Khi nhắc tới những tác hại của nước rửa bát với sức khỏe, đa số mọi người đều chỉ nghĩ đến hại da tay, dị ứng mùi hóa chất. Tuy nhiên, đây mới là 5 sai lầm chẳng khác nào tự mang chất độc vào cơ thể nhưng ai cũng từng mắc phải:
1. Ngâm dụng cụ ăn uống lâu trong nước rửa bát
Quan niệm ngâm dụng cụ ăn uống trong nước rửa chén sẽ làm chúng sạch hơn là sai lầm và phản khoa học. Dù bạn có pha loãng thì cũng không an toàn, thậm chí còn khiến chất độc hại dễ ngấm sâu hơn vào trong bát đĩa, đũa, thìa…
Bởi vì các hóa chất càng có thời gian để ngấm sâu vào trong các dụng cụ nhà bếp, lại thêm thời gian sản sinh vi khuẩn. Nhất là khi sử dụng các loại bát đĩa kém chất lượng, sau đó xả không đủ kỹ.
Tốt nhất, chỉ nên ngâm chúng với nước thường hoặc nước ấm. Nếu các vết bám, dầu mỡ quá cứng đầu, có thể ngâm với nước rửa bát cực loãng pha nước ấm trong nhiều nhất là 30 phút, tuyệt đối không để qua đêm.
2. Lấy quá nhiều nước rửa bát cho 1 lần sử dụng
Đôi khi thấy bát đĩa quá bẩn hay phải rửa các hộp đựng bằng nhựa, dễ bám dầu mỡ, nhiều người sợ không sạch nên thường dùng rất nhiều nước rửa bát.
Theo các nhà nghiên cứu, đúng là lượng nước tẩy rửa nhiều sẽ gia tăng hiệu quả làm sạch. Tuy nhiên, “tác dụng phụ” của nó là rất khó rửa sạch hết hóa chất, những chất còn sót lại sẽ thôi ra thức ăn khi dụng cụ đó được tái sử dụng. Khi ăn vào khó tránh khỏi tích tụ chất hại trong người, gây ra bệnh tật.
3. Đổ trực tiếp nước rửa bát lên bát đĩa
Thực chất, đổ nước rửa bát trực tiếp vào bát đĩa bẩn không làm cho bạn tẩy sạch dầu mỡ hiệu quả mà chỉ khiến chất tẩy rửa bám chặt vào bát đĩa mà thôi. Nếu rửa không sạch, phần chất tẩy rửa này sẽ sót lại trên bát đĩa. Thậm chí, dù cho bạn đã rửa những chiếc bát sạch sẽ và không còn sờ thấy nhờn rít thì hóa chất cũng đã kịp ngấm lại 1 phần trong đó.
Khi ăn vào sẽ ảnh hưởng đến đường ruột, đặc biệt có thể gây tiêu chảy, đau bụng… Ngoài ra, còn làm hỏng mùi vị món ăn cũng như làm bát đĩa mau hỏng, dễ vỡ hơn. Cách tốt nhất là pha một ít nước rửa bát vào khoảng nửa bát nước, sau đó hòa đều cho loãng ra và sử dụng mút rửa khi đã đeo găng tay.
4. Dùng nước rửa bát pha loãng để rửa củ, quả
Đừng nghĩ rằng cùng là chất tẩy rửa, lại pha cực loãng thì nước rửa bát có thể thay thế cho nước rửa trái cây, rau củ chuyên biệt. Hay vì trái cây, các loại củ có lớp vỏ bảo vệ thì rửa xong gọt bỏ đi là sẽ an toàn.
Thực chất, thành phần của chúng không hề giống nhau, hàm lượng, cách pha chế và tác dụng cũng hoàn toàn khác. Nước rửa trái cây và rau quả có chứa chất hoạt động bề mặt thực vật, có thể làm giảm tỷ lệ các ion kim loại nặng trong khi nước rửa bát quá nhiều hóa chất khó làm sạch, chất tẩy rửa bề mặt cực mạnh.
Hơn nữa, ngay cả khi gọt bỏ phần vỏ thì hóa chất trong nước rửa bát vẫn có thể thẩm thấu vào tận bên trong. Chúng sẽ làm mất vị ngon và và gây hại cho con người ngay cả khi đã được nấu chín.
5. Dùng nước rửa bát kém chất lượng, không rõ nguồn gốc
Hầu hết tất cả sản phẩm tẩy rửa đều có hóa chất độc hại. Điều quan trọng là sản phẩm đó được sản xuất với tỉ lệ hóa chất trong phạm vi cho phép hay không. Cụ thể, các loại nước rửa bát có thương hiệu uy tín, được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp nhận thường được làm bằng chất hữu cơ, cực ít chất hóa học và không gây hại.
Trong khi đó, nước rửa bát chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ thường làm từ chất hóa học có tính kiềm cực mạnh (NaOH, Na2SO3, Na3SO4) kết hợp với chất tạo đặc, chất tạo mùi và phẩm màu công nghiệp. Ai cũng có thể tự pha chế nên bán với giá rất rẻ nhưng cái giá phải trả khi dùng là rất đắt.
Chúng có thể chứa chất gây ung thư formaldehyde, mang đến nguy cơ gây ung thư cao. Hoặc các chất tẩy rửa, chất hóa học có tính kiềm quá mạnh với tỷ lệ lớn sẽ tác động xấu đến dạ dày, ăn mòn miệng, làm chức năng của hệ men tiêu hóa bị suy giảm. Nếu để da tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trong nước rửa bát thì sẽ khiến da mỏng đi, dễ bị bào mòn, viêm da.
Ngoài ra, hãy nhớ luôn đeo găng tay khi sử dụng nước rửa bát nói riêng cũng như tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa khác nói chung. Bởi vì hóa chất tẩy rửa trong đó có thể làm khô da, bong tróc, ăn mòn và tổn thương lớp biểu bì, móng tay của bạn. Tệ hơn, hóa chất có thể thấm qua da, vào cơ thể nếu tiếp xúc lâu ngày.
Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor, Brightside