Ít bị thầy cô gọi lên bảng
Nếu để ý kỹ một chút bạn sẽ nhận thấy khi gặp một bài Toán khó hay một vấn đề gì đó khó nhằn thì người bị gọi đầu tiên thường là lớp trưởng, lớp phó. Nhất là khi có những tiết thầy cô dạy thế không biết tên học sinh trong lớp thì chắc chắn “thường dân” sẽ nằm ngoài danh sách bị gọi tên lên bảng làm bài.
Trong lớp thường thì thầy cô sẽ nhớ tên cán bộ lớp đầu tiên, những đứa bình thường “chìm chìm” trong lớp thì sẽ ít bị thầy cô chú ý hơn, mà tâm lý của học trò thường không muốn lọt vào “tầm ngắm” của giáo viên.
Thoải mái kết bạn
Đôi lúc "thường dân” sẽ dễ kết bạn hơn với tất cả mọi người, họ vô tư nói chuyện một cách hòa đồng với mọi thành phần trong lớp. Thường trong lớp sẽ có những trường hợp chia nhóm ra chơi với nhau, làm "thường dân" thì có thể chơi với tất cả nhóm.
Nếu như nhóm cán bộ lớp chơi với nhau thì sẽ ít có cơ hội chơi với một số nhóm khác, vì “thường dân” thường nghĩ rằng chơi với cán bộ lớp không thoải mái, lúc nào cũng phải cố gắng gương mẫu giống như họ thật là không thích tí nào.
Tự do làm những gì mình thích
Nếu như cán bộ lớp lúc nào cũng phải làm gương, không được vi phạm bất kỳ điều gì, lúc nào cũng phải tỏ ra gương mẫu vô hình chung những bạn ấy đôi lúc sẽ mất đi tính hồn nhiên, tinh nghịch của tuổi học trò.
Nếu là một “thường dân”, bạn có thể thích làm gì cũng được mà không phải lo sợ ánh mắt của người khác. Bạn có thể ngủ gật trong lớp, lén ăn vặt, giở tài liệu, copy… thậm chí có thể quậy phá.
Ít bị áp lực
Với những bạn cán bộ luôn mang nặng trọng trách cho lớp thì làm học sinh bình thường lại khá là thoải mái về mặt tâm lý. Với họ sẽ không có kiểu phải xấu hổ khi không thuộc bài, không phải chịu áp lực nặng nề mỗi khi tới giờ sinh hoạt lớp, vì tất cả đều đã có lớp trưởng, lớp phó đứng ra “gánh chịu”.
Nếu như những bạn lớp trưởng, lớp phó lúc nào cũng phải chăm chỉ học bài thì "thường dân" có thể lười học cũng không phải là vấn đề gì lớn lao.
Có thể lười tham gia hoạt động
Một lý do quan trọng nữa mà các bạn ấy thích làm "thường dân" hơn đó là việc có thể trốn tham gia một số phong trào của lớp. Tâm lý các bạn ấy đều cho rằng tham gia vào những trò ấy chẳng giúp ích được gì mà lại tốn thời gian, công sức.
Chính vì tâm lý này mà cứ mỗi khi có hoạt động nào thì cán bộ lớp phải đi năn nỉ những bạn ấy tham gia, ai nấy đều không hào hứng với mấy hoạt động như thi thanh lịch, nấu ăn, thi đua trong lớp… Đến mức, vì không ai chịu tham gia mà giáo viên chủ nhiệm phải chỉ định, "đe dọa" thì các bạn ấy mới miễn cưỡng tham gia.
Có một số lớp phải phân chia đều ra từng bạn, có sổ ghi lại đàng hoàng, hoạt động này bạn A tham gia thì hoạt động kia bạn B tham gia, phải công bằng và chi tiết như thế thì những bạn ấy mới chịu làm.
Dù bạn có là “thường dân” hay không thì tốt hơn hết đừng làm những việc ảnh hưởng chung đến tập thể. Nếu một ngày nào đó bạn chán làm "thường dân" thì có thể mạnh dạn đổi mới bản thân mình bằng việc ứng cử vào chức cán bộ lớp. Đó sẽ là một điều cực thú vị trong quãng đời học sinh của bạn đấy.