Bạn có thể nhận thấy những nơi bẩn rõ ràng trong nhà của mình khi thức ăn rơi trên quầy bếp, những vết bẩn, hoặc một đống đồ bẩn. Song những nơi tưởng không quá bẩn thực chất lại chứa nhiều vi khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình bạn.
1. Phòng bếp
Phòng bếp là nơi sinh hoạt chung của các thành viên trong đình, đây cũng chính là nơi bẩn nhất. Tại đây, các yếu tố thúc đẩy vi khuẩn phát triển đều hiện hữu như nhiệt độ, độ ẩm, thực phẩm... Thêm vào đó, các yếu tố khác như thịt sống, trái cây và rau củ khi chưa được rửa sạch, vi trùng từ ví hay balo của các thành viên khiến nhà bếp chứa đầy các vi khuẩn có hại như E. Coli. Các bề mặt bám nhiều vi khuẩn như bồn rửa, mặt bàn, tủ kéo, tủ lạnh và các dụng cụ nhà bếp...
2. Phòng tắm
Vi khuẩn vẫn luôn tồn tại trong phòng tắm của bạn sau mỗi lần sử dụng. Để đảm bảo rằng các vi khuẩn Coliform đều được kiểm soát, hãy chú ý các bể mặt như công tắc đèn, tay nắm cửa hay tay gạt vòi nước. Bạn có thể sử dụng khăn lau khử trùng dùng một lần để dễ dàng vệ sinh bề mặt này mỗi ngày.
Khăn tắm và thảm phải được giặt bằng nước nóng ít nhất 1 lần/tuần và được phơi khô hoàn toàn. Khăn tay nên được thay 2-3 lần/tuần.
Các bồn rửa trong phòng tắm nên được lau hàng ngày bằng khăn lau khử trùng. Các khay đựng bàn chải đánh răng hay cốc đựng nến cần được làm sạch hàng tuần.
Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian để lau rửa các bề mặt tường trong nhà vệ sinh bằng các chất khử trùng.
3. Phòng khách
Dù là phòng khách, phòng chơi game hay bất kì nơi nào cả gia đình bạn tụ họp, nơi đó sẽ ẩn chứa bụi bẩn và vi khuẩn. Điều khiển, máy tính bảng, tai nghe... là những vật dụng được nhiều người sử dụng. Vì thế nó nên được làm sạch hàng ngày bằng khăn lau khử trùng.
Nếu trong gia đình bạn có người bị bệnh, họ cần làm sạch những vật dụng sau khi sử dụng. Công tắc đèn, tay nắm cửa... cũng là nơi cần lưu ý để làm sạch.
Ngoài ra, bề mặt của các đồ nội thất cũng là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn. Ví dụ, lớp vải bọc sofa rất dễ bám vi khuẩn, lông vật nuôi. Nhiều loại vi khuẩn có thể sống vài ngày trên bề mặt này.
Mỗi tuần một lần lớp bọc sofa cần được làm sạch bằng máy hút bụi sau đó sử dụng bình xịt khử trùng có mùi thơm hoặc không mùi.
4. Phòng ngủ
Không gian nghỉ ngơi của bạn có thể chứa nấm, vi khuẩn và hàng loạt các loại côn trùng. Đa số mối nguy hiểm này xuất hiện ngay trên giường của bạn.
Nếu ga trải giường, chăn không được làm sạch thường xuyên, chúng có thể là nơi ẩn chứa vi khuẩn và khiến bạn bị kích ứng da nhiễm nấm, dị ứng hay mắc các loại bệnh về hô hấp.
Để ngăn ngừa tất cả những điều này, bộ khăn trải giường nên được thay ít nhất hàng tuần và giặt đúng cách. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau một tuần, ga trải giường chứa nhiều vi khuẩn hơn tay nắm cửa phòng tắm. Nếu bạn đã từng lấy khăn trải giường đã được làm sạch những vẫn có mùi hôi, chứng tỏ vẫn còn bẩn trong các sợi vải.
Gối, nệm nên được bọc trong vỏ bọc có thể tháo rời và vệ sinh được.
5. Những nơi đầy vi khuẩn bị bỏ qua
Hãy cùng điểm qua những món đồ bám đầy vi khuẩn mà bạn thường bỏ qua nhưng lại cần được làm sạch ngay lập tức.
Chìa khóa, ví, túi xách
Đây là những đồ dùng bạn sử dụng hàng ngày nhưng lại mang đầy vi khuẩn. Hãy dành thời gian làm sạch chìa khóa, ví, túi xách của mình. Ví, túi xách là nơi ẩn chứa nhiều mầm bệnh nhất vì thế cần được làm sạch thường xuyên cả bên trong và bên ngoài.
Balo, túi đựng
Balo là vật dụng được cả người lớn và trẻ em sử dụng. Cho dù bạn đựng vật dùng gì trong đó thì chúng cũng cần được làm sạch thường xuyên.
Đồ chơi, bát đựng đồ ăn của thú cưng
Bát đựng thức ăn cho thú cưng nên được rửa sạch hàng ngày trong nước xà phòng nóng, làm khô ngay sau đó để ngăn vi khuẩn có hại phát triển.
Đồ chơi của thú cưng có thể tiềm ẩn vi khuẩn coliform, nấm men và nấm mốc. Đồ chơi cứng phải được làm sạch bằng nước xà phòng nóng ít nhất 1 lần/tuần, đồ chơi bằng vải có thể giặt bằng tay thường xuyên.
Theo The Spruce