Sau 30 tuổi, nhiều phụ nữ bắt đầu chú ý đến việc chăm sóc da và đôi khi "mù quáng" phụ thuộc vào mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc da với hy vọng duy trì được làn da tươi trẻ, mịn màng. Dù việc chăm sóc bên ngoài có tác dụng nhất định nhưng sức khỏe của làn da được bộc lộ nhiều hơn từ trong ra ngoài. Thay vì chỉ dựa vào mỹ phẩm, tốt hơn hết bạn nên chú ý điều hòa chế độ ăn uống thông qua món ăn chứa progesterone tự nhiên. Việc sử dụng thực phẩm bổ sung để tăng cường chức năng cơ thể, thúc đẩy tiết progesterone sẽ giúp chị em trì hoãn lão hóa và duy trì sự trẻ trung.
Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn 5 công thức món ăn được mệnh danh là "progesterone tự nhiên" không chỉ thơm ngon mà còn có thể giúp điều hòa cơ thể phụ nữ và khiến làn da trở nên mềm mại, mịn màng hơn.
1. Sườn non hầm giá đỗ và tảo bẹ: Món ăn chứa progesterone tự nhiên bổ dưỡng
Mầm đậu nành (giá đỗ tương) rất giàu phytoestrogen có tác dụng điều hòa nội tiết tố nữ hiệu quả. Mầm đậu nành cũng giàu chất chống oxy hóa và có thể kích thích sản xuất tăng nồng độ progesterone. Trong khi đó, tảo bẹ là nguồn cung cấp i-ốt dồi dào, có lợi cho sức khỏe nội tiết của phụ nữ. Sườn heo giàu protein, giúp món hầm có phần nước dùng đậm đà hương vị. Món ăn này không chỉ giúp cải thiện độ đàn hồi của da mà còn cung cấp nhiều dưỡng chất phong phú.
Nguyên liệu làm món sườn non hầm giá đỗ và tảo bẹ
200g giá đỗ (mầm đậu nành), 100g tảo bẹ, 350g sườn non, 1 gốc hành baro, một nhánh gừng vừa phải, lượng muối thích hợp, 1 thìa canh rượu nấu ăn, 1 thìa canh nước tương, 1 thìa canh nước tương đen, chút bột tiêu, lượng dầu ăn thích hợp.
Cách làm món sườn non hầm giá đỗ và tảo bẹ
Bước 1: Sườn heo rửa sạch rồi chặt thành các miếng vừa ăn. Sau đó cho sườn heo vào nồi nước đang sôi chần nhanh cho hết huyết thừa, vớt ra rồi để ráo. Hành baro và gừng thái nhỏ sau đó cho vào chảo có chút dầu, xào thơm. Tiếp đó bạn cho sườn đã chần vào, đảo nhanh tay. Sau đó bạn cho rượu nấu ăn, nước tương và nước tương đen, xào cho đến khi sườn đổi màu. Thêm một lượng nước thích hợp vào, đun sôi.
Bước 2: Giá đỗ bạn rửa sạch để ráo, tảo bẹ ngâm nở. Sau khi nước sôi, bạn thêm tảo bẹ cắt nhỏ và giá đỗ vào. Tiếp tục đun sôi trên lửa lớn, sau đó giảm về mức lửa thấp và nấu trong 15 phút. Cuối cùng bạn nêm chút muối và bột tiêu vào cho vừa khẩu vị là có thể tắt bếp.
2. Móng giò hầm đậu phộng (lạc)
Móng giò heo rất giàu collagen, có thể cải thiện tình trạng chảy xệ và tăng độ đàn hồi cho da một cách hiệu quả. Đậu phộng rất giàu vitamin E và dầu thực vật, giúp nuôi dưỡng làn da căng bóng, mịn màng. Đậu phộng cũng là một loại hạt có khả năng kích thích việc sản sinh progesterone của cơ thể. Món ăn này có hương vị đậm đà, chân giò hầm mềm, tan ngay trong miệng, rất thích hợp làm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hàng ngày cho chị em phụ nữ, đặc biệt giúp làm dịu da khô và ngừa nếp nhăn.
Nguyên liệu làm móm mòng giò hầm đậu phộng
2 cái móng giò heo, 200g đậu phộng, 1-2 gốc hành baro (hoặc hành lá), một nhánh gừng vừa phải, 1 thìa canh rượu nấu ăn, hoa hồi, quế, lá nguyệt quế, một chút muối, 2 thìa canh nước tương, 1 thìa canh nước tương đen, lượng dầu ăn thích hợp.
Cách làm món móng giò hầm đậu phộng
Bước 1: Móng giò làm sạch, cắt thành từng miếng, chần qua nước cho hết mùi tanh. Đậu phộng ngâm và thay nước nhiều lần để loại bỏ màu đỏ từ vỏ lạc tiết ra. Gốc hành và gừng xắt nhỏ.
Bước 2: Đặt nồi lên bếp, cho chút dầu ăn vào đun nóng rồi thêm gốc hành, gừng, rượu nấu ăn, hoa hồi, quế vào xào thơm. Tiếp theo bạn cho móng giò đã chần vào xào cùng một lúc. Sau đó thêm nước tương và nước tương đen vào xào cho đến khi mòng giò heo đổi màu. Thêm lượng nước thích hợp, đổ đậu phộng vào, đun sôi ở lửa lớn rồi giảm lửa nhỏ. Hầm móng giò và đậu phộng trong khoảng 1 giờ rồi nêm thêm chút muối cho vừa khẩu vị. Nếu bạn muốn rút ngắn thời gian hầm móng giò thì có thể dùng nồi áp suất nhé.
3. Sườn heo hấp bí đỏ
Bí đỏ rất giàu beta-carotene, có thể giúp chống oxy hóa da hiệu quả và trì hoãn lão hóa. Bí đỏ cũng là một thực phẩm rất tốt giúp kích thích việc sản sinh progesterone của cơ thể. Sườn heo rất giàu protein và các nguyên tố vi lượng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Việc cho thêm tỏi băm làm tăng mùi thơm tổng thể, đồng thời cách hấp khiến món ăn này vừa tốt cho sức khỏe vừa ngon miệng. Sườn heo hấp bí đỏ là món ăn rất phù hợp để chị em bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Nguyên liệu làm món sườn heo hấp bí đỏ
500g bí đỏ, 300g sườn heo, lượng tỏi băm vừa phải, 2 thìa canh nước tương, 1 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh rượu nấu ăn, lượng muối thích hợp, 1 cây hành lá xắt nhỏ.
Cách làm món sườn heo hấp bí đỏ
Bước 1: Sườn heo rửa sạch, để ráo nước. Sau đó cho sườn heo vào tô, thêm rượu nấu ăn, nước tương, dầu hào, chút xíu muối, tỏi băm vào ướp trong 30 phút.
Bước 2: Gọt vỏ, bỏ ruột bí đỏ. Sau khi rửa sạch thì cắt bí đỏ thành từng miếng vuông vừa ăn. Xếp bí đỏ vào đĩa sâu lòng, xếp sườn đã ướp lên trên. Sau đó cho đĩa sườn và bí đỏ vào nồi, hấp khoảng 40 phút thì lấy ra, rắc hành lá xắt nhỏ lên và thưởng thức.
4. Canh rau chân vịt và gan heo
Rau chân vịt (rau bina) rất giàu chất sắt và axit folic, có thể thúc đẩy lưu thông máu và cải thiện vấn đề da xỉn màu. Rau chân vịt cung cấp folate, niacin, vitamin A, B6, C, K, B1, B2 và các khoáng chất giúp điều hòa nội tiết tố nữ và tăng sản xuất progesterone, hỗ trợ miễn dịch và giảm lão hóa da. Gan lợn là thực phẩm bổ sung sắt tốt, giàu vitamin A, có tác dụng bồi bổ sức khỏe làn da phụ nữ rất tốt. Món canh này rất đơn giản nhưng giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt thích hợp với những phụ nữ cơ thể yếu, khí huyết không đủ.
Nguyên liệu làm món canh rau chân vịt và gan heo
300g rau chân vịt, 200g gan heo, lượng gừng vừa phải, lượng muối thích hợp, 1 thìa canh rượu nấu ăn, 1 thìa canh nước tương, lượng dầu mè thích hợp, một chút muối, khoảng 10g hạt kỷ tử.
Cách làm món canh rau chân vịt và gan heo
Bước 1: Gan heo rửa sạch, cắt thành từng lát mỏng rồi ngâm trong nước khoảng 10 phút để loại bỏ máu. Sau đó cho gan heo vào bát, thêm muối, nước tương, rượu nấu ăn, trộn đều và ướp trong 10 phút. Rau chân vịt cắt bỏ gốc, rửa sạch rồi cắt khúc vừa ăn. Gừng gọt bỏ vỏ, rửa sạch và cắt nhỏ. Chần rau chân vịt trong nồi nước sôi khoảng 1 phút rồi vớt ra để ráo (thêm một ít dầu và muối vào nồi để rau giữ được màu xanh). Đặt nồi lên bếp, cho chút dầu ăn vào đun nóng rồi xào thơm gừng.
Bước 2: Thêm nước vào, đun sôi, cho gan heo vào nấu khoảng 1 phút. Sau đó thêm rau chân vịt vào và nấu cho đến khi mềm. Nêm thêm chút muối và dầu mè rồi rắc kỷ tử vào.
5. Trứng cút sốt dầu hành
Trứng cút rất giàu protein chất lượng cao và nhiều nguyên tố vi lượng, đặc biệt thích hợp với những phụ nữ có thân hình gầy yếu. Trứng cút cũng giàu vitamin B12, riboflavin, sắt, giúp tăng progesterone tự nhiên. Trứng cút sốt dầu hành có mùi thơm và hương vị độc đáo, không chỉ làm món ăn nhẹ mà còn có thể dùng cùng cơm trong bữa ăn chính. Món ăn này rất đơn giản để thực hiện, lý tưởng để bổ sung dinh dưỡng hàng ngày.
Nguyên liệu làm món trứng cút sốt dầu hành
20 quả trứng cút, 2g muối, 1 thìa canh tinh chất cốt gà, lượng dầu ăn thích hợp, 2-3 cây hành lá, một chút đường.
Cách làm món trứng cút sốt dầu hành
Bước 1: Trứng cút mua về rửa sạch rồi cho vào nồi đun khoảng 10 phút. Để trứng cút nguội và bóc vỏ. Đặt chảo lên bếp, thêm dầu ăn rồi thả trứng cút vào chiên khi dầu nóng 50%. Chiên cho đến khi trứng cút có màu hơi nâu, thì thêm muối và đường vào rồi xào đều.
Bước 2: Tiếp theo bạn cho tinh chất cốt gà vào rồi đảo đều. Cuối cùng cho hành lá xắt nhỏ vào, đảo đều, lấy ra đĩa là có thể thưởng thức.
5 món ăn này không chỉ đáp ứng nhu cầu protein và vitamin của cơ thể phụ nữ mà còn thúc đẩy sự cân bằng nội tiết tố thông qua các thành phần tự nhiên. Mỗi món ăn đều mang đầy đủ sự kết hợp giữa sức khỏe và hương vị thơm ngon, đặc biệt phù hợp với phụ nữ sau 30 tuổi chú trọng chăm sóc da. Thông qua các chất bổ sung trong chế độ ăn uống này, phụ nữ có thể trì hoãn lão hóa, duy trì làn da mịn màng cùng vẻ ngoài trẻ trung.