5 siêu vũ khí của Tổng thống Putin: Đến Mỹ cũng phải thừa nhận "khó lòng đánh chặn"

Vy Lam | 19-06-2022 - 13:44 PM

(Tổ Quốc) - Mệnh danh là "các siêu vũ khí của Tổng thống Putin", những hệ thống này đều có khả năng răn đe cực cao, đủ sức vượt qua mọi hệ thống phòng thủ hiện có trên thế giới.

Tháng 3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ một loạt siêu vũ khí mới trong Thông điệp liên bang tại Phòng triển lãm trung tâm Mazneh gần Điện Kremlin, làm dấy lên lo ngại từ phía các đối thủ của Moscow.

Từ đó, chúng được báo giới nước ngoài gọi là "các siêu vũ khí của Tổng thống Putin". Đặc điểm chung của những vũ khí này là có khả năng răn đe cao, đủ sức vượt qua mọi hệ thống phòng thủ hiện có trên thế giới. Trong đó, có một loại đã được đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận sức mạnh vô cùng đáng gờm.

Phương tiện siêu thanh (HGV) Avangard

Avangard là phương tiện lượn siêu thanh (HGV) có tầm bay trên 6.000km, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Theo báo cáo của TASS, đầu đạn hạt nhân của HGV này có sức công phá hơn 2 megaton.

Avangard có thể được đưa lên điểm cao nhất trên quỹ đạo của nó nhờ lực đẩy từ tên lửa đạn đạo - hiện nay đang là loại SS-19 "Stiletto" (UR-100NUTTH) nhưng sẽ sớm được Nga thay thế bằng tên lửa R-28 Sarmat mà họ vừa thử nghiệm thành công và dự kiến triển khai vào cuối năm nay.

5 siêu vũ khí của Tổng thống Putin: Đến Mỹ cũng phải thừa nhận khó lòng đánh chặn - Ảnh 1.

Đồ họa phương tiện bay siêu thanh Avangard.

Ngày 23/4 năm nay, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos thông báo ICBM Sarmat mới sẽ được triển khai tại khu vực Krasnoyarsk của Siberia, cách thủ đô Moscow khoảng 3.000km về phía đông.

Theo tuyên bố của Tổng thống Putin, HGV Avangard có thể hành trình với tốc độ ở trong khí quyển lên tới Mach 20 - gấp 20 lần tốc độ âm thanh. Ngoài ra, Avangard có thể cơ động linh hoạt, khiến quỹ đạo di chuyển của nó không thể đoán trước, từ đó gây khó khăn cho các hệ thống phòng không và đánh chặn tên lửa.

Bên cạnh đó, Avangard có khả năng triển khai các biện pháp đối phó trong khi bay để gây nhầm lẫn cho các hệ thống phòng thủ của đối phương.

Phương tiện không người lái (UUV) Poseidon

Poseidon có lẽ là siêu vũ khí mang tính 'thay đổi cuộc chơi' lớn nhất' trong kho vũ khí của Nga, vì nó bổ sung thêm một khía cạnh khác trong năng lực răn đe hạt nhân của nước này. Poseidon là ngư lôi tự hành trang bị vũ khí hạt nhân liên lục địa.

Tốc độ của nó dự kiến rơi vào khoảng 70 hải lý/giờ, nhanh hơn nhiều so với các loại ngư lôi hiện có. Theo một số báo cáo, Poseidon thậm chí có thể đạt tới vận tốc 108 hải lý/giờ, và đạt tới độ sâu hoạt động khoảng 1.000 mét, khiến nó rất khó bị ngăn chặn.

5 siêu vũ khí của Tổng thống Putin: Đến Mỹ cũng phải thừa nhận khó lòng đánh chặn - Ảnh 2.

Phương tiện không người lái dưới nước (UUV) Poseidon.

Chạy bằng năng lượng hạt nhân, UUV Poseidon có phạm vi hoạt động không giới hạn, linh hoạt về vị trí phóng và vị trí nhắm mục tiêu. Poseidon thậm chí có thể được phóng đi từ các chỏm băng.

Poseidon sẽ được triển khai bởi 2 tàu ngầm hạt nhân, bao gồm tàu ngầm chuyên dụng K-329 Belgorod (thiết kế sửa đổi của tàu ngầm lớp Oscar II) và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Khabarovsk. Mỗi tàu ngầm này có thể mang theo 6 UUV Poseidon.

Theo tờ EurAsian Times, Poseidon có thể tiêu diệt các nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) và cơ sở hạ tầng của đối phương ở vùng ven biển. Nó có thể được Nga trang bị cho Hạm đội Thái Bình Dương để tạo ra mối đe dọa cho căn cứ hải quân Mỹ ở Bờ Tây, cũng như các thành phố quan trọng như Los Angeles.

Tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik

Burevestnik (RS-SSC-X-09 Skyfall) là tên lửa hành trình hạt nhân có tầm bắn không giới hạn. Hiện không có nhiều thông tin về tên lửa này. Bao quanh nó vẫn là một bức màn bí ẩn nhưng đã có nhiều đồn đoán dấy lên.

Theo nhà phân tích Alexander Sharkovsky của tờ Nezavisimaya Gazeta, tên lửa Burevestnik có chiều dài 12 mét khi phóng và 9 mét khi bay (sau khi tách tầng). Mũi tên lửa có hình elip, kích thước 1 x 1.5 mét.

Ông Sharkovsky cho rằng Burevestnik là một tên lửa hạt nhân tầm nhiệt mang một động cơ tăng áp nhiên liệu rắn, có lẽ đầu đạn của nó là một khối nhiệt hạch với sức công phá lớn.

5 siêu vũ khí của Tổng thống Putin: Đến Mỹ cũng phải thừa nhận khó lòng đánh chặn - Ảnh 3.

Cuộc thử nghiệm tên lửa Burevestnik năm 2017.

Trong khi đó, nhà phân tích Pavel Ivanov trên trang tin VPK-news cho rằng Burevestnik lớn hơn tên lửa Kh-101 từ 1,5 đến 2 lần. Tuy nhiên, khác với Kh-101, cánh bay của Burevestnik không nằm ở phía dưới mà ở phần thân trên của tên lửa.

Ngoài ra, do có thêm một lò phản ứng hạt nhân nên Burevestnik sẽ nặng hơn nhiều lần so với Kh-101. Vì thế, các máy bay ném bom như Tu-160 hay Tu-95MS khó có khả năng mang tên lửa này. Nó có lẽ sẽ được triển khai từ tàu chiến.

Một số báo cáo khác thì cho rằng các xe mang phóng trên bộ chuyên dụng, như loại MZKT-7930, có thể sẽ là phương tiện mang phóng tên lửa Burevestnik.

Theo tình báo Mỹ, Nga đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm với tên lửa Burevestnik trong giai đoạn 2017 -2019 nhưng đều thất bại, một tên lửa đã rơi xuống Biển Trắng. Trong khi đó, các báo cáo từ truyền thông Nga cho biết tên lửa Burevestnik có thể đi vào hoạt động từ năm 2025.

Tên lửa siêu thanh Kinzhal

Kh-47M2 Kinzhal là cái tên thu hút nhiều sự chú ý bởi sức mạnh đáng gờm của nó. Ngay cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi đề cập tới tên lửa này tại một hội nghị với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ, cũng đã thừa nhận rằng đây là loại tên lửa "gần như không thể ngăn chặn".

Tên lửa có thể di chuyển với tốc độ Mach 5 - Mach 12 và có tầm bắn 2.000km. Nó có thể mang cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường, nhưng đầu đạn thông thường sẽ được triển khai nhanh hơn và với độ chính xác cao hơn.

5 siêu vũ khí của Tổng thống Putin: Đến Mỹ cũng phải thừa nhận khó lòng đánh chặn - Ảnh 4.

Tiêm kích Kh-47M2 Kinzhal trang bị tên lửa Kh-47M2 Kinzhal.

Kh-47M2 Kinzhal có thể được phóng từ máy bay ném bom Tu-22M3 hoặc tiêm kích đánh chặn MiG-31K.

Theo tạp chí National Interest (Mỹ), Kinzhal về cơ bản là phiên bản sửa đổi của 9K720 Iskander - tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ trên bộ, nhưng được trang bị hệ thống dẫn đường mới dành riêng cho tác chiến không-đối-đất.

Tên lửa này rất khó bị đánh chặn bởi khả năng cơ động ở mọi giai đoạn của đường bay.

Tên lửa siêu thanh Tsirkon (Zircon)

Tsirkon là tên lửa siêu thanh cơ động phóng thẳng đứng, trang bị động cơ scramjet. Nó có thể đạt tốc độ Mach 9, bay ở độ cao từ 30-40km, tầm bắn 500km.

Các chuyên gia ước tính tải trọng của Tsirkon ở mức 300-400kg, chiều dài 8-10m. Tsirkon sẽ được bắn từ bệ phóng thẳng đứng đa năng 3S-14 trên tàu chiến và tàu ngầm, cũng như bệ phóng tên lửa bờ biển di động Bastion.

5 siêu vũ khí của Tổng thống Putin: Đến Mỹ cũng phải thừa nhận khó lòng đánh chặn - Ảnh 5.

Đồ họa tên lửa siêu thanh Tsirkon.

Tsirkon có thể trang bị cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường. Tên lửa đã được phóng thử lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2020 từ khinh hạm Đô đốc Gorshkov, sau đó là nhiều cuộc thử nghiệm vào năm 2020 và 2021. Chương trình đã đạt một trong những cột mốc quan trọng nhất vào tháng 10/2021 khi tên lửa được phóng đi từ tàu ngầm lớp Yasen K-560 Severodvinsk.

Tháng 1 năm nay, Thứ trưởng Nga Alexei Krivoruchko thông báo rằng tên lửa Tsirkon đang ở giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm cấp nhà nước. Quá trình chuyển giao hàng loạt cho Hải quân Nga sẽ sớm bắt đầu, có thể ngay trong năm nay.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM