Đạo văn hay việc biến ngôn từ, ý tưởng trong các tác phẩm văn học của người khác thành của mình là một vấn đề đáng chỉ trích. Thế nhưng không phải tác giả của đạo phẩm nào cũng phải chịu những hậu quả xứng đáng, thậm chí ở Trung Quốc, không ít đạo phẩm vẫn được chuyển thể thành phim và gặt hái thành công rực rỡ.
1. Sở Kiều Truyện
Quy tụ dàn diễn viên đình đám như: Triệu Lệ Dĩnh, Lâm Canh Tân, Đậu Kiêu, Lý Thấm,… lại sở hữu kịch bản hấp dẫn, Sở Kiều Truyện đã gây sốt tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á suốt một thời gian dài. Tuy nhiên ngay từ khi chưa được chuyển thể thành phim, nguyên tác Sở Kiều Truyện của tác giả Tiêu Tương Đông Nhi đã liên tục bị tố là đạo nhái những bộ truyện đình đám như Bạo Quân, Ta Đến Từ Quân Tình Báo Số 9 và đặc biệt là Hộc Châu Phu Nhân của Tiêu Như Sắt. Tuy vậy phim vẫn an toàn lên sóng và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của khán giả cho đến thời gian gần đây, trắng đen mới được làm rõ ràng.
Phán xét cuối cùng: Sở Kiều Truyện đạo văn tác phẩm Hộc Châu Phu Nhân
Ngày 13/6 vừa qua, gần 3 năm sau ngày Sở Kiều Truyện lên sóng, cuối cùng tòa án cũng đưa ra phán xét cuối cùng rằng Sở Kiều Truyện thực sự là một đạo phẩm với 15 phân đoạn được cóp nhặt từ Hộc Châu Phu Nhân. Theo đó, Sở Kiều Truyện sẽ ngừng xuất bản, tác giả cũng phải xóa bỏ 15 phân đoạn đạo nhái, xin lỗi Tiêu Như Sắt và bồi thường 50.000 tệ (khoảng 165 triệu đồng). Tuy nhiên đó là vấn đề của phiên bản tiểu thuyết, với bản phim liệu có phải cắt bỏ những phân đoạn chuyển thể từ tình tiết đạo nhái hay không thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
2. Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa
Ồn ào không thua kém gì Sở Kiều Truyện là trường hợp của Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa được chuyển thể từ bộ truyện cùng tên của nhà văn Đường Thất Công Tử. Vào năm 2015, bộ truyện này bị tố cáo đã sao chép tác phẩm đam mỹ Duyên Nợ Đào Hoa của nhà văn Đại Phong Quát Quá. Hàng trăm bằng chứng được đưa ra cho thấy hành vi đạo nhái trắng trợn của Đường Thất Công Tử.
Thế nhưng, dù bộ truyện có phải nhận vô số chỉ trích thì khi chuyển thể thành phim vẫn thành công rực rỡ, thậm chí sau phiên bản truyền hình của Dương Mịch 0 Triệu Hựu Đình, các nhà sản xuất còn bắt tay làm thêm phiên bản điện ảnh để kiếm chác thêm bộn phần. Dĩ nhiên vẫn có một bộ phận khán giả quyết tâm quay lưng với Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa nhưng dường như điều này không ảnh hưởng nhiều đến sức hút của phiên bản phim.
3. Hoa Thiên Cốt
Dường như Triệu Lệ Dĩnh rất có duyên với những bộ phim chuyển thể từ đạo phẩm bởi trước khi đóng Sở Kiều Truyện, cô từng đảm nhận vai nữ chính trong Hoa Thiên Cốt - một tác phẩm lùm xùm không kém phần. Bộ truyện gốc Hoa Thiên Cốt của tác giả Fresh Quả Quả bị cho là cắt ghép từ nhiều tác phẩm khác nhau rồi "xào nấu" lại. Theo phân tích, Hoa Thiên Cốt đã ăn cắp ý tưởng của 4 truyện là Hoa Khai Bất Ký Niên, Tiêu Thanh Yết, Tiên Kiếm Thần Khúc và Sưu Thần Ký. Tuy nhiên phim vẫn thành công vang dội và là một tượng đài khó xô đổ của truyền hình xứ Trung.
4. Hậu Cung Chân Hoàn Truyện
Hậu Cung: Chân Hoàn Truyện (hay Chân Hoàn Truyện) chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Lưu Liễm Tử là một trong số những niềm tự hào của dòng phim cung đấu Hoa ngữ. Khi ra mắt, bộ phim đã tạo nên một cơn sốt lớn trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc và tiếng tăm thì lan rộng khắp các nước châu Á. Sáu năm sau ngày phim lên sóng, vào năm 2017, một blogger đã tố cáo Chân Hoàn Truyện sao chép hoàn toàn từ hai tiểu thuyết là Ma Thổi Đèn: Quỷ Xuy Đăng của nhà văn Thiên Hạ Bá Xướng và Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn của Phỉ Ngã Tư Tồn. Không lâu sau đó, nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn cũng lên tiếng bức xúc về việc Lưu Liễm Tử đạo nhái tác phẩm của mình và chỉ là những chi tiết chứng minh Chân Hoàn Truyện là đạo phẩm mà Liễm Tử không thể chối cãi. Tuy nhiên điều này không mấy ảnh hưởng đến bộ phim Hậu Cung Chân Hoàn Truyện và ở thời điểm hiện tại người ta vẫn coi nó như một huyền thoại của dòng phim cung đấu.
5. Cẩm Tú Vị Ương
Tương tự như trường hợp của Sở Kiều Truyện, nguyên tác của Cẩm Tú Vị Ương có tên Thứ Nữ Hữu Độc của Tần Giản từng bị tố đạo nhái văn nhưng nó vẫn được chuyển thể thành phim truyền hình. Theo như nghiên cứu thì nguyên tác của Cẩm Tú Vị Ương gồm 2,7 triệu chữ, 294 chương thì chỉ có 9 chương là không đạo. Phần còn lại được tham khảo, hoặc sao chép y nguyên từ các tiểu thuyết lịch sử, ngôn tình, kiếm hiệp. Số lượng tác phẩm bị Tần Giản sao chép lên tới hơn 200 truyện, trong đó nổi tiếng nhất là Hồng Lâu Mộng, Trường Ca Thiên Hạ, Tây Sương Ký, Hoàng Đế Càn Long. Với "thành tích nổi trội" này, Thứ Nữ Hữu Độc thậm chí còn "vinh dự" được nhận giải "Bạch Liên Hoa" của Giải thưởng văn học Toại Thạch dành cho tác phẩm đạo văn "xuất sắc" nhất.
Dù được chuyển thể từ đạo phẩm nhưng cả 5 bộ phim kể trên đều đạt được những thành công ngoài sức tưởng tượng. Đây quả là một nghịch lý mà các nhà sản xuất phim chớ dại thử sức!