu vào thời điểm này không chỉ có tác dụng giúp lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch mà còn giúp não bộ hoạt động tốt hơn.
Hãy chú ý 3 điểm sau, chải đầu vào buổi sáng sẽ khỏe mạnh hơn:
- Để răng lược tiếp xúc hoàn toàn với chân tóc và da đầu.
- Chải tóc phía trán trước, sau đó chải từ đỉnh đầu đến gáy.
- Khi chải tóc, dùng lực đều và nhẹ nhàng, không chải quá mạnh.
3. Uống một cốc nước ấm
Uống một cốc nước ấm sau khi thức dậy vào buổi sáng không chỉ có thể bổ sung lượng nước bị mất cho cơ thể trong quá trình trao đổi chất cả đêm, mà còn giúp giảm độ nhớt của máu và thúc đẩy tuần hoàn máu hiệu quả. Nước ấm là sự lựa chọn tốt nhất để uống, nếu bạn đang bị táo bón, có thể thêm một chút mật ong.
Khi uống nước ấm vào buổi sáng cần chú ý một số điều:
- Nhiệt độ nước có thể gần bằng nhiệt độ phòng khi trời nóng và có thể cao hơn một chút khi trời mát.
- Lượng nước không quá 150ml khi bụng đói.
- Thời gian tốt nhất nên uống trước bữa ăn sáng từ nửa tiếng đến một tiếng.
4. Mở tất cả cửa thông gió
Nhiều người đóng kín cửa khi họ ngủ, nhưng sau một đêm, trong phòng sẽ chứa nhiều khí cacbonic, trên giường sẽ có rất nhiều bụi và vi khuẩn.
Nếu bạn không mở cửa sổ khi thức dậy, các chất độc hại sẽ ở trong phòng và gây khó chịu sau khi hít phải. Vì vậy, việc mở cửa sổ để thông gió là vô cùng cần thiết, không chỉ để trao đổi không khí trong lành mà còn làm cho căn phòng khô ráo, tránh được sự phát triển của vi khuẩn và sự lưu lại của bụi bẩn.
5. Ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng
Tác hại của việc bỏ bữa sáng có rất nhiều, thói quen này cực kỳ gây hại cho cơ thể. Một bữa sáng dinh dưỡng bao gồm ngũ cốc, protein, trái cây, rau xanh. Người lớn trung bình nên tiêu thụ 500 đến 700 kcal năng lượng cho bữa sáng bao gồm:
- 100gr rau hoặc trái cây tươi.
- Khoảng 100gr ngũ cốc, bạn có thể chọn bánh bao, bánh mì, bột yến mạch, cháo…
- Ăn một lượng vừa phải thực phẩm chứa protein chất lượng cao, có thể là thịt, trứng hoặc các sản phẩm từ đậu nành.
3 thói quen có hại vào buổi sáng
1. Tiếng chuông báo thức quá to
Tiếng đồng hồ báo thức có thể làm gián đoạn giấc ngủ bình thường, đánh thức con người bằng cách kích thích các dây thần kinh.
Tuy nhiên, nếu âm thanh báo động quá lớn sẽ gây ra phản xạ bảo vệ của cơ thể. Nó đẩy nhanh quá trình tiết adrenaline trong cơ thể, theo thời gian dễ dẫn tới một loạt các vấn đề như huyết áp cao và suy nhược tinh thần.
Đề xuất: Cố gắng sử dụng nhạc nhẹ nhàng, với người cao tuổi không nên sử dụng đồng hồ báo thức, nếu cần dậy sớm thì có thể đánh thức gia đình một cách nhẹ nhàng.
2. Nhịn đi vệ sinh sau khi thức dậy
Nhịn đại tiện trong thời gian dài không chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón, trĩ mà thậm chí có thể gây sa hậu môn. Huyết áp có thể tăng cao trong quá trình đại tiện, nếu gắng sức quá mức, áp lực ổ bụng sẽ tăng mạnh, lượng oxy tiêu thụ của cơ tim cũng tăng lên. Đối với người trung niên và cao tuổi, tai biến mạch máu não thậm chí có thể xảy ra.
Đề xuất: Không nên rặn đi đại tiện mà để tự nhiên, người cao tuổi mắc bệnh tim mạch, tốt nhất nên uống nước và uống thuốc trước khi đại tiện để ổn định huyết áp.
3. Tập thể dục cường độ cao
Vào buổi sáng, nhịp sinh học của cơ thể chưa được "hâm nóng", chưa vận động hết năng lượng và thể lực. Nếu vận động mạnh vào thời điểm này, rất dễ khiến cơ thể không kịp thích ứng, thậm chí gây ra các bệnh về tim mạch, mạch máu não.
Theo thống kê, đột quỵ do tập thể dục ở người cao tuổi đứng đầu trong số các trường hợp đột quỵ do tập thể dục buổi sáng.
Đề xuất: Chọn một số bài tập ít vất vả hơn như đi bộ hoặc chạy bộ, nhớ khởi động trước khi tập. Tốt nhất người bệnh cao huyết áp nên tránh khoảng thời gian huyết áp dễ tăng cao như từ 6 giờ đến 10 giờ.
Ngoài ra, hãy uống một chút nước và ăn một chút gì đó trước khi tập thể dục buổi sáng để tránh bị hạ đường huyết.
Theo QQ